Dịch bệnh Covid-19 dẫn đến một sự chuyển đổi nhanh chóng và toàn diện của việc dạy và học truyền thống sang hình thức học tập sử dụng mạng Internet. Không ít giảng viên gặp lúng túng khi phải đột ngột thích nghi với cách học này. Trước tình hình đó, Ban Thư ký Mạng lưới các Đại học ASEAN (AUN) phối hợp với Đại học Deusto, Tây Ban Nha đã mở khóa đào tạo online về “Mô hình học tập từ xa”, với mục đích hỗ trợ cán bộ giảng viên của các trường đại học lựa chọn các mô hình học tập từ xa và những công nghệ mới phù hợp để thích ứng với sự thay đổi môi trường học tập nhưng vẫn đạt hiệu quả trong thời kỳ đại dịch COVID – 19.

Giảng viên của khóa học là TS. Alex Rayón Jerez, Phó trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế, Đại học Deusto, Tây Ban Nha. Phương pháp tổng quan mà ông Alex đưa ra là chia quá trình giảng dạy thành ba phần là trước giờ “lên lớp”, trong quá trình giảng bài và sau giờ “lên lớp”. Khối lượng công việc tương đương với ba phần này là 25%, 50% và 25%. Trong đó, trước và sau khi lên lớp, giảng viên được khuyến khích dùng cách tiếp cận không đồng bộ, tức là chuẩn bị các tài liệu liên quan đến buổi học để gửi cho học sinh/sinh viên tùy ý truy cập theo thời gian phù hợp với họ. Trong giờ lên lớp, phương pháp tiếp cận đồng bộ nên được sử dụng để có những trao đổi thực tế giữa người dạy với người học. Mặc dù vậy, đối với hai cách tiếp cận đồng bộ và bất đồng bộ này, giảng viên nên lựa chọn tùy thuộc vào nội dung bài học và những học liệu cần được truyền tải đến người học, bởi mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. TS. Alex cũng giới thiệu một số công nghệ mà giảng viên có thể lựa chọn như Google jamboard, Loom, Twiddla, Youtube studio… (với cách tiếp cận đồng bộ) hoặc email, Power Point recording,… (với cách tiếp cận bất đồng bộ).

Một trong những khía cạnh cần lưu tâm của việc dạy và học qua mạng Internet là tạo động lực và sự gắn kết cho người học. Chìa khóa cho vấn đề này chính là tạo lập ra một cộng đồng nơi mà từng người học đều cảm thấy có sự gắn kết với các bạn học khác và giảng viên của mình. Theo đó, 5 yếu tố để người học có động lực hiện diện trong một lớp học online là sự tôn trọng (ví dụ như việc được hồi đáp kịp thời), sự chia sẻ (ví dụ như được chia sẻ thông tin và thể hiện niềm tin), tư tưởng cởi mở (ví dụ như được thể hiện sự đồng tình hoặc nhận những nhận xét tích cực), danh tính xã hội (ví dụ như được gọi bằng tên riêng) và sự thân thiết (ví dụ như được chia sẻ những trải nghiệm cá nhân). Một cộng đồng học tập cần có cả sự tương tác giữa người học với người dạy và giữa người học với nhau.

Một số vấn đề có thể nảy sinh trong quá trình dạy và học online như nghẽn mạng, giao tiếp không hiệu quả giữa người học, người học có quá nhiều lựa chọn về học liệu hay chính các giảng viên cũng cảm thấy bị quá tải trong việc chuẩn bị và “lên lớp” online. Trong những trường hợp như vậy, TS. Alex khuyến nghị rằng các giảng viên nên lựa chọn giảm tải một số học liệu không cần thiết để người học không thấy quá tải và đưa ra học liệu trước để học sinh/sinh viên tự nghiên cứu, trong quá trình lên lớp, giảng viên chỉ cần tổ chức các phiên trao đổi và hỏi đáp, đồng thời và khuyến khích người học lựa chọn các nhóm học theo sở thích để cùng hợp tác hoàn thành bài tập nhóm. Bên cạnh đó, giảng viên cũng cần đưa ra nhiều cơ hội để người học ghi điểm trong các hoạt động online và đưa ra các deadline phù hợp để họ có động lực hoàn thành bài tập.

Cuối cùng, đánh giá việc quá trình học online cũng rất khác các đánh giá truyền thống, khi giảng viên cần tạo ra được một tổ hợp bài tập đa dạng để bao quát hết các khía cạnh của quá trình học như bài tập cuối kỳ, bài thi tuần, bài tập nhóm, bài báo cáo, sự tham gia thảo luận, v..v. Việc đánh giá này cần được thông báo trước đến người học để họ có lộ trình phấn đấu của riêng mình. Bên cạnh đó, việc đưa ra các đánh giá trực tuyến cũng là một thử thách nhỏ mà các giảng viên cần rèn luyện bởi yêu cầu cần có ngôn từ và giọng văn phù hợp, cụ thể, tích cực để khuyến khích người học 

Với tư cách là thành viên Ban điều hành của AUN, ĐHQGHN đã tham gia các hoạt động xây dựng và hoạch định chiến lược, chính sách đảm bảo chất lượng của AUN, tham gia xây dựng các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của AUN. Tính đến nay, ĐHQGHN có 32 chương trình đào tạo được kiểm định theo chuẩn AUN. Số lượng các chương trình đào tạo của ĐHQGHN được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA không ngừng được tăng lên qua các năm, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại ĐHQGHN mà còn đóng góp quan trọng vào đổi mới giáo dục đại học tại Việt Nam và khu vực. Công tác đánh giá chất lượng được thực hiện thường xuyên giúp nâng cao chất lượng của sinh viên tốt nghiệp. Đảm bảo chất lượng giáo dục đã trở thành văn hoá tại ĐHQGHN.

VNU Media

Số lượt truy cập

  • Số lượt xem 485631