Trong khuôn khổ thực hiện Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Dự án PHER (Partnership for Higher Education Reform) triển khai các hoạt động hỗ trợ ĐHQGHN (qua Viện đảm bảo chất lượng giáo dục là đơn vị đầu mối) nhằm cải thiện Hệ thống, Quy trình làm việc và Thực hành Đảm bảo chất lượng bên trong tại ĐHQGHN. Mục tiêu trước mắt của hoạt động này nhằm hướng đến xây dựng được Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng học phần đào tạo trực tuyến; xây dựng quy trình, công cụ và hướng dẫn sử dụng Bộ tiêu chuẩn để thực hiện đánh giá chất lượng học phần trực tuyến tại ĐHQGHN.
Phiên hỗ trợ kỹ thuật về xây dựng bộ tiêu chuẩn, công cụ, quy trình đánh giá chất lượng học phần trực tuyến vừa diễn ra ngày 13-14/5/2024 tại Hội trường Tầng 2, Tòa nhà ULIS – Sunwah, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là phiên hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu dành cho gần 60 cán bộ chuyên trách về đào tạo và đảm bảo chất lượng, các giảng viên đang tham gia triển khai hoạt động đào tạo trực tuyến tại các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN và tại Viện ĐBCLGD nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi, thảo luận về các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo trực tuyến. Trước đó, ngày 10/4/2024, Phiên hỗ trợ kỹ thuật đầu tiên đã được tổ chức theo hình thức Webinar trực tuyến nhằm giới thiệu về các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo trực tuyến tại Hoa Kỳ.
Đại diện cho đơn vị đầu mối triển khai nội dung gói hỗ trợ của PHER về cải thiện Hệ thống, Quy trình làm việc và Thực hành Đảm bảo chất lượng bên trong tại ĐHQGHN, TS. Trần Thị Hoài, Phó Viện trưởng Viện ĐBCLGD cho biết, từ năm 2023, Viện ĐBCLGD đã tích cực phối hợp với Dự án PHER triển khai các hoạt động nhằm cải thiện quy trình đảm bảo chất lượng bên trong tại ĐHQGHN, trong đó tập trung vào các hoạt động thúc đẩy đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp, đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy tại ĐHQGHN. Từ tháng 6/2023 đến nay, ĐHQGHN đã triển khai xây dựng và thí điểm triển khai đào tạo 02 học phần theo hình thức trực tuyến cho hơn 12.000 sinh viên chính quy tại ĐHQGHN (học phần “Nhà nước và pháp luật đại cương” do Trường Đại học Luật phụ trách giảng dạy và học phần “Tiếng Anh B1” do Trường Đại học Ngoại ngữ phụ trách giảng dạy). Kết quả ban đầu cho thấy phản hồi tích cực của giảng viên và người học đối với hoạt động đào tạo trực tuyến học phần chung tại ĐHQGHN. Theo kế hoạch, trong năm 2024, ĐHQGHN (qua đầu mối Viện ĐBCLGD) sẽ phối hợp với Dự án PHER để xây dựng 02 học phần trực tuyến và tiếp tục triển khai thí điểm từ học kì I năm học 2024-2025, trong đó, Dự án PHER sẽ hỗ trợ các đơn vị trong ĐHQGHN xây dựng học phần trực tuyến “Địa phương học” (thuộc chương trình đào tạo thạc sĩ “Quản trị địa phương”), và học phần “Quản trị cảm xúc và sống tỉnh thức” (môn học thuộc Chương trình giáo dục toàn diện dành cho sinh viên toàn ĐHQGHN).
TS.Trần Thị Hoài, Phó Viện trưởng Viện ĐBCLGD phát biểu khai mạc Chương trình
Bà Nguyễn Mai Phương - Phó giám đốc Dự án PHER chia sẻ, Dự án PHER kỳ vọng có thể hỗ trợ ĐHQGHN cải thiện công tác quản trị, chất lượng học thuật, năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Thông qua Viện ĐBCLGD, từ năm 2023, Dự án PHER đã và đang triển khai các hoạt động cụ thể bao gồm các phiên hỗ trợ kỹ thuật về hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong tại ĐHQGHN; đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của học phần đào tạo trực tuyến; xây dựng và phát triển chương trình bồi dưỡng phát triển năng lực chuyên môn nghề nghiệp cho giảng viên theo mô hình dạy học trực tuyến/kết hợp; tư vấn phát triển các học phần trực tuyến… Đối với phiên hỗ trợ kỹ thuật về xây dựng bộ tiêu chuẩn, công cụ, quy trình đánh giá chất lượng học phần trực tuyến, Dự án PHER mong muốn hoạt động đào tạo, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp từ chuyên gia quốc tế sẽ giúp cán bộ, giảng viên của ĐHQGHN hiểu và tiếp cận tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo trực tuyến của Hoa Kỳ, từ đó góp phần gợi dẫn và thảo luận về khả năng áp dụng trong bối cảnh giáo dục tại các trường đại học của Việt Nam.
Bà Nguyễn Mai Phương - Phó giám đốc Dự án PHER phát biểu tại sự kiện
Chuyên gia của Dự án PHER, PGS.TS. Michael Truong hiện là Giám đốc Phát triển Giảng viên, Văn phòng Hiệu trưởng, Đại học Azusa Pacific, Hoa Kì. PGS.TS. Michael Truong đã có hơn 20 năm kinh nghiệm thiết lập, thúc đẩy và nhân rộng các sáng kiến phát triển giảng viên và học tập kỹ thuật số tại các cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục ở Hoa Kỳ và Châu Á. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã phát triển kiến thức chuyên môn toàn diện về học tập trực tuyến và kết hợp, công nghệ giáo dục, thiết kế giảng dạy, phát triển giảng viên và các công nghệ mới nổi. Ông đã chủ trì các chương trình và sáng kiến tập trung vào giải quyết các vấn đề cấp đại học, tham vấn các cơ sở giáo dục về hiệu quả giảng dạy và học tập kết hợp/trực tuyến, đồng thời tham vấn cho các tổ chức giáo dục đại học ở Hoa Kỳ và Châu Á.
Trong 2 ngày tập huấn, PGS.TS. Michael Truong đã trình bày và trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ, giảng viên ĐHQGHN với nội dung về xây dựng Bộ tiêu chuẩn, công cụ và quy trình đánh giá chất lượng học phần trực tuyến. Sau khi hoàn thành chương trình, học viên có thể: (1) Xác định được 8 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của các học phần trực tuyến theo tổ chức Quality Matters, Hoa Kỳ (phiên bản thứ bảy); (2) Có được kỹ năng sử dụng 8 tiêu chuẩn trong việc đánh giá chất lượng các học phần trực tuyến bằng cách sử dụng Bộ công cụ đánh giá học phần trực tuyến được cung cấp làm hướng dẫn; (3) Nhận biết các nguyên tắc nền tảng của các học phần kết hợp (Blended Learning) sử dụng các khung thiết kế giảng dạy; (4) Xác định các vấn đề liên quan đến sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và tính liêm chính trong học thuật trong bối cảnh trường đại học.
PGS.TS. Michael Truong, chuyên gia của Dự án PHER tập huấn cho giảng viên ĐHQGHN
Các hoạt động tập huấn kết hợp giữa lí thuyết thực hành, thảo luận và làm việc nhóm đã thu hút sự tham gia, trao đổi tích cực của giảng viên.
Trong thời gian tiếp theo, với sự hỗ trợ của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong khu vực và quốc tế, ĐHQGHN kỳ vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo trực tuyến, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động đào tạo trực tuyến và đảm bảo chất lượng tại ĐHQGHN.
Cán bộ, giảng viên ĐHQGHN tham gia chương trình tập huấn
Một số hình ảnh tại sự kiện:
VNU-INFEQA media