Đó là khẳng định của Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân tại Hội nghị công tác đào tạo trực tuyến tại ĐHQGHN, ngày 2/8/2021. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tại hội nghị, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục Nghiêm Xuân Huy cho biết, hiện nay, giảng viên và sinh viên ĐHQGHN đã thích ứng được với mô hình dạy học trực tuyến trên nền tảng các phần mềm như: Zoom Meetings, MS Teams, Google Meets. Các đơn vị đào tạo đã có giải pháp hỗ trợ công tác đào tạo trực tuyến để tổ chức giảng dạy trong thời điểm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Vừa qua, ĐHQGHN đã xây dựng Hệ thống học tập trực tuyến (LMS) với mục tiêu tích hợp được dữ liệu giảng dạy, học tập với kho dữ liệu thống nhất của ĐHQGHN nhằm tổ chức các hoạt động dạy học trực tuyến theo hướng tiếp cận giáo dục kết hợp tại các đơn vị trong ĐHQGHN, góp phần nâng cao chất lượng và đổi mới hoạt động giảng dạy. Phần mềm LMS tích hợp được với hệ thống quản lý đào tạo của ĐHQGHN và các đơn vị để đảm bảo thông tin về chương trình đào tạo, học phần, lớp học phần, giảng viên, sinh viên được đồng bộ và thống nhất. Đồng thời, kết nối với Trung tâm Thông tin – Thư viện để sử dụng, bổ sung nguồn học liệu số do ĐHQGHN cung cấp.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn bộc lộ một số hạn chế: Mức độ sẵn sàng của giảng viên trong thiết kế học phần và tổ chức giảng dạy trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp (blended learning) chưa cao; Hệ thống phần cứng chưa đồng bộ, năng lực đáp ứng nhu cầu sử dụng còn ở mức vừa phải, riêng với hệ thống elearning là chưa đáp ứng được; Hệ thống quy định, hướng dẫn thống nhất để thúc đẩy thay đổi trong thiết kế chương trình đào tạo, phương pháp kiểm tra, đánh giá hoặc các chính sách đầu tư, hỗ trợ nguồn lực cho giảng viên còn hạn chế.
Thời gian vừa qua, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (Viện ĐBCLGD) đã thí điểm triển khai học tập qua nền tảng MOOCs (Massive Open Online Course - các khóa học trực tuyến mở có quy mô lớn) do tổ chức Coursera cung cấp. Viện đã triển khai hơn 5000 khoá học trực tuyến miễn phí cho giảng viên và sinh viên ĐHQGHN. Các giảng viên và sinh viên tham gia các khóa học trực tuyến đều đánh giá cao hệ thống này.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho biết, ĐHQGHN đã triển khai được nhiều giải pháp cả về chính sách, đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi số nói chung và đào tạo trực tuyến nói riêng. ĐHQGHN đang trong giai đoạn hoàn thiện, đồng bộ các giải pháp phần mềm. Trong đó, phần mềm VNU – LMS đã được phát triển theo hướng tiếp cận hiện đại, có thể đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong ĐHQGHN. Tuy nhiên, để dạy và học trực tuyến trở thành hoạt động liên tục và đảm bảo chất lượng thì cần những giải pháp đầu tư đồng bộ, mạnh mẽ đối với hệ thống phần cứng và phần mềm; hệ thống chính sách liên quan đến elearning; đầu tư xây dựng nội dung elearning.
Kết luận hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân khẳng định, ĐHQGHN sẽ hỗ trợ tối đa cho cán bộ giảng viên giảng dạy trực tuyến. Từ nay đến năm 2022, ĐHQGHN sẽ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy trực tuyến, tăng tính chủ động của giảng viên và sinh viên. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là tăng cường năng lực cho giảng viên sử dụng, khai thác các phần mềm giảng dạy trực tuyến thông qua các khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn, tại đó, các giảng viên của ĐHQGHN sẽ được thực hành trực tiếp trên phần mềm VNU-LMS. Cùng với đó, Giám đốc chỉ đạo các đơn vị liên quan lựa chọn và sử dụng thử nghiệm các phần mềm đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế nhằm hỗ trợ giảng viên trong việc soạn thảo, thiết kế bài giảng e-learning.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh, trong thời gian tới, ĐHQGHN sẽ từng bước áp dụng tiếp cận MOOCs đối với các học phần chung (M1, M2) có lượng người học lớn, tiến tới tổ chức đào tạo trực tuyến bắt buộc với các học phần này. Đồng thời, sử dụng nền tảng VNU-LMS để tổ chức các học phần còn lại. Khuyến khích giảng viên áp dụng blended learning trong tổ chức giảng dạy. Song song với đó là việc xây dựng các khóa tập huấn ngắn theo dạng MOOCs để đáp ứng nhu cầu đào tạo ngoài ĐHQGHN.
Về việc phát triển hoàn thiện hệ thống VNU-LMS, Giám đốc Lê Quân yêu cầu, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu tích hợp, gắn kết VNU-LMS với hệ thống quản lý đào tạo và hệ thống giám sát học tập để phục vụ các hoạt động kiểm tra, đánh giá trực tuyến. Thêm vào đó, cần phát triển, hoàn thiện tính năng chuyển đổi dữ liệu từ các hệ thống khác sang; Bổ sung, hoàn thiện các tính năng để có thể triển khai mô hình khóa học dạng MOOCs trên VNU-LMS.
Theo VNU-Media