Viện ĐBCLGD - Tập huấn “Đổi mới kiểm tra đánh giá người học thế hệ Z”


 

Ngày 4/4/202, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN phối hợp với Trường Đại học Giáo dục, Đại học Adelaide, Úc tổ chức tập huấn với chủ đề: “Đổi mới kiểm tra đánh giá người học thế hệ Z” (tên tiếng Anh: “Innovative Assessment: Best Practice for Evaluating Performance and Assessment for the Generation Z“. Tập huấn này dành cho các giảng viên, giáo viên, những người quan tâm đến việc tìm hiểu cách làm cho hoạt động kiểm tra và đánh giá tốt hơn, bằng cách giúp giảng viên, giáo viên áp dụng các phương pháp tốt nhất để đánh giá chất lượng hoạt động kiểm tra đánh giá của mình, đặc biệt là đối với người học thế hệ Z.

Tham dự tập huấn, phía đại diện Đại học Adelaide gồm có: Ông Mark Pickford, Giám đốc cấp cao Khoa Nhân văn, Kinh doanh, Kinh tế và Luật. TS. Igusti Darmawan – Phó Khoa Nhân văn, Kinh doanh, Kinh tế và Luật, (Bộ phận Quốc tế), Trường Đại học Giáo dục. Bà Jacqui Stockley, Trưởng dự án Khoa Nhân văn, Kinh doanh, Kinh tế và Luật, Bà Zoha Kazmi, Tư vấn Khoa, Bộ phận Quốc tế và Cô Thảo Phạm, Quản lí cấp cao, bộ phận sinh viên quốc tế, Đại học Adelaide. Đại diện Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia tại Việt Nam (Austrade), bà Lê Hiền, là khách mời đặc biệt tại sự kiện. Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục là bộ phận đầu mối phía ĐHQGHN tổ chức sự kiện này. Đặc biệt, tập huấn thu hút sự tham gia của hơn 30 giảng viên đến từ các đơn vị khác nhau của ĐHQGHN: Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH Việt Nhật, Trung tâm Giáo dục thể chất và Thể thao, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN,…

Điều hành buổi tập huấn, TS. Bùi Vũ Anh, Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN đánh giá cao phía Đại học Adelaide và Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia tại Việt Nam (Austrade) về sáng kiến tổ chức tập huấn trên nhằm hỗ trợ và nâng cao năng lực giảng dạy cho giảng viên ĐHQGHN.

Bùi Vũ Anh, Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN điều hành chương trình

Ông Mark Pickford, Giám đốc cấp cao Khoa Nhân văn, Kinh doanh, Kinh tế và Luật, ĐH Adelaide trình bày, giới thiệu với các giảng viên tham dự tập huấn về môi trường giáo dục và các thành tựu nổi bật của ĐH Adelaide.

Từ khi thành lập năm 1874 đến nay, trường đã xây dựng được uy tín vững chắc về chất lượng xuất sắc trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu. Hiện tại, Đại học Adelaide là một trong những đại học nghiên cứu hàng đầu nước Úc, được xếp hạng cao nhất ở Nam Úc và ở vị trí thứ 88 trong các trường đại học tốt nhất thế giới theo đánh giá của Bảng xếp hạng đại học năm 2023 của THE (Times Higher Education). Ông Mark Pickford khẳng định ĐH Adelaide ngày càng tạo lập được một môi trường học thuật hấp dẫn với các sinh viên, học viên quốc tế.

Tham gia trình bày và hướng dẫn chính trong buổi tập huấn, TS. Igusti Darmawan, giảng viên cao cấp của Trường Đại học Giáo dục thuộc Đại học Adelaide, Úc đặt vấn đề: Kiểm tra đánh giá là một hoạt động vô cùng quan trọng trong dạy học nhằm giúp giáo viên tìm hiểu, xác định, đánh giá quá trình, kết quả học tập của người học, từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ học tập phù hợp và hiệu quả vì sự tiến bộ của người học. Mặc dù vậy, thực tiễn cho thấy nhìn chung chất lượng của hoạt động kiểm tra đánh giá còn thấp, kết quả kiểm tra đánh giá chưa đảm bảo độ tin cậy. Trước bối cảnh giáo dục mới với sự tác động của công nghệ,  các yêu cầu về năng lực và kỹ năng của người học thế hệ Z thay đổi, làm thế nào để đánh giá người học hiệu quả và đáng tin cậy? TS. Igusti Darmawan cho rằng trước khi đưa ra giải pháp cho vấn đề này, giảng viên cần thấu hiểu đặc điểm người học của mình.

TS. Igusti Darmawan chia sẻ 9 đặc điểm của người học thế hệ Z mà giảng viên cần lưu ý để giảng dạy hiệu quả hơn như sau:

  1. Kiến thức thông tin (Information Literacy)

Với vô số thông tin có sẵn trực tuyến, đối với họ, nghiên cứu không chỉ là thu thập kiến ​​thức mới mà hơn thế nữa là truy cập câu trả lời nhanh để hoàn thành bài tập. Họ cần trợ giúp để loại bỏ thông tin sai lệch và hiểu rằng không phải mọi thứ họ đọc trực tuyến đều chính xác, an toàn và hữu ích.

  1. Học ứng dụng (Appliled Learning)

Người học thế hệ Z cho rằng học tập ứng dụng làm cho việc học trở nên thú vị hơn bất kỳ yếu tố nào khác đối với họ. Kiến ​​thức và kỹ năng thực tế sẽ hữu ích cho họ khi tham gia lực lượng lao động.

  1. Người học hướng nội (Intrapersonal Learning)

Học tập tương tác giữa các cá nhân (Interpersonal learning) là một trong những phong cách học tập ít được người học thế hệ Z ưa thích (25% cho rằng đó không phải là một phương pháp học tập hiệu quả). Nhiều người thích khái niệm học tập độc lập, do họ kiểm soát thời gian, tốc độ và môi trường học tập.

  1. Phòng học kết hợp (Hybrid Classrooms)

Các lớp học kết hợp cho phép người học tham gia vào quá trình học tập độc lập, tự định hướng kết hợp với một số buổi học trực tiếp với giảng viên và những sinh viên khác.

  1. Học tập đảo ngược (Flipped Learning)

Mô hình lớp học đảo ngược giúp người học có thể hoàn thành bài tập trước thời hạn, có thể cho họ cơ hội tìm hiểu kiến thức và tự tin hơn về nội dung học tập trước khi được yêu cầu tham gia học tập trên lớp.

  1. Học bằng ví dụ (Learning by Example)

Người học thế hệ Z thích xem bài làm mẫu mẫu, tham gia các buổi thực hành, xem minh họa và giải quyết các vấn đề mẫu với người hướng dẫn để họ hiểu rõ về những yêu cầu của bài tập và cảm thấy thoải mái khi cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ học tập.

  1. Học qua video (Video-based Learning)

Học hỏi và tiếp thu thông tin mới là một trong những mục đích sử dụng chính của thế hệ Z đối với nội dung dựa trên video. Gần 90% sinh viên đại học thế hệ Z truy cập YouTube để học kiến ​​thức mới.

  1. Môi trường học tập (Learning Environments)

Sinh viên thế hệ Z ưa thích một không gian linh hoạt và sử dụng hỗn hợp, bên cạnh môi trường học tập yên tĩnh, nơi họ có thể điều chỉnh bằng tai nghe. Tuy nhiên, về bản chất xã hội, họ thích ở gần những học sinh khác để học, miễn là những sinh viên đó không bị phân tâm.

  1. Nhà giáo dục nhiệt huyết (Passionate Educators)

Sinh viên thế hệ Z xem giảng viên của họ như những người hỗ trợ học tập thay vì các chuyên gia truyền đạt tri thức uyên bác của họ cho người học; giảng viên phải là người kể chuyện, chia sẻ kinh nghiệm thực tế và làm cho nội dung trở nên sống động, là những người chăm sóc vì họ muốn được giảng viên quan tâm đến đời sống của họ.

Đối với đối tượng người học như vậy, giảng viên cần xem xét lại mục đích của hoạt động đánh giá: Assessment OF Learning, Assessment FOR Learning hay Assessment AS Learning.

Igusti Darmawan, giảng viên cao cấp Trường Đại học Giáo dục, Đại học Adelaide, Úc trình bày tại tập huấn

Igusti Darmawan gợi mở một số thực hành về kiểm tra đánh giá (KTĐG) người học thế hệ Z như sau:

  • Các bài kiểm tra tâm lý (Psychometric tests): Các bài kiểm tra trực tuyến hoặc ứng dụng tự báo cáo thường được sử dụng để đánh giá người học về các khía cạnh như tính cách, sức khỏe hoặc siêu nhận thức.
  • Trắc nghiệm thông minh (Smart Multiple Choice): Được thiết kế để đánh giá được các kỹ năng, năng lực tư duy bậc cao như tư duy phản biện.
  • Đánh giá trình diễn (Performance-based Assessment): Bài kiểm tra PISA về giải quyết vấn đề hợp tác và tư duy sáng tạo là những đánh giá trình diễn.
  • Điều tra mở rộng (Extended Investigation): các loại đánh giá cần thiết để chứng minh rõ nhất các kỹ năng tư duy bậc cao.
  • Vi chứng nhận (Micro-credentialling): chứng nhận dạng kỹ thuật số có thể được cấp một lần hoặc là một phần của chương trình đào tạo dành cho người học. Có thể xem vi chứng nhận như những chiếc “huy hiệu số” có thể được thu thập thông qua các ứng dụng trực tuyến, các trang web hay hệ thống dữ liệu một cách dễ dàng.
  • KTĐG theo yêu cầu và trực tuyến (On-demand and online)
  • Đánh giá dựa trên trò chơi (Game-based assessment)
  • Đánh giá qua hồ sơ học tập (Profiling)


  Giảng viên tham gia thảo luận sôi nổi tại buổi tập huấn

Các giảng viên tham gia trao đổi, thảo luận sôi nổi với TS. Igusti Darmawan tại sự kiện. Người tham dự được nhận chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn của của Đại học Adelaide.

Igusti Darmawan trao chứng nhận của Đại học Adelaide cho giảng viên hoàn thành tập huấn

Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia tại Việt Nam (Austrade), bà Lê Hiền khẳng định: Việt Nam và Australia đã xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược bền chặt trong hơn 50 năm quan hệ ngoại giao. Mối quan hệ chặt chẽ về giáo dục của nước Úc với Việt Nam được thể hiện ở cả cấp chính phủ và cơ sở giáo dục. Bắt đầu từ chương trình học bổng song phương, mối quan hệ trong lĩnh vực giáo dục đã nhanh chóng phát triển cả về chiều sâu và bề rộng. Cụ thể là: Số lượng du học sinh Việt Nam sang Úc ngày càng nhiều. Việt Nam là thị trường cung cấp sinh viên quốc tế lớn thứ 5 tại Úc với 27.000 sinh viên đăng ký và hơn 8.000 người Việt Nam theo học bằng cấp của Úc tại Việt Nam. Ngày càng có nhiều cơ sở đào tạo của Úc với các chương trình được đào tạo tại Việt Nam và hợp tác nghiên cứu với các cơ sở của Việt Nam. Hiện có 300 chương trình hợp tác đào tạo bao gồm các chương trình liên thông và liên kết đào tạo giữa các cơ sở đào tạo của Australia và Việt Nam. Hơn 80.000 cựu sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục Australia hiện đang làm việc tại Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, sự thay đổi nhanh chóng của thế giới đã đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ trong giáo dục cũng như đặt ra nhiều thách thức trong giảng dạy cho các trường, lớp học. Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng với công nghệ tăng tốc và triển vọng việc làm mới, điều quan trọng đối với các nhà giáo dục là nâng cao kỹ năng và kiến thức quốc tế trước khi chuyển giao cho sinh viên của họ. Nền giáo dục Úc hướng đến việc tạo ra những sinh viên tốt nghiệp có đầu óc độc lập với những kỹ năng cần thiết để chuẩn bị và ứng phó với những thay đổi như vậy của thế giới. Làm thế nào để một giảng viên Việt Nam có thể trở thành một giảng viên toàn cầu với trang bị vững vàng và khả năng thích ứng quốc tế mà không cần phải rời khỏi đất nước, khu vực vùng miền hay thậm chí là một thị trấn xa xôi. Bà Lê Hiền cho rằng “hội thảo này là một ví dụ điển hình cho sự thành công trong việc liên kết và hợp tác giữa các cơ sở giáo dục của Úc dành cho giáo viên ở các nước đang phát triển như Việt Nam. ĐHQGHN và Đại học Adelaide, hai đại học xếp hạng hàng đầu ở hai quốc gia đã chia sẻ tầm nhìn và nỗ lực hết mình để nâng cao chất lượng dạy và học theo tiêu chuẩn hàng đầu thế giới”. Đại diện Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia tại Việt Nam tin tưởng rằng việc đào tạo từ ĐH Adelaide và ĐHQG Hà Nội chắc chắn sẽ giúp giảng viên và sinh viên chuẩn bị tốt cho giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

Bà Lê Hiền, Đại diện Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia tại Việt Nam (Austrade) phát biểu tại sự kiện

 Một số hình ảnh tại sự kiện:

CTE Media

Nội dung liên quan

Số lượt truy cập

Số lần xem các bài viết
440764