Đây là chủ đề của tọa đàm số 3 nằm trong chuỗi tạo đàm về phương pháp giảng dạy do Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN phối hợp với nhóm cộng tác viên là các giảng viên từ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN tổ chức ngày 12/11/2019 nhằm kiến tạo môi trường đào tạo tích cực và nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên, thực hiện kế hoạch đổi mới hoạt động giảng dạy tại ĐHQGHN giai đoạn 2019-2025.
TS Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy phát biểu tại buổi tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, TS Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy cho biết, để thực hiện kế hoạch đổi mới hoạt động giảng dạy, lãnh đạo ĐHQGHN đã thống nhất trong chỉ đạo, đổi mới hoạt động giảng dạy dựa trên 3 thành tố chính: sự hỗ trợ toàn diện của nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ số, dữ liệu lớn; cá thế hóa trong giáo dục được chọn làm triết lý lõi như 1 triết lý giáo dục trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; áp dụng các công nghệ dạy học mới được lựa chọn làm phương tiện cho công cuộc đổi mới.
Ông mong rằng, thông qua những chia sẻ về việc thực hành những đổi mới trong quá trình giảng dạy theo hướng cá thể hoá, đa dạng hoá hoạt động nhằm đánh thức tiềm lực, phát huy tính năng động và khả năng sáng tạo gắn với mục tiêu học tập mang tính cá thể của từng cá nhân, từng nhóm người học, toạ đàm sẽ tạo nên một diễn đàn trao đổi từ nhiều góc độ. Những câu chuyện, những kinh nghiệm của các báo viên viên đến từ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và Khoa các khoa học liên ngành sẽ được trình bày dưới hình thức chia sẻ, gợi mở kết hợp với những hoạt động thực hành cho các khách mời tham dự toạ đàm.
Cá thể hóa – hướng tiếp cận có chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình dạy – học
Nguyễn Thị Năm Hoàng - giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ tại tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, với chủ đề thuyết trình “Cá thể hóa trong hoạt động dạy học và lăng kính thấu thị trước người học”, TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ, cá thể hoá là một hướng tiếp cận có chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình dạy – học. Dựa trên chương trình đào tạo đã được thiết kế, người dạy tìm hiểu về người học để lựa chọn cách thức, tiến trình học tập từng học phần phù hợp với mục tiêu, nhu cầu, năng lực, sở trường và thiên hướng của từng sinh viên, từng nhóm sinh viên cụ thể. Một số yếu tố then chốt liên quan đến việc cá thể hoá quá trình dạy – học là: nghiên cứu, thấu cảm người học; trao tiếng nói cho các cá thể; xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với mỗi người học/ nhóm người học; đa dạng hoá phương thức hoạt động của người học; và có thang đo phù hợp từng đối tượng trong chuẩn đầu ra chung của học phần.
Theo TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng, trước hết, sự nghiên cứu, thấu cảm người học có thể được thực hiện trước khi bắt đầu học phần (qua tìm hiểu, khảo sát), trong buổi học đầu tiên (bằng sự lắng nghe, trao tiếng nói, các hoạt động khởi động và kết nối), trong suốt quá trình dạy học: (với một số hoạt động hiệu quả dưới hình thức khảo sát ”stop, start, continue”, “elevator pitch”, các diễn đàn, group... ), và trong hành trình học tập, nghiên cứu, hướng nghiệp của người học nói chung. Sự thấu cảm khiến cho không chỉ giảng viên hiểu về người học, mà bản thân người học cũng nhận thức về mình một cách sâu sắc hơn.
Nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng về người học, giảng viên có thể phân chia người học thành các đối tượng, nhóm đối tượng khác nhau, từ đó thiết kế các hoạt động phù hợp với từng đối tượng đó. Một số phương pháp, cách thức hiệu quả để cá thể hoá học tập là: Sử dụng website môn học, các group trên mạng xã hội và tương tác, tư vấn trực tiếp để mở rộng không gian cho tiếng nói cá nhân; thường xuyên sử dụng sơ đồ tư duy; sử dụng các hoạt động nhóm linh hoạt (như “Khăn trải bàn”, “Bể cá”, “Phòng triển lãm”, “World café”, Phân vai, Kết hợp nhóm ngẫu nhiên với nhóm ổn định), đồng thời thường xuyên điều chỉnh phương pháp, kỹ năng trong quá trình hoạt động của các nhóm đối tượng. Qua các hoạt động cụ thể, người học vừa đảm bảo các yêu cầu của chuẩn đầu ra, lại vừa phát huy được sở trường, có cơ hội thực hành kỹ năng nghề nghiệp tương lai và theo đuổi những mục tiêu riêng của mình. Hệ quả là dựa trên dữ liệu chung, nội dung học tập chung nhưng cách thức tiến hành các nhiệm vụ học tập, và kết quả học tập của lớp học là hết sức đa dạng, phong phú. Và cách đánh giá kết quả học tập, theo đó, cũng cần được cá thể hoá nhằm tạo sự bình đẳng trong khác biệt, vừa đảm bảo đánh giá được những chuẩn ra chung mà người học đáp ứng, vừa đánh thức được tiềm lực, kích thích khả năng sáng tạo của từng đối tượng.
Ngoài các học phần cụ thể do mình phụ trách, giảng viên cũng có thể giúp đỡ sinh viên cá thể hoá hành trình học tập, nghiên cứu của mình bằng cách hướng dẫn họ xây dựng những dự án học tập dài hơi, động viên, thúc đẩy để sinh viên có đam mê và kiên trì với mục tiêu của mình, kết nối sinh viên với các chuyên gia trong lĩnh vực, và giới thiệu, kết nối sinh viên với nhà tuyển dụng để họ có thể tìm được việc làm phù hợp với nguyện vọng và năng lực.
Không chỉ nêu những hiểu biết chung về triết lý cá thể hoá giáo dục và chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện của bản thân, TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng đã dành thời gian để các giảng viên tham gia toạ đàm suy ngẫm về khả năng cá thể hoá quá trình dạy – học trong nội dung học phần mình phụ trách bằng cách từng bước hình dung và xây dựng “Cây tri thức” với sự phân chia các nhóm đối tượng, các phương pháp học tập và hoạt động cụ thể, các kiểu kết quả học tập mà từng nhóm đối tượng đó có thể thực hiện và kiến tạo.
Cá thể hóa đào tạo bậc sau đại học: đánh thức luận văn thạc sĩ liên ngành
Từ những trăn trở “Làm sao để luận văn thạc sĩ không bị ngủ quên?” Đâu là vấn đề của người học trong quá trình thực hiện luận văn?”, nhóm các cán bộ, giảng viên của Khoa Các khoa học liên ngành gồm TS. Dư Đức Thắng, Ths. Nguyễn Thị Vân Tú và Ths. Hồ Xuân Hương đã tìm hiểu, nghiên cứu và giới thiệu tới tọa đàm về chủ đề “Cá thể hóa đào tạo bậc sau đại học: đánh thức luận văn thạc sĩ liên ngành”.
TS Dư Đức Thắng – Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, Khoa Các khoa học liên ngành
Do đặc thù của các chương trình đào tạo liên ngành, người học ở Khoa Các khoa học liên ngành đến từ nhiều đơn vị ở những lĩnh vực khác nhau, có nền tảng kiến thức cũng như năng lực, mong muốn và mục tiêu học tập khác nhau. Từ thực tế đó, “cá thể hóa” là một trong những cách tiếp cận mà Khoa đã và đang áp dụng cho hoạt động thực hiện luận văn của người học. TS Dư Đức Thắng – Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên cho biết, Khoa đã và đang nỗ lực thay đổi từ những điều nhỏ nhất, để hướng tới chất lượng đào tạo tốt hơn và vì người học.
Những thay đổi nhằm hướng tới cá thể hóa trong đào tạo sau đại học được bắt đầu từ hoạt động để mở đường cho nghiên cứu. Các hội thảo định hướng nghiên cứu được tổ chức hàng năm với các bài tham luận nhằm giới thiệu về quy trình thực hiện luận văn của Khoa, về đường hướng, phương pháp và kinh nghiệm nghiên cứu, về những chủ đề, đề tài nghiên cứu của mạng lưới giảng viên. Tuy nhiên, thay vì cách thức tổ chức hội thảo truyền thống được tổ chức ở những năm đầu, khi chỉ có các giảng viên chia sẻ và một hội trường đông học viên với một vài ý kiến thảo luận “rụt rè”, thời gian sau hội thảo được chia thành các nhóm thảo luận theo chủ đề. Trong đó, mỗi nhóm có 7-8 học viên, 3-4 giảng viên, và 01 thúc đẩy viên là cán bộ Khoa hoặc cựu học viên thúc đẩy quá trình thảo luận. Sau phiên thảo luận theo nhóm là phần chia sẻ kết quả làm việc giữa các nhóm. Nhờ đó, mỗi học viên tham gia hội thảo đều được tư vấn bởi các giảng viên và các cựu học viên và đã bước đầu hình thành ý tưởng cho nghiên cứu của riêng mình.
Đến năm 2019, hội thảo do Khoa tổ chức lại tiếp tục được cải tiến với mức độ tham gia sâu hơn của mỗi học viên thông qua hai đợt. Một hội thảo chung cho toàn thể học viên ngay sau khi kết thúc các học phần bắt buộc, sự tương tác liên tục sau mỗi bài tham luận đã giúp người học tiếp thu được tối đa thông tin và kinh nghiệm từ hội thảo này. Đợt thứ hai sẽ dành riêng cho từng nhóm học viên dựa trên chủ đề nghiên cứu, ở đó, học viên sẽ được tư vấn sâu bởi các giảng viên, chuyên gia, phù hợp với nhu cầu nghiên cứu và điều kiện của từng cá nhân.
Không dừng lại ở đó, một mô hình tiên tiến mà Khoa Các khoa học liên ngành mong muốn áp dụng trong thời gian tới là triển khai một học phần chạy xuyên suốt quá trình học tập của học viên – “Đồ án thực hành”. Theo mô hình này, với sự đồng hành sát sao của giảng viên, học viên sẽ thực sự tham gia thiết kế việc học tập và nghiên cứu của riêng mình, dấn thân và tự kiểm soát nhịp độ và hành trình học thức của mình. Có thể coi đây là một sự thực hành triết lý về “cá thể hóa” mà Khoa tiếp cận, ở đó, người học được trao quyền như những gì mà họ xứng đáng.
VNU-Media