PHẦN I: TỔNG QUAN

Các công trình nghiên cứu về hoạt động học tập của sinh viên (SV) cho thấy quá trình học tập của SV chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Mỗi SV lớn lên trong những môi trường văn hoá xã hội khác nhau, họ hình thành những thói quen, cách suy nghĩ, các năng lực nhận thức, hứng thú cũng khác nhau. Điều này tạo nên sự đa dạng và sự phong phú về phong cách học trong từng lớp học. Theo đánh giá của các giảng viên thì mỗi SV học tập theo những phong cách khác nhau. Một số SV học tập theo những phong cách tích cực, chủ động. Họ thích tranh luận, thích tìm tòi cái mới hơn là dễ dàng công nhận những luận điểm giảng viên đưa ra. Trong khi một số SV khác lại tỏ ra thụ động, họ ngại tranh luận, không thích bày tỏ chính kiến, thích im lặng ngồi nghe hơn là tranh cãi.

Phải chăng mỗi SV đã hình thành cho mình một phong cách được ưa thích và có hiệu quả? Phong cách học tập của SV có môi liên hệ như thế nào đến thành tích học tập? Những phong cách học tập nào giúp SV dễ dàng gặt hái sự thành công học đường? Có sự khác nhau đáng kể về phong cách học tập giữa SV học các ngành học khác nhau?...

Khái niệm: Phong cách học tập là một cấu trúc phức hợp đa mặt, đa thành tố. Đó là tổ hợp những phẩm chất/ nét nhân cách, năng lực/ kỹ năng thể hiện được cái riêng, có tính ổn định về các chiến lược học, thái độ, động cơ, hứng thú học, phương pháp giảng dạy được ưa thích của người học, nhằm đáp ứng các nhiệm vụ nhận thức, tương tác và thoả mãn các yêu cầu của môi trường học tập.

- Mẫu điều tra SV được chọn theo phương pháp phân tầng theo cụm bán ngẫu nhiên : gồm 448 SV của 4 khoa: Toán, Lý, ( 182 SV ĐHKHTN), Văn và Sử (266 SV ĐHKHXH&NV).

- Công cụ: Trắc nghiệm Phong cách học được thiết kế dựa trên quan niệm xem phong cách học tập của SV là một cấu trúc phức hợp đa mặt, đa thành tố, có tham khảo các bộ công cụ nghiên cứu phong cách của các công trình trước đó, của nước ngoài. Cấu trúc trắc nghiệm này gồm 5 thang đo:

1- Các chiến lược học (LS), gồm 20 items

2- Các phương pháp dạy và học được ưa thích hơn (TMP), gồm 12 items

3- Khả năng học/năng lực học (LA), gồm 12 items

4- Động lực thúc đẩy việc học (MS), gồm 9 items

5- Tính kiên trì, quyết tâm đến cùng (LP), gồm 9 items

PHẦN II: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

I. Kết quả nghiên cứu phong cách học của SV

1.1. Bức tranh thực trạng về kết quả đánh giá các kỹ năng/năng lực của SV

Kết quả khảo sát cho thấy các SV được khảo sát yếu nhất ở các nhóm: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc theo dự án, kỹ năng sử dụng máy vi tính, kỹ năng viết báo cáo tham luận, kỹ năng vận dụng vào thực tế ; mạnh hơn ở các nhóm kỹ năng: phân tích và giải thích, giải quyết vấn đề, nghe ghi và hiểu bài giảng . Điều này dễ hiểu vì những kỹ năng này SV thường được thực hành nhiều hơn.

Kết quả trả lời cho thấy SV mạnh nhất ở các nhóm năng lực: Làm việc độc lập, Tự học, Nắm vững kiến thức chuyên ngành ; yếu hơn ở các nhóm năng lực: Tư duy sáng tạo, Sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ học tập, Năng lực ngoại ngữ .

 

1.2. Kết quả nghiên cứu phong cách học của SV

Kết quả nghiên cứu các chiến lược học của SV cho thấy chỉ có 36% SV được khảo sát cho rằng mình đã tìm được những phương pháp học phù hợp với đặc điểm nhận thức của cá nhân. Chỉ có 40% SV được khảo sát học theo kiểu khám phá: đặt câu hỏi, đưa ra giả thuyết, tìm kiếm thông tin, bằng chứng để chứng minh hay bác bỏ giả thuyết. Kết quả nghiên cứu các chiến lược học của SV cũng cho thấy còn một bộ phận khá đông SV chưa tìm được cho mình các chiến lược học tích cực, hiệu quả. Có đến 36,1% số SV được khảo sát biểu lộ phong cách học thụ động: ngại nêu thắc mắc, ngại nói ra ý tưởng riêng của mình trong các cuộc thảo luận trên lớp. Có đến 31,4% số SV được khảo sát cho rằng các chiến lược học của mình hướng vào việc nắm kiến thức hơn là phát triển các năng lực tư duy.

Kết quả nghiên cứu các năng lực/khả năng học của SV cho thấy có đến trên dưới một nửa số SV được khảo sát không thật tự tin vào các năng lực/ khả năng học của mình.

Chỉ có 59,4% SV được khảo sát cho rằng mình có năng lực tự học. Chỉ có 31,6% SV cho rằng mình có năng lực tự nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu động cơ và hứng thú học của SV cho thấy đa số SV được khảo sát có động cơ học rõ ràng. Có 72,3% SV được khảo sát cho rằng mình đã có những mục tiêu được xác định rõ ràng và đang tích cực phấn đấu vì những mục tiêu này. Có 82,5% SV tin rằng kết quả học được quyết định chủ yếu bởi sự nỗ lực của người học. Tuy nhiên chỉ có 45,6% SV được hỏi cho rằng mình thực sự hứng thú học tập. Đây là điều đáng phải suy nghĩ. Phải chăng cách dạy, cách đánh giá hiện nay đang làm giảm đáng kể hứng thú học tập của nhiều SV.

Kết quả nghiên cứu sự kiên trì, quyết tâm học của SV cho thấy chỉ có khoảng trên một nửa số SV được khảo sát có được phẩm chất này. Có 50,3% SV cho biết mỗi ngày cố gắng tự học vài giờ, thậm chí học cả ngày nghỉ. Có 54,2% SV có xu hướng làm việc cật lực để đạt bằng được các mục đích của mình. Có 64,8% SV cho rằng mỗi khi gặp những rào cản ảnh hưởng đến quá trình học tập, họ thường coi đó là những thách thức và quyết tâm vượt qua. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận khá đông SV thiếu kiên trì, sợ khó. Có 46,3% SV cho biết họ thường gặp khó khăn khi buộc mình phải làm những điều mình nên làm. Có 38,4% SV cho biết họ thường gặp khó khăn khi thực hiện những nhiệm vụ đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực về tâm trí. Có 34,1% SV cho biết họ không dễ dàng bỏ dở nếu công việc đang làm trở nên khó khăn. Như vậy nhóm SV được nghiên cứu thiếu hụt đáng kể tinh thần vượt khó.

PHẦN III:KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Kết quả nghiên cứu phong cách học của SV cũng cho thấy còn một bộ phận khá đông SV chưa tìm được cho mình các chiến lược học tích cực, hiệu quả.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có mối liên hệ giữa phong cách học với năng lực làm việc độc lập, tư duy sáng tạo, năng lực tự học và tự nghiên cứu. Những SV có năng lực làm việc độc lập, tư duy sáng tạo, có năng lực tự học và tự nghiên cứu ở mức khá và tốt cũng là những người có phong cách học tập tích cực hơn. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những SV làm chủ được các kỹ năng học ở mức khá và tốt dường như cũng là những SV có phong cách học tích cực, chủ động hơn. Những SV có phong cách học tích cực là những người chủ động giành nhiều thời gian cho việc tự học trong suốt quá trình học. Điểm phong cách học có quan hệ tuyến tính với điểm học lực trung bình các môn học và nó giải thích cho khoảng 3%-14% sự biến thiên điểm thành tích học tập của những SV được nghiên cứu. Nhóm SV có điểm phong cách học cao cũng là nhóm SV có điểm học lực trung bình các môn cao ở các học kỳ.

Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi xin kiến nghị một số giải pháp phát triển phong cách học tích cực cho SV ĐHQGHN:

1- Giáo dục đại học ở ĐHQGHN phải nỗ lực cải tiến phương pháp dạy và học theo hướng tích cực hoá người học

Kết quả nghiên cứu của đề tài này cho thấy phong cách học của SV có liên quan đáng kể đến phương pháp dạy và học. SV thiếu hụt đáng kể các chiến lược học hiệu quả, thiếu hụt đáng kể các kỹ năng học. Như vậy ĐHQGHN phải nỗ lực cải tiến phương pháp dạy và học, giúp SV hình thành các chiến lược học tích cực, hiệu quả...

Điều này đòi hỏi giảng viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy thay vì tập trung cung cấp khái niệm, kiến thức (yêu cầu học thuộc)... bằng các chiến lược/phương pháp dạy và học tích cực như dạy học qua dự án, dạy học nêu vấn đề, học thông qua hành động, học qua trải nghiệm (nêu ý tưởng, nhiệm vụ, hướng dẫn chọn lựa các khái niệm, các phương pháp, công cụ đánh giá... tìm cách đặt ra cho SV các nhiệm vụ phải giải quyết để chúng suy nghĩ, tìm lý thuyết, phương pháp phù hợp... học sinh tích cực tìm kiếm thông tin, tự trải nghiệm... và học các kỹ năng đánh giá cách suy nghĩ của bản thân) ... Chỉ khi nào SV thường xuyên được trải nghiệm những hoạt động như vậy, các em mới có nhiều cơ hội để phát triển các chiến lược học hiệu quả để tạo thành phong cách học tích cực.

2- Giáo dục đại học ở ĐHQGHN phải tập trung phát triển các năng lực phát hiện/giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo và năng lực vận dụng

Kết quả nghiên cứu của đề tài này cho thấy SV thiếu hụt đáng kể một số năng lực như là năng lực nghiên cứu, năng lực sáng tạo, năng lực vận dụng...

Cần có sự điều chỉnh mục tiêu, nội dung chương trình học từ chỗ chỉ coi trọng cung cấp kiến thức chuyển sang coi trọng phát triển năng lực, đặc biệt là các năng lực phát hiện/giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo và năng lực thực hành ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn.

Số lượt truy cập

  • Số lượt xem 465352