Quá trình hình thành và phát triển

Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục: Hai mươi năm - Một chặng đường

Với tầm nhìn mang tầm chiến lược, ngày 02/03/1995 GS.VS. Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc ĐHQGHN đã ký quyết định thành lập Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục (nay là Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục). Trải qua chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển Viện ĐBCLGD đã có một bề dày lịch sử đáng tự hào và những đóng góp hiệu quả, có ý nghĩa cho sự phát triển của ĐHQGHN nói riêng và cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung. Những thành tựu mà Viện đã đạt được trong 20 năm qua một lần nữa chứng minh quyết định hết sức đúng đắn của lãnh đạo ĐHQGHN và khẳng định vị trí, vai trò tiên phong của ĐHQGHN trong lĩnh vực đo lường đánh giá, ĐBCL và KĐCLGD ở Việt Nam, tiến dần ra khu vực và thế giới. Xin điểm lại một số thành tựu Viện đã đạt được trong chặng đường 20 năm qua như sau:

Những thành tựu trong công tác điều phối hoạt động đảm bảo chất lượng, khảo sát và xếp hạng đại học ở ĐHQGHN

Là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu chuyên sâu và triển khai các giải pháp quản trị đại học, so chuẩn và xếp hạng đại học, đo lường đánh giá, ĐBCL và KĐCLGD, Viện  đã tham mưu, đề xuất cho Ban Giám đốc ĐHQGHN nhiều chính sách hiệu quả và đã có những đóng góp đáng kể cho việc thiết lập các điều kiện để hệ thống ĐBCL của ĐHQGHN vận hành thông suốt, hiệu quả cao từ cấp ĐHQGHN xuống các đơn vị thành viên. Hệ thống gần 30 văn bản quản lý điều hành công tác ĐBCL, xếp hạng đại học, văn hóa chất lượng; các văn bản hướng dẫn các hoạt động đánh giá, v.v. do Viện xây dựng trên cơ sở tiếp cận với công tác ĐBCL của khu vực và thế giới là công cụ hữu hiệu trong công tác ĐBCL cho các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN.

hoi dong V

Hội đồng Đảm bảo chất lượng ĐHQGHN tại Phiên họp lần thứ V, ngày 9/4/2015

Với vai trò là Thường trực của Hội đồng ĐBCL ĐHQGHN, Viện đã tham mưu, tư vấn cho Ban giám đốc về các vấn đề quan trọng trong việc xây dựng và thực thi chính sách cũng như giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục của ĐHQGHN, đồng thời đã điều phối công tác đánh giá chất lượng đồng cấp trong ĐHQGHN theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT và theo định hướng chuẩn của AUN-QA; đã điều phối 15 chương trình đào tạo KĐCL theo chuẩn của AUN-QA. Tính chuyên nghiệp và kinh nghiệm trong công tác điều phối của Viện đã góp phần không nhỏ cho thành công của các đợt đánh giá này. Đồng thời từ năm 2008 đến nay Viện cũng đã nỗ lực thực hiện xuất sắc nhiệm vụ điều phối công tác xếp hạng của ĐHQGHN, góp phần đưa ĐHQGHN với vai trò là nòng cột của giáo dục đại học Việt Nam, tiên phong trong mọi hoạt động, có thứ hạng số 1 ở Việt Nam và tăng dần thứ hạng trong nhiều bảng xếp hạng đại học quốc tế; góp phần giúp ĐHQGHN trong việc nhận diện Việt Nam trên bản đồ giáo dục khu vực và thế giới.

  VNU QS University Ranking Asia 2016 1

Kết quả vị trí xếp hạng của ĐHQGHN trong bảng xếp hạng của Châu Á năm  2016

Những thành tựu trong công tác đổi mới tuyển sinh ở ĐHQGHN

Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước, để chủ động chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho công cuộc đổi mới tuyển sinh, Viện đã được ĐHQGHN giao nghiên cứu và triển khai Đề án “Cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc xây dựng hệ thống đánh giá năng lực để tuyển chọn nhân lực chất lượng cao, tài năng trong đào tạo, khoa học công nghệ, lãnh đạo, quản lý và kinh doanh” (Đề án đổi mới tuyển sinh pha 1). Các sản phẩm nghiên cứu của Đề án do Viện triển khai thực hiện đã được kế thừa và phát huy trong Đề án Đổi mới tuyển sinh tại ĐHQGHN (pha 2) và góp phần hiệu quả giúp ĐHQGHN triển khai đổi mới tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực đang được áp dụng tại ĐHQGHN hiện nay. Đồng thời, Trung tâm Khảo thí thuộc Viện đã được củng cố, nâng cấp thành Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN vào tháng 8/2014 và hiện là đầu mối chính thực hiện công tác đánh giá năng lực phục vụ đổi mới tuyển sinh đại học, sau đại học trong ĐHQGHN. Những hoạt động tích cực mà Trung tâm triển khai trong thời gian qua đã đóng góp to lớn cho hoạt động đổi mới tuyển sinh đại học, sau đại học ở ĐHQGHN, góp phần tạo dựng và khẳng định niềm tin của xã hội đối với hình thức thi tuyển sinh đại học mới do ĐHQGHN tiên phong thử nghiệm, áp dụng.

b1

Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ và đoàn thanh tra kiểm tra một điểm thi tại Hà Nội, sáng ngày 02/6/2015

Những thành tựu trong công tác đào tạo nhân lực trình độ cao về ĐBCLGD, khảo thí, đo lường và đánh giá giáo dục

Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học đo lường đánh giá trong giáo dục, Viện  (khi đó là Trung tâm ĐBCLĐT&NCPTGD) đã tư vấn cho Giám đốc ĐHQGHN, mời các chuyên gia quốc tế từ Anh, Úc, Hoa Kỳ đến chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường sự hiểu biết về lĩnh vực khoa học mới mẻ này; sau đó được ĐHQGHN giao nghiên cứu và xây dựng Đề án mở chuyên ngành đào tạo Đo lường và đánh giá trong giáo dục và từ năm 2004 Viện được phê duyệt tổ chức đào tạo thí điểm chương trình đào tạo thạc sĩ và đến năm 2010 đào tạo tiến sĩ chuyên ngành này. Tính đến năm 2015, Viện đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo được 9 khoá đào tạo thạc sĩ và 2 khóa đào tạo tiến sĩ với 167 học viên đã bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp và nhận bằng thạc sĩ; 02 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án cấp Đại học Quốc gia và 3 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án cấp cơ sở. Đây là CTĐT mang tính liên ngành đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cao, chuyên sâu trong khảo thí, đo lường và đánh giá, ĐBCL và KĐCL ở Việt Nam, đồng thời cũng là chuyên ngành đào tạo đầu tiên và duy nhất cho đến nay được tổ chức tại Việt Nam và hiện đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Việc xây dựng và triển khai đào tạo thành công chuyên ngành Đo lường và đánh giá trong giáo dục thêm một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong của ĐHQGHN trong việc xây dựng và phát triển các CTĐT mới, CTĐT mang tính liên ngành.

 

Ngoài ra, Viện cũng đã có những đóng góp to lớn trong việc phát triển nguồn nhân lực về ĐBCLGD cho ĐHQGHN và cho Việt Nam thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về đo lường và đánh giá, ĐBCL và KĐCLGD cho hàng ngàn lượt cán bộ quản lý, lãnh đạo và cán bộ chuyên trách công tác ĐBCL của các đơn vị trong ĐHQGHN; tổ chức các hội nghị tập huấn có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế về công tác ĐBCL; đào tạo cho các ĐH vùng và hàng trăm trường ĐH, CĐ, TCCN trong cả nước. Đặc biệt, Viện cũng là đơn vị chủ chốt đào tạo nguồn nhân lực cốt cán đầu tiên phục vụ công tác ĐBCL và KĐCLGD cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ GD&ĐT; đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQGHN, - trung tâm KĐCL đầu tiên ở Việt Nam do Bộ GD&ĐT ra quyết định thành lập và cấp phép hoạt động. Viện cũng thực hiện tổ chức khóa đào tạo đầu tiên và tham gia các khóa tiếp theo đào tạo kiểm định viên KĐCLGD cho cả nước. Viện cũng đã tổ chức trên 50 khóa đào tạo ngắn hạn cho các bộ, ban, ngành, các ĐH, trường ĐH, CĐ và TCCN,... về các vấn đề trong ĐBCL, KĐCLGD, đo lường đánh giá, xếp hạng, so chuẩn chất lượng quốc tế, xây dựng chuẩn đầu ra các CTĐT, xây dựng các công cụ điều tra khảo sát, ứng dụng các phần mềm thống kê trong phân tích thông tin kinh tế - xã hội.

Những thành tựu trong hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác phát triển

Trên chặng đường 20 năm xây dựng và trưởng thành, Viện ĐBCLGD luôn là đơn vị nghiên cứu chuyên sâu, tiên phong trong các lĩnh vực đo lường đánh giá, ĐBCL và KĐCLGD, xếp hạng và quản trị đại học. Tính từ năm 2000 đến nay, Viện đã thực hiện 48 đề tài nghiên cứu các cấp theo các hướng khác nhau như: cơ sở khoa học của KĐCLGD, cơ chế và giải pháp ĐBCL trong của trường ĐH và CTĐT, cơ sở khoa học và phương pháp xếp hạng các trường ĐH; các vấn đề về văn hoá chất lượng, đánh giá năng lực cá nhân nói chung và năng lực người học nói riêng, đánh giá hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng của giảng viên, hoạt động học tập của sinh viên; đánh giá các phương pháp KTĐG kết quả học tập; nghiên cứu các mô hình và các giải pháp phân tầng, quản trị ĐH và xếp hạng ĐH, so chuẩn chất lượng quốc tế,...

Các nhiệm vụ KH&CN của Viện thực hiện trong 20 năm qua có giá trị ứng dụng cao trong thực tiễn. Kết quả các nghiên cứu của Viện đã được Bộ GD&ĐT sử dụng làm cơ sở để nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá CLGD trường ĐH, CĐ đầu tiên ở Việt Nam; được các cơ sở giáo dục ở Việt Nam tham khảo và sử dụng như những tài liệu hướng dẫn về công tác KĐCL, ĐBCL và quản trị đại học tại các đơn vị; được ĐHQGHN sử dụng để xây dựng các luận cứ nhằm đề xuất các nội dung liên quan về ĐHQG đưa vào Luật Giáo dục đại học, … Kết quả các nghiên cứu xác định các danh mục năng lực cốt lõi cần thiết đối với người vào học đại học, sau đại học; các bảng đặc tính kỹ thuật các đề thi chuẩn hóa, các tiểu mục đề thi chuẩn hóa đánh giá năng lực người vào học đại học, sau đại học, lãnh đạo, quản lý và kinh doanh,… là tiền đề và nội dung để thực hiện đổi mới phương thức tuyển sinh vào đại học, sau đại học ở ĐHQGHN hiện nay và ở Việt Nam trong tương lai. Viện cũng đã khởi xướng những hướng nghiên cứu về quản trị đại học, phân tầng, xếp hạng ĐH, so chuẩn chất lượng làm căn cứ xây dựng những tiêu chí xây dựng, phát triển trường ĐH, ngành/chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế ở ĐHQGHN và ở Việt Nam.

Ngoài ra, Viện còn thực hiện các nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các tổ chức trong và ngoài nước như Công ty Intel Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Dự án Giáo dục Việt Nam - Hà Lan, Dự án Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và nhiều tổ chức, trường ĐH khác ở Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là năm 2013 Viện đã triển khai thực hiện hợp đồng với Bộ Nội vụ nghiên cứu và xây dựng Khung chỉ số đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức. Bộ chỉ số kèm theo hướng dẫn sử dụng và phần mềm hỗ trợ do Viện xây dựng được lãnh đạo Bộ Nội vụ đánh giá cao, trở thành công cụ quan trọng giúp các cơ quan quản lý nắm được chất lượng của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức để xây dựng và ban hành những chính sách, chế độ phù hợp.

bo noi vu1

Nguyên Viện trưởng Nguyễn Quý Thanh đại diện Viện ĐBCLGD bàn giao Bộ khung chỉ số đánh giá hoạt động đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức cho đại diện Bộ Nội vụ, năm 2013

Kết quả các NCKH của Viện được công bố trong hơn 300 bài báo in trên các tạp chí chuyên ngành, các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Viện đã xuất bản 8 đầu sách về các vấn đề ĐBCL, KĐCL, ĐLĐG giáo dục.

Bên cạnh đó, một trong những thế mạnh của Viện là tổ chức các hội thảo và seminar khoa học quốc tế, khu vực và quốc gia. Viện đã phối hợp với Cục KT&KĐCLGD Bộ GD&ĐT, các tổ chức quốc tế như Hội đồng Anh, Chương trình Fulbright của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Đại học Melbourne, Đại học Monash (Úc), Tổ chức xếp hạng đại học Quacquarelli Symonds, Mạng lưới Đảm bảo chất lượng Châu Á-Thái Bình Dương (APQN), Hiệp hội các trường ĐH và CĐ vùng Đông Bắc - Hoa Kỳ (NEASC), Mạng lưới các trường ĐH ở Đông Nam Á (AUN) … tổ chức trên 50 hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế. Các hội nghị, hội thảo khoa học do Viện tổ chức đã đặt ra và bàn luận về những vấn đề mới, cấp thiết đối với giáo dục Việt Nam và khu vực, đã tạo được những tiếng vang lớn đối với hệ thống giáo dục Việt Nam, như Hội thảo quốc tế “Xếp hạng các trường đại học: Xu thế toàn cầu và các quan điểm”. Thông qua Hội thảo, Viện đã giới thiệu vấn đề xếp hạng đến Bộ GD&ĐT, các trường ĐH và từ đây Việt Nam chính thức đón nhận việc tham gia xếp hạng đại học như một cách tiếp cận để nâng cao chất lượng hoạt động, một xu hướng tất yếu của giáo dục đại học toàn cầu, đồng thời là một nhiệm vụ trong tương lai. Tháng 6/2013, Viện lần nữa lại tiên phong trong việc chính thức giới thiệu công tác so chuẩn chất lượng giáo dục (benchmarking) như một công cụ ĐBCL cho giáo dục đại học Việt Nam thông qua Hội thảo quốc tế “Xếp hạng và đối sánh trong giáo dục đại học: Kinh nghiệm quốc tế và ứng dụng cho Việt Nam”. Những kinh nghiệm và phương pháp so chuẩn chất lượng giáo dục được giới thiệu tại Hội thảo đã giúp các trường ĐH Việt Nam, các chuyên gia giáo dục đại học trong nước hiểu rõ vai trò của hoạt động này trong ĐBCL như một công cụ giúp các trường ĐH nâng cao chất lượng đào tạo.

Đồng thời, với vai trò là thành viên tích cực, là đối tác tin cậy của nhiều tổ chức ĐBCL trong khu vực và quốc tế như Mạng lưới các tổ chức ĐBCL giáo dục đại học (INQAAHE), thành viên chủ chốt của bộ phận ĐBCL của Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN-QA), thành viên Việt Nam trong Mạng lưới chất lượng các nước Châu Á – Thái Bình Dương (APQN), Viện đã tích cực tham gia nghiên cứu và có các báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo về ĐBCL nói chung, các tiêu chuẩn, quy trình đánh giá chất lượng nói riêng. Và thông qua các hoạt động của mình, Viện tiếp tục xây dựng phát triển quan hệ chặt chẽ với Hiệp hội KĐCL thuộc Hiệp hội các trường ĐH & CĐ vùng New England (NEASC), Cơ quan Quản lý chất lượng và Tiêu chuẩn GDĐH Úc (TEQSA), Viện Văn bằng Học thuật Quốc gia Nhật Bản (NIAD) và nhiều tổ chức khác, góp phần làm tăng vị thế của ĐHQGHN trong khu vực và trên thế giới.

AUN QA VNU2015 4

Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ phát biểu Khai mạc tại Hội nghị các lãnh đạo ĐBCL của các nước ASEAN được tổ chức tại ĐHQGHN tháng 3/2015

Với những thành tựu đã đạt được, giờ đây nhìn lại chặng đường hai mươi năm trôi qua, ta không thể không tự hào và không thể không tin tưởng vào những thành công mới trên chặng đường tiếp theo của Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHQGHN.

 VNU-INFEQA

Số lượt truy cập

  • Số lượt xem 465361