Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn dự và phát biểu tại lễ khai mạc. Về phía ĐHQGHN còn có Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục Nghiêm Xuân Huy; đại diện lãnh đạo Trường và các khoa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Việt Nhật, nơi có các chương trình đào tạo được kiểm định đợt này.
Phiên khai mạc được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của TS. Choltis Dhirathiti, Giám đốc điều hành Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN); GS. TS. Suzeini Binti Abd Halim - Trưởng đoàn đánh giá AUN-QA và các chuyên gia đánh giá ngoài của AUN.
Các thành viên của đoàn đánh giá được chia làm bốn nhóm để thực tiện các công tác đánh giá ngoài cho 4 chương trình đào tạo của ĐHQGHN: CTĐT Cử nhân Công nghệ Sinh học, CTĐT Cử nhân Hóa dược và CTĐT Cử nhân Khoa học Môi trường của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; CTĐT Thạc sỹ Kỹ thuật Môi trường của Trường ĐH Việt Nhật.
Các đánh giá viên chính cho các chương trình đào tạo gồm Cử nhân Công nghệ sinh học: TS. Yu Un Oppusunggu (Khoa Luật, ĐH Indonesia) và PGS.TS. Wichian Chutimasku (Khoa CNTT Trường ĐH Công nghệ Thonburi của King Mongkut)); Cử nhân Hóa dược: GS.TS Suzeini Binti Abd Halim (Trung tâm quản lý và nâng cao chất lượng, ĐH Malaya, Thái Lan và TS. Cheryl R. Peralta (ĐH Santo Tomas, Philippines); Cử nhân Quản lý Tài nguyên và môi trường: TS. Veerades Panvisavas (Khoa Quản lý Dịch vụ khách hàng và du lịch, Trường ĐH Quốc tế, Đại học Mahidol, Thái Lan) và GS.TS. Juanito O. Cabanias, (Viện Khoa học sức khỏe và y khoa, ĐH De La Salle, Philippines); Thạc sĩ Kỹ thuật môi trường: PGS.TS. Evangeline P. Bautista (Khoa Toán học, ĐH Ateneo De Manila, Philippines) và TS. Johanes Pramana Gentur Sutapa (ĐH Lâm nghiệp Gadjah Mada, Indonesia).
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn chia sẻ, trước những khó khăn và thách thức do dịch bệnh gây ra, ĐHQGHN đã điều chỉnh và triển khai các chiến lược để nhanh chóng thích ứng với trạng thái bình thường mới. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ĐHQGHN đang triển khai là chuyển đổi phương pháp dạy và học truyền thống sang dạy và học trực tuyến.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ĐHQGHN từng bước xác lập vị trí số 1 Việt Nam và liên tục gia tăng vị trí trong nhóm 1000 đại học hàng đầu thế giới. ĐHQGHN lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng QS Top 50 Under 50 2021, với vị trí trong nhóm 101-150 các trường đại học trẻ tuổi có chất lượng giáo dục hàng đầu trên thế giới; ĐHQGHN lần thứ 3 liên tiếp đứng trong nhóm 801-1000 các trường đại học tốt nhất toàn cầu theo bảng xếp hạng QS năm 2021; Trong công bố kết quả xếp hạng các trường đại học thế giới theo lĩnh vực năm 2021 theo THE WUR by Subject, ĐHQGHN giữ vị thế đứng đầu Việt Nam trong 3 lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ (nhóm 401 – 500 thế giới), Khoa học máy tính (nhóm 501-600 thế giới) và Khoa học vật lý (nhóm 601 – 800 thế giới)...
Đánh giá cao những nỗ lực của Ban Thư ký AUN và đoàn chuyên gia, Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn cho biết, ĐHQGHN luôn coi việc tham gia đánh giá ngoài là cơ hội để các đơn vị nhìn nhận, đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu của mình trong phương pháp, hoạt động dạy và học, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để ngày càng nâng cao chất lượng trong tương lai.
Suzeini Bunti Abd Halim – Trưởng đoàn đánh giá ngoài cho biết, trước những khó khăn và thách thức mà dịch bệnh gây ra, AUN và các trường đại học thành viên của mạng lưới đã nỗ lực thay đổi cách thức hoạt động, thích ứng nhanh với xu thế mới là chuyển qua hình thức trực tuyến nhiều hơn. Bà đánh giá cao nỗ lực của ĐHQGHN và các đơn vị thành viên đã chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện cho lần kiểm định này.
Sau lễ khai mạc, các chuyên gia đánh giá ngoài của Mạng lưới AUN sẽ có buổi phỏng vấn cán bộ quản lý, giảng viên, cựu sinh viên và học viên, nhà tuyển dụng cũng như sinh viên, học viên đang theo học các chương trình được kiểm định lần này.
Mạng lưới các đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network – AUN) được thành lập tháng 11/1995 với 11 thành viên ban đầu đến từ 6 quốc gia. Đến nay, AUN đã có 30 thành viên đến từ 10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. AUN là mạng lưới có uy tín và lớn nhất trong khu vực, hỗ trợ cho các trường đại học thành viên không chỉ thích nghi với những thách thức mà còn có thể làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm xây dựng một cộng đồng giáo dục chất lượng cao, có thể sánh vai với các tổ chức uy tín về giáo dục khác trên thế giới. Là một trong những thành viên đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tham gia Ban điều hành AUN, ĐHQGHN đã tích cực tham gia các hoạt động xây dựng và hoạch định chiến lược, chính sách đảm bảo chất lượng của AUN, tham gia xây dựng các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của AUN … |
VNU Media