Chiến lược Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐBCLGD) của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được xây dựng nhằm thực hiện các chủ trương về ĐBCL trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ IV, Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, các quy định trong Luật Giáo dục đại học 2012 và Chiến lược phát triển giáo dục của Việt Nam giai đoạn 2011- 2020. 

Chiến lược này là cơ sở định hướng cho các hoạt động ĐBCL trong ĐHQGHN trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030. 
1. Tầm nhìn về đảm bảo chất lượng
Chất lượng giáo dục của ĐHQGHN từng bước đạt chuẩn ASEAN và quốc tế, góp phần thực hiện tốt sứ mệnh của ĐHQGHN là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài; sáng tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ đỉnh cao, chuyển giao tri thức; đóng vai trò nòng cột và tiên phong trong đổi mới hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
2. Các mục tiêu chiến lược về đảm bảo chất lượng
2.1. Mục tiêu chung
2.1.1. Văn hoá chất lượng trong toàn ĐHQGHN trở thành yếu tố cốt lõi để thực hiện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức;
2.1.2. Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) trong ĐHQGHN được thực hiện theo chuẩn ASEAN và quốc tế; 
2.1.3. Các chỉ số ĐBCL cốt lõi của ĐHQGHN đạt chuẩn của các trường đại học tiên tiến trong ASEAN và trên thế giới.
2.2. Mục tiêu cụ thể
2.2.1. Đến năm 2020, 6 trường đại học thành viên có hệ thống ĐBCL bên trong đạt tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN);
2.2.2. Đến năm 2015 có ít nhất 4 trường đại học thành viên/khoa trực thuộc của ĐHQGHN được KĐCL theo định hướng tiêu chuẩn chất lượng của AUN; đến năm 2020 có ít nhất 2 trường đại học thành viên ĐHQGHN được KĐCL hoàn toàn theo quy trình và đạt tiêu chuẩn của AUN; 
2.2.3. Đến năm 2015 có ít nhất 10% và đến năm 2020 có ít nhất 40% các chương trình đào tạo của ĐHQGHN được tự đánh giá và/hoặc KĐCL theo tiêu chuẩn của ĐHQGHN; 100% các chương trình đào tạo thuộc nhiệm vụ chiến lược có đủ điều kiện theo quy định của AUN phải được kiểm định theo tiêu chuẩn KĐCL của AUN, ít nhất 10% các chương trình đào tạo này được KĐCL theo chuẩn quốc tế (thí dụ, ABET, AACSB, v.v.) trước năm 2020. 
3. Các giải pháp 
3.1. Phát triển nguồn nhân lực hệ thống ĐBCL bên trong
Hoàn thiện mạng lưới các Trung tâm/bộ phận ĐBCL của tất cả các đơn vị trong ĐHQGHN, quy định rõ ràng về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các Trung tâm/bộ phận ĐBCL của các đơn vị thành viên, trực thuộc; nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ĐBCL, đánh giá chất lượng nói chung và KĐCLGD nói riêng; tuyên truyền sâu rộng về vai trò, ý nghĩa của ĐBCL trong việc thực hiện sứ mạng của ĐHQGHN nhằm tạo sự đồng thuận và thu hút tất cả đội ngũ cán bộ, giảng viên và người học tham gia tích cực vào việc xây dựng và thực hiện văn hóa chất lượng ở ĐHQGHN.
3.2. Kiểm định chất lượng đơn vị theo chuẩn quốc tế
Đánh giá về mức độ đạt chuẩn KĐCL AUN các trường đại học thành viên của ĐHQGHN để đầu tư chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho các đơn vị đã gần đạt chuẩn chất lượng AUN; xây dựng lộ trình KĐCL đơn vị theo chuẩn AUN và đối sánh đại học quốc tế; thực hiện tự đánh giá chất lượng theo chuẩn AUN; đăng kí với ban Thư ký AUN để thực hiện KĐCL cấp độ đơn vị theo lộ trình.
3.3. Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế
Rà soát, quy hoạch các ngành đào tạo theo lộ trình KĐCL; ưu tiên KĐCL quốc tế và đối sánh các chương trình thuộc nhiệm vụ chiến lược, các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo tài năng; tự đánh giá chất lượng và đăng ký KĐCL chương trình theo chuẩn AUN, ABET, AACSB, v.v; thực hiện đối sánh chương trình đào tạo theo các chỉ số ĐBCL cốt lõi của các đại học tiên tiến. 

3.4. Đa dạng hoá các nguồn lực tài chính cho ĐBCL
Xây dựng các đề án theo từng mục tiêu về ĐBCL nhằm khai thác tối đa các nguồn lực đa dạng trong và ngoài ngân sách nhà nước của tổ chức và cá nhân, trong nước và quốc tế để thực hiện chiến lược và các kế hoạch ĐBCL.
3.5. Mở rộng quan hệ trong nước và quốc tế phục vụ công tác ĐBCL
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, Ban, Ngành liên quan xây dựng cơ quan KĐCL đáp ứng các điều kiện để Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép hoạt động.
Mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ĐBCL trong khuôn khổ của các tổ chức ĐBCL của ASEAN và quốc tế như AUN-QA, AQAN, APQN, INQAAHE, ABET, AACSB, v.v. để KĐCL theo chuẩn quốc tế và khai thác các nguồn lực bổ sung hiệu quả cho hoạt động ĐBCL của ĐHQGHN.
4. Tổ chức thực hiện
4.1. Ban Giám đốc
Kiên định chủ trương xây dựng văn hoá chất lượng trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và đóng góp với cộng đồng xã hội; quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra giám sát và bố trí nguồn lực hỗ trợ phù hợp cho Viện ĐBCLGD, các Ban chức năng, các đơn vị trong ĐHQGHN, các đoàn thể thực hiện Chiến lược này. 
4.2. Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục
Viện ĐBCLGD tham mưu cho Ban Giám đốc trong việc tổ chức thực hiện chiến lược ĐBCL và là đầu mối phối hợp các hoạt động thực hiện Chiến lược này; phối hợp với Ban Thanh tra để kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược ĐBCLGD và định kỳ báo cáo Hội đồng KĐCL ĐHQGHN.
4.3. Các Ban chức năng, Văn phòng Nhiệm vụ chiến lược
Ban Đào tạo phối hợp với Ban Kế hoạch Tài chính và Viện ĐBCLGD xây dựng lộ trình KĐCL cho các chương trình đào tạo chuẩn, chương trình đào tạo thuộc nhiệm vụ chiến lược; Ban Kế hoạch Tài chính bố trí nguồn kinh phí phù hợp cho các đơn vị để thực hiện đánh giá chất lượng theo lộ trình KĐCL; Ban Khoa học Công nghệ xây dựng kế hoạch tăng cường các chỉ số về đối sánh đại học về số bài báo công bố quốc tế (ISI); Ban Tổ chức Cán bộ xây dựng kế hoạch đảm bảo chỉ số cán bộ khoa học/sinh viên, phối hợp với Viện ĐBCLGD tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách về ĐBCL, đánh giá chất lượng giáo dục.
4.4. Các đơn vị thành viên, trực thuộc
Các đơn vị căn cứ Chiến lược ĐBCLGD đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch ĐBCLGD của ĐHQGHN giai đoạn 2013-2015 (xem Phụ lục) để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, đồng thời báo cáo việc thực hiện Chiến lược và Kế hoạch này trong báo cáo sơ kết, tổng kết của đơn vị và các báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu.
4.5. Công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
Công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh lồng ghép trong các chương trình, hoạt động nội dung về xây dựng văn hoá chất lượng, tinh thần cộng đồng ĐHQGHN, nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, viên chức trong toàn ĐHQGHN trong việc giữ vững các giá trị cốt lõi của ĐHQGHN, trong đó chất lượng cao là một trong các giá trị căn bản./.
VNU-INFEQA

Số lượt truy cập

  • Số lượt xem 465354