Báo cáo “Nhận thức, thái độ và thực hành của sinh viên với phương pháp học tích cực” hay “Nghịch lý LaPierre và Tính tích cực học tập của sinh viên” được xây dựng trên cơ sở một khảo sát bằng phiếu trưng cầu ý kiến được nghiên cứu chọn mẫu tại 6 trường là ĐHKHXH&NV, ĐHKHTN, ĐHNN – ĐHQG HN, ĐHY HN, ĐHBKHN, ĐHKTQD với số lượng mẫu là 300, và 4 phỏng vấn sâu cá nhân, 1 quan sát trường hợp. Thông tin định lượng được xử lí bằng các kỹ thuật thống kê bằng phầm mềm thống kê chuyên dụng SPSS 15.0.

Phần Tổng quan nghiên cứu về tính tích cực học tập,chúng tôi khảo sát trên 100 đầu mục tài liệu cả trong nước và ngoài nước có liên quan đến tính tích cực học tập. Qua đó, các nghiên cứu được phân thành 2 nhóm: nhóm các nghiên cứu chuyên sâu vào một, một vài yếu tố trong cấu trúc thái độ của tính tích cực học tập là nhận thức, xúc cảm hoặc hành vi; nhóm thứ hai tập trung vào phân tích mối quan hệ, tính nhất quán (consistency) giữa các yếu tố bên trong (nhận thức) và các biểu hiện hành vi bên ngoài. Đặc biệt trong số đó có hai nghiên cứu lí thuyết được chúng tôi hết sức vận dụng là nghịch lý LaPierre 1934 và Campbell 1963 về ngưỡng tình huống (situational thresholds). Từ đó, vai trò lí thuyết của nghiên cứu này là chỉ rõ độ chênh giữa yếu tố nhận thức (cognitive), yếu tố xúc cảm(affective/emotion) và thực hành (practice) và xác định sự tồn tại các ngưỡng tình huống giữa các thành phần đó trong quá trình học tập của sinh viên.

Các kết quả thực nghiệm bao gồm phần thực trạng nhận thức – trạng thái xúc cảm – thực hành, phần hai bàn về mối tương quan giữa nhận thức, xúc cảm và thực hành, phần ba bàn về Các yếu tố quy định nhận thức và thực hành của sinh viên đối với phương pháp học tập tích cực.

Phần Thực trạng nhận thức – trạng thái xúc cảm – thực hành cho thấy chỉ số của mức độ nhận thức, mức độ thực hành và mức độ trạng thái xúc cảm học tập tích cực lần lượt là 95%, 62% và 55,5%. Các dạng hành vi học tập được xem xét như dạng hành vi học tập thụ động qua vấn đề tranh luận với giảng viên, dạng hành vi phản học tập như sử dụng tài liệu khi chưa được phép và hành vi không tập trung vào bài giảng, một dạng hành vi tích cực được bàn tới là dạng hành vi tìm kiếm tài liệu ở thư viện. Kết quả mô tả kèm theo các phân tích tương quan, phân tích phương sai 1 nhân tố (ANOVA) đã cho thấy có sự khác biệt về giới, điểm học tập kỳ gần nhất, vị trí ngồi trong lớp, nơi cư trú tới các dạng hành vi học tập, tới nhận thức và trạng thái xúc cảm tích cực.

Phần Mối tương quan giữa nhận thức – trạng thái xúc cảm – thực hành bàn tới độ chênh giữa nhận thức và thực hành, nhận thức và trạng thái xúc cảm, thực hành và trạng thái xúc cảm trong quá trình học tập tích cực. Theo đó, độ chênh giữa nhận thức và thực hành là 32,7 điểm %, giữa nhận thức và trạng thái xúc cảm là 39,2 điểm % và giữa trạng thái xúc cảm và thực hành là -6,2 điểm % đều được chứng minh là có ý nghĩa thống kê. Điều đó cho thấy trên thực tế, trong quá trình học tập của sinh viên còn tồn tại những ngưỡng tình huống làm cho sinh viên trở nên ì, chưa vượt qua được để chuyển hóa nhận thức, xúc cảm học tập tích cực thành thực hành học tập tích cực.

Phần Các yếu tố quy định nhận thức và thực hành của sinh viên đối với phương pháp học tập tích cực chúng tôi xây dựng các mô hình hồi quy tuyến tính để xác định các yếu tố quy định nhận thức, thực hành học tập tích cực và độ chênh giữa hai thành phần này. Có 5 mô hình dành cho nhận thức học tập tích cực, trong đó mô hình 4 là mô hình tốt nhất, các mô hình này cũng xác định các yếu tố các khả năng dự báo là biến số giới, điểm học tập kỳ gần nhất, phương pháp thuyết trình kết hợp đọc sinh viên ghi và khả năng đáp ứng của tài liệu. Có 8 mô hình giải thích thực hành học tập tích cực, trong đó mô hình 5 là mô hình tốt nhất, các mô hình này cũng xác định các yếu tố quy định như ngành học, cách chọn ngành học, vị trí ngồi trong lớp, tính cách, phương pháp giảng dạy đọc chép, di chuyển nhiều, trạng thái xúc cảm hào hứng, mệt mỏi, tổng hợp phương pháp tích cực, tổng hợp phương pháp tiêu cực. Có 4 mô hình giải thích độ chênh giữa nhận thức và thực hành trong đó mô hình 4 là mô hình tốt nhất, các mô hình này cũng xác định các yếu tố quy định độ chênh như trạng thái xúc cảm mệt mỏi, hào hứng, vị trí ngồi trong lớp, tính cách, cách chọn ngành theo học, tổng hợp phương pháp tích cực, tổng hợp phương pháp tiêu cực.

Phần Kết luận và khuyến nghị, chúng tôi đưa ra một số kết luận cho các phần đã trình bày và đưa ra một số khuyến nghị về mặt chính sách cho nhận thức học tập tích cực, thực hành học tập tích cực và độ chênh giữa chúng.

Số lượt truy cập

  • Số lượt xem 482028