Viện ĐBCLGD - Đề tài "Mối quan hệ của việc sử dụng internet và hoạt động học tập của sinh viên"


Đề tài "Mối quan hệ của việc sử dụng internet và hoạt động học tập của sinh viên" mã số Q.CL. 05.01 do TS. Nguyễn Quý Thanh thực hiện với sự tham gia của Th.S. Nguyễn Vân Anh, Nguyễn Khánh Hoà, Nguyễn An Ni trong quá trình thu thập và phân tích thông tin. Đề tài đã tiến hành khảo sát 640 sinh viên của 10 trường đại học, trong đó 5 trường ở Hà nội và 5 trường ở thành phố Hồ Chí Minh. Những kết quả chính của đề tài này như sau.

Về dạng hành vi học tập chủ động, tích cực, chúng tôi thấy rằng có nhiều yếu tố khác nhau liên hệ tới việc học của sinh viên. Những sinh viên có điểm học tập cao thường chăm chú nghe giảng, ít làm việc riêng như đọc truyện, báo trong giờ học đồng thời họ cũng “chịu khó” lên thư viện đọc tài liệu hơn. Một điều khá đặc biệt là sinh viên miền Bắc có tỷ lệ lên thư viện lớn hơn khá nhiều so với sinh viên miền Nam. Xét về yếu tố giới, nữ có tỷ lệ trao đổi với các bạn về bài giảng trong giờ học lớn hơn nam. Tuy nhiên, khi xét về sự liên quan giữa việc sử dụng Internet và các hành vi học tích cực của sinh viên, chúng tôi nhận thấy Internet chỉ có liên hệ tới hành vi lên thư viện đọc tài liệu theo chiều hướng tích cực, tức là những người lên càng truy cập nhiều thì càng chăm lên thư viện.

 

- Về dạng hành vi phản học tập (nói chuyện riêng, làm việc riêng, ngủ, chơi bài trong giờ học v.v.) của sinh viên chúng tôi nhận thấy rằng chúng khá phổ biến. Sinh viên càng học các khóa trên và có mức chi tiêu cao tỷ lệ đi học muộn và nghỉ học càng nhiều. Sinh viên nữ có xu hướng nói chuyện riêng trong giờ học nhiều hơn nam, tuy nhiên tỷ lệ nói chuyện thường xuyên ở nam cao gần gấp đôi nữ. Sinh viên thành thị làm việc trái giờ nhiều hơn sinh viên nông thôn và miền Bắc có tỷ lệ sinh viên ngủ, chơi bài hoặc đánh cờ trong lớp nhiều hơn miền Nam. Việc truy cập Internet cũng liên hệ tới các hành vi phi học tập ở các khía cạnh khác nhau. Có một nghịch lý là tần xuất truy cập Internet càng cao thì tỷ lệ nghỉ học lại càng giảm. Sinh viên sử dụng mạng với mục đích giao tiếp nói chuyện riêng trong lớp nhiều hơn. Sinh viên truy cập Internet hàng ngày làm việc trái giờ chiếm tỷ lệ lớn nhất nhưng ở mức độ thường xuyên thì những người không bao giờ truy cập vi phạm nhiều hơn. Đặc biệt những người sử dụng Internet phục vụ học tập ít có hành vi giờ này học bài môn khác so với những người truy cập mạng không với mục đích đó. Tần suất truy cập Internet cũng liên hệ tới hành vi ngủ, chơi cờ hoặc đánh bài trong giờ học. Những người truy cập mạng hàng ngày vi phạm nhiều nhất nhưng nếu sử dụng ở mức độ trung bình thì tỷ lệ này thấp hơn so với những người không truy cập Internet.

 

- Về hành vi học tập thụ động của sinh viên chúng tôi thấy rằng yếu tố vùng miền và giới liên hệ nhiều nhất tới các dạng hành vi học thụ động của sinh viên. Một điều ngạc nhiên là học lực và số năm học của sinh viên không có mối quan hệ với mức độ thụ động trong học tập. Nếu mọi người vẫn nghĩ sinh viên các khóa trên hay những người có học lực khá, giỏi sẽ tích cực, chủ động hơn trong quá trình học tập trên lớp cũng như ở nhà thì nghiên cứu này không khẳng định điều đó. Việc truy cập Internet cũng có liên hệ tới các dạng hành vi học thụ động của sinh viên. Tỷ lệ phát biểu, thảo luận trong giờ học nhiều hơn với những người có tần suất truy cập Internet cao. Nhưng những sinh viên sử dụng mạng với mục đích giao tiếp lại lười phát biểu hơn. Tỷ lệ thụ động (ngồi im nghe giảng) giảm bớt ở những sinh viên dành nhiều thời gian và tần suất truy cập Internet nhưng xét về ý thức chủ động hỏi giảng viên thêm về môn học ngoài giờ lên lớp, những sinh viên truy cập mạng với thời gian lớn lại có tỷ lệ thấp hơn. Có thể nói, Internet có những liên hệ nhiều chiều trong nhiều dạng hành vi học thụ động của sinh viên hiện nay.

Kết luận chung:

- Trên cơ sở những kết quả nói trên, có thể thấy rằng Internet là một công cụ hữu hiệu bổ trợ cho quá trình giảng dạy-học tập của sinh viên. Tuy nhiên, cho dù nó đã tạo ra những sự thay đổi nhất định trong cách học của sinh viên, xét về cơ bản mức độ ảnh hưởng này không thực sự lớn như kỳ vọng. Việc phổ cập và tạo điều kiện cho sinh viên có thể truy cập vào Internet phục vực cho việc học là cần thiết. Nhưng đi kèm theo đó phải là việc thay đổi một cách căn bản quá trình dạy. Vì nếu không, sinh viên cũng chẳng cần chủ động hơn, không cần có thêm thông tin từ Internet thì họ vẫn có kết quả cao. Điểm bất hợp lý này cần được giải quyết một cách đồng bộ từ phía giảng viên, sinh viên cũng như các nhà quản lý giáo dục.

 

Nội dung liên quan

Số lượt truy cập

Số lần xem các bài viết
438902