Bảng xếp hạng này dựa trên 13 tiêu chí xếp hạng đại học thế giới của THE, nhưng đánh giá lại các trường đại học với sự điều chỉnh về trọng số các tiêu chí để phản ánh được những ưu tiên phát triển của các trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi như: giảng dạy (trọng số 30%), nghiên cứu (trọng số 30%), trích dẫn khoa học (trọng số 20%), quốc tế hóa (trọng số 10%), chuyển giao tri thức (trọng số 10%). Trong đó đáng chú ý là uy tín học thuật của cơ sở giáo dục được THE đánh giá rất khách quan, dựa trên bầu chọn của học giả trong hệ thống tác giả có công bố trong cơ sở dữ liệu Scopus, do THE lựa chọn.
Ngoài ra, tiêu chí các quốc gia có nền kinh tế mới nổi được lựa chọn từ 3 phân loại của Sàn giao dịch chứng khoán London (FTSE Group) là Advanced emerging, Secondary emerging và Frontier.
Theo đó, Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng là Đại học Quốc gia Hà Nội – được xếp vị trí số 1 Việt Nam, thuộc nhóm 251 – 300 thế giới, tiếp theo là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với thứ hạng thuộc nhóm 351 – 400 và ĐHQG Tp.HCM với vị trí trong nhóm 401 – 500.
So với năm 2020, Bảng xếp hạng đại học ở các nền kinh tế mới nổi năm 2021 có thêm 73 cơ sở giáo dục mới trong tổng số 606 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng. Điểm trung bình chung của 5 tiêu chí đánh giá xếp hạng của các cơ sở giáo dục đại học trong các nhóm đều có sự tăng điểm. Cụ thể nhóm top 201-250 thay đổi giảng dạy: tăng 5.5%, nghiên cứu tăng 10.2%, trích dẫn tăng 7.9%, quốc tế hóa tăng 7.9%, chuyển gia tri thức tăng 6.24%. Đi cùng xu hướng tăng điểm chung, ĐHQGHN đều có sự tăng điểm ở tất cả 5 tiêu chí, trong đó tăng mạnh nhất ở tiêu chí nghiên cứu (tăng 8.8%), tiếp theo là trích dẫn khoa học (tăng 8%). Ba tiêu chí còn lại (giảng dạy, chuyển giao tri thức và quốc tế hóa) đều có sự tăng nhẹ lần lượt là 2.3%, 1.6% và 0.6%. Về tổng thể, mức tăng điểm của các tiêu chí xếp hạng của ĐHQGHN chưa theo kịp sự tăng điểm chung của các cơ sở giáo dục được xếp hạng có thứ hạng xếp hạng mới ở nhóm 251-300 thế giới.
Đối sánh điểm đánh giá của ĐHQGHN và điểm trung bình chung của nhóm cơ sở giáo dục được xếp hạng top 201 – 250 và nhóm 251 – 300 thế giới.
Đứng đầu bảng xếp hạng này vẫn chủ yếu là các cơ sở giáo dục đại học ở Trung Quốc với 91 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng và những cái tên quen thuộc như Đại học Thanh Hoa (Tsinghua University), Đại học Bắc Kinh (Perking University) và Đại học Chiết Giang... Tiếp theo là Nga với 48 cơ sở giáo dục đại học, Đài Loan là 38 cơ sở giáo dục đại học và Nam Phi với 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng.
Trong khu vực Đông Nam Á, một số đại học hàng đầu của một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có thứ hạng cao như trường Đại học Malaya (Malaysia) vị trí 31, trường Đại học Mahidol (Thái Lan) vị trí 80; Đại học Indonesia (Indonesia) vị trí 116; Đại học Philippines (Philippines) vị trí 83…
Trước đó, ngày 28/10/2020, ĐHQGHN có 3 ngành đào tạo được Times Higher Education và khẳng định vị trí số một Việt Nam trong các ngành được tạo được xếp hạng, cụ thể:
- Khoa học máy tính (Computer Sciences) lần đầu tiên được THE đánh giá, nhưng đã có thứ hạng trong nhóm 501-600 thế giới, số 1 Việt Nam.
- Khoa học Vật lý (Physical Sciences) được xếp trong nhóm 601 – 800 thế giới, số 1 ở Việt Nam.
- Kỹ thuật & Công nghệ (Engineering & technology) được xếp trong nhóm 401 – 500 thế giới, số 1 ở Việt Nam
Thêm vào đó, ngày 04/03/2021, ĐHQGHN có 5 ngành đào tạo được QS thế giới 2021 xếp hạng, cụ thể:
Khoa học máy tính và hệ thống thông tin xếp hạng thứ 601 – 650 thế giới và thứ 2 ở Việt Nam, sau Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
- Cơ kỹ thuật, hàng không và chế tạo xếp thứ 451-500 thế giới và thứ hai ở Việt Nam, sau trường Đại học Bách khoa Hà Nội,,
- Toán học, xếp thứ 401-450 thế giới và thứ nhất ở Việt Nam, tiếp đó là trường Đại học Bách khoa Hà Nội,
- Vật lý và thiên văn học, xếp thứ 501-550 thế giới và là đơn vị đào tạo duy nhất ở Việt Nam được xếp hạng.
Nghiên cứu quản lý và kinh doanh - lần đầu được xếp hạng tại bảng này trong năm 2021 và là đơn vị đào tạo duy nhất ở Việt Nam xếp hạng thứ 501 – 550 thế giới.
Phòng QTĐH & ĐGCL, Viện ĐBCLGD