Ngày 7/4/2022, tại Hòa Lạc, ĐHQGHN đã tổ chức Hội nghị Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2022. Hội nghị là cơ hội để cộng đồng khoa học của ĐHQGHN cùng các nhà quản lý trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng một số bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương và Hà Nội, đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc, lãnh đạo phòng/bộ phận khoa học & công nghệ, đại diện nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN.
Thời gian qua, tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) ở ĐHQGHN được quan tâm đầu tư phát triển với hơn 100 nhóm nghiên cứu, trong đó có 28 nhóm nghiên cứu mạnh, 06 nhóm nghiên cứu tiềm năng. Tỉ lệ cán bộ khoa học trình độ cao tiếp cận tiêu chí của đại học nghiên cứu, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học đạt trình độ quốc tế có khả năng triển khai các nghiên cứu đột phá, các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu lớn.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công bố quốc tế, ĐHQGHN đang chuyển dịch sang mô hình đại học trách nhiệm xã hội cao, phục vụ trực tiếp sự phát triển của xã hội bằng việc thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức. Số lượng đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của ĐHQGHN gia tăng liên tục theo các năm.
Các nhóm sản phẩm KH&CN của ĐHQGHN được định hướng và quy hoạch theo 4 nhóm lĩnh vực chính: Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học tự nhiên và y dược, Khoa học công nghệ và kỹ thuật, Khoa học liên ngành, liên lĩnh vực.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh, với uy tín, vị thế ở trong và ngoài nước cũng như bề dày truyền thống trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức, ĐHQGHN xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ nhà khoa học trẻ, nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, hướng tới có thể cung cấp nguồn nhân lực tri thức cho cả các nước trong khu vực và quốc tế.
Bên cạnh chính sách chăm sóc sức khỏe đội ngũ giáo sư, nhà khoa học trình độ cao, trong năm vừa qua, ĐHQGHN đã ban hành quy định về chế độ làm việc của giảng viên, trong đó đặc biệt ưu tiên đội ngũ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, có bài báo thuộc danh mục Q1, Q2 trở lên.
Cùng với đó, Đề án ươm tạo nhà khoa học trẻ tại ĐHQGHN được triển khai nhằm tư vấn, kết nối các nhà khoa học trẻ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ, sau tiến sĩ có thể tham gia mạng lưới các nhà khoa học theo lĩnh vực chuyên môn, có cơ hội tiếp xúc và làm việc tại ĐHQGHN và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ để phát triển đất nước. Mục tiêu đến năm 2025, ĐHQGHN thu hút, bổ sung khoảng 500 nhà khoa học trẻ có chất lượng, đóng vai trò là đội ngũ kế cận đóng góp vào sự phát triển của ĐHQGHN.
Giám đốc Lê Quân cho biết thêm, với định hướng phát triển KH&CN, tạo động lực gia tăng các chỉ số phát triển bền vững, ĐHQGHN đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản phẩm KH&CN, trọng dụng, đãi ngộ các nhà khoa học như Quy định về quản lý tài sản trí tuệ ở ĐHQGHN; Hướng dẫn về phát triển và ưu đãi nhóm nghiên cứu mạnh; Chính sách hỗ trợ công bố quốc tế; Quy định về công nhận, quản lý và phát triển phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN… Đặc biệt, ngày 08/02/2022, ĐHQGHN ban hành Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN giai đoạn 2021-2030. Đây là văn bản pháp lý hết sức quan trọng nhằm định hướng phát triển KH&CN của ĐHQGHN trong thời gian tới lên một tầm cao mới, đồng thời là đột phá chiến lược để phát triển ĐHQGHN trở thành đại học thông minh, đổi mới sáng tạo.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đề nghị, trong thời gian tới, cộng đồng khoa học ĐHQGHN tập trung nâng cao vai trò trong thế mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản; Ưu tiên chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh các chương trình khoa học hợp tác với địa phương, góp phần giải quyết bài toán phát triển kinh tế - xã hội; Tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo, gia tăng nguồn thu từ các hoạt động chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, dịch vụ phục vụ cộng đồng.
Tại hội nghị, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, ĐHQGHN Vũ Văn Tích đã trình bày báo cáo triển khai Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Chiến lược được xây dựng dựa trên nguyên tắc quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Đảng và Nhà nước đã được ban hành. Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN gắn chặt và “cộng hưởng” với chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia. Mục tiêu đến năm 2030, ĐHQGHN phát triển 50 hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với hạt nhân là các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm, doanh nghiệp spin-off, doanh nghiệp khởi nghiệp. Cùng với đó là gia tăng kết quả khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với tỷ lệ số bài báo ISI/Scopus trên tổng số cán bộ khoa học/năm đạt tỷ lệ 1,8; 60% công bố quốc tế có chất lượng thuộc nhóm Q1, Q2 trên tổng số công bố quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở ĐHQGHN giai đoạn 2021-2030. Thứ trưởng nhấn mạnh, ĐHQGHN đã tham gia chủ trì, thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu có tầm vóc, mang giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn lớn, mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao đối với sự phát triển của xã hội và đất nước. Việc gia tăng công bố quốc tế và các sản phẩm KH&CN sẵn sàng chuyển giao, thương mại hóa cũng góp phần nâng cao chất lượng học thuật và vị thế của ĐHQGHN. Đặc biệt, ĐHQGHN và Bộ Khoa học và Công nghệ đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các chủ trương thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho rằng, Chiến lược phát triển KH&CN của ĐHQGHN đã đề ra quan điểm, mục tiêu, lộ trình rõ ràng, cụ thể
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho rằng, Chiến lược phát triển KH&CN của ĐHQGHN đã đề ra quan điểm, mục tiêu, lộ trình rõ ràng, cụ thể với 5 nhiệm vụ trọng tâm và 7 giải pháp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc xây dựng và ban hành Chiến lược là bước đột phá quan trọng trong giai đoạn tới, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia. Phó Chủ nhiệm Tạ Đình Thi bày tỏ sự tin tưởng rằng, với tiềm lực KH&CN ngày càng gia tăng mạnh mẽ cùng cộng đồng nhà khoa học đông đảo, ĐHQGHN sẽ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp phát triển KH&CN, đóng góp vào sự phát triển chung của ĐHQGHN và đất nước.
Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN Phạm Đức Nghiệm nhấn mạnh vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong bối cảnh chuyển đổi số
Nhấn mạnh vai trò của các trường đại học, các tổ chức KH&CN công lập trong bối cảnh chuyển đổi số, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc phát triển KH&CN nói chung, chuyển giao tri thức và thương mại hóa kết quả nghiên cứu nói riêng đã và đang đóng vai trò động lực to lớn cho phát triển nhanh, bền vững của mỗi quốc gia, mỗi đại học, tổ chức KH&CN cũng như các doanh nghiệp. Các tài sản trí tuê đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và xa hơn nữa là tạo động lực phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh đó, các trường đại học, tổ chức KH&CN công lập đóng vai trò là “máy cái” để nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển các tài sản trí tuệ, thực hiện chuyển giao tri thức và thương mại hóa các sản phẩm KH&CN.
Phó Giám đốc Sở KH&CN thành phố Hà Nội hi vọng, trong thời gian tới, ĐHQGHN và thành phố Hà Nội đẩy mạnh mô hình hợp tác trong một số lĩnh vực
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội đánh giá, định hướng phát triển KH&CN của ĐHQGHN trong thời gian tới phù hợp với định hướng của thành phố Hà Nội. Phó Giám đốc Sở KH&CN cũng cho biết thêm, để xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, thành phố đã khai thác, phát huy tiềm lực KH&CN, nhất là trí tuệ, tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức tại các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn, trong đó có sự đóng góp của các nhà khoa học ĐHQGHN. Ông Nguyễn Anh Tuấn hi vọng rằng, trong thời gian tới, ĐHQGHN và thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực như: Cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mô hình chính quyền đô thị, chuyển đổi số, phát triển tiềm lực KH&CN; Phối hợp nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô, hỗ trợ giải quyết các vấn đề trọng tâm của thành phố; Hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với nhiều lĩnh vực thế mạnh của ĐHQGHN như nghiên cứu cơ bản, công nghệ thông tin, phòng ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường, nghiên cứu chế tạo vật liệu tiên tiến, khoa học xã hội và nhân văn…
ĐHQGHN và Công ty cổ phần đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc xây dựng, hoàn thiện Hệ thống Sàn giao dịch Công nghệ
Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn nhận định, hoạt động KH&CN của ĐHQGHN trong thời gian qua đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các ban ngành, các địa phương, doanh nghiệp và có những bước tiến vượt bậc, đóng góp vào thành tích chung của ĐHQGHN. Những kết quả đã đạt được là minh chứng khẳng định tính đúng đắn trong việc xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách của ĐHQGHN cũng như sự nỗ lực của các đơn vị đào tạo, nghiên cứu thành viên, trực thuộc, sự đóng góp của các nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm và đông đảo nhà khoa học ĐHQGHN.
Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh, để thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đòi hỏi sự đồng hành của các nhà khoa học trong hoạt động KH&CN.
Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết, bên cạnh việc tiếp tục phát huy thế mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản, ĐHQGHN sẽ tăng cường gắn kết với địa phương, doanh nghiệp nhằm phát triển các sản phẩm, giải pháp KH&CN mang tính ứng dụng cao vào thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và đất nước. ĐHQGHN sẽ tiếp tục thu hút, bồi dưỡng đội ngũ nhà khoa học trình độ cao, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các nhà khoa học có thể phát huy năng lực và tạo điều kiện để thành lập doanh nghiệp spin-off.
Trong khuôn khổ hội nghị, ĐHQGHN đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI trong việc xây dựng, hoàn thiện Hệ thống Sàn giao dịch Công nghệ và tiến tới thành lập doanh nghiệp KH&CN.
Đại diện nhóm tác giả các công trình đạt Giải thưởng ĐHQGHN về Khoa học và Công nghệ năm 2021
Cũng tại hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN đã trao thưởng cho 4 công trình khoa học đạt Giải thưởng ĐHQGHN về KH&CN năm 2021 và vinh danh 45 nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong công bố quốc tế.
Theo VNU - Media