Ngày 17/12/2019, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN tổ chức tọa đàm “Lớp học đảo ngược – Kích hoạt sáng tạo thế hệ Z”.
Đây là tọa đàm số 5 nằm trong chuỗi tọa đàm về đổi mới phương pháp giảng dạy đại học do Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy tổ chức nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch đổi mới hoạt động giảng dạy tại ĐHQGHN giai đoạn 2019 – 2025. Tham gia chia sẻ tại tọa đàm là các giảng viên từ các đơn vị của ĐHQGHN: Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Ngoại Ngữ và Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao.
Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục Nghiêm Xuân Huy chia sẻ tại Tọa đàm
Tại tọa đàm, nhóm diễn giả đã chia sẻ với các giảng viên tham dự các nội dung về đặc điểm người học thế hệ Z và phương pháp tiếp cận giảng dạy hiệu quả; ứng dụng Microsoft Office trong giảng dạy lớp học đảo ngược; phạm vi và điều kiện áp dụng và vai trò của giảng viên trong lớp học đảo ngược; tích hợp lớp học đảo ngược trong Google classroom.
Thế hệ Z là những bạn trẻ sinh sau năm 1996, còn được gọi là những công dân đám mây. Z là thế hệ số hóa thực sự, là thế hệ đầu tiên lớn lên trong kết nối mạng, kết nối với lượng thông tin khổng lồ toàn cầu và ngay lập tức kết nối cộng đồng xã hội. Thế hệ Z chưa bao giờ biết đến một thế giới mà họ không thể ngay lập tức kết nối và tìm kiếm câu trả lời cho bất cứ câu hỏi nào nảy sinh trong đầu. Họ tự tìm hiểu mọi thứ trên mạng từ rất sớm nên rất giỏi trong việc tự nhận thức về bản thân, độc lập, thích đổi mới và định hướng mục tiêu.
Đặc điểm người học thế hệ Z |
Phương pháp tiếp cận giảng dạy |
1. Thích công nghệ cao (tech savvy) |
Cho phép học trên nền tảng smartphone hoặc PC kết nối mạng |
2. Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội (used social media) |
Kết nối cộng đồng học tập trên mạng xã hội |
3. Thích hình ảnh trực quan (prefer visual) |
Sử dụng video, hình ảnh minh họa trực tuyến |
4. Thích kết nối trực tuyến (highly connected) |
Cho phép học online bất kỳ lúc nào, bất cứ nơi đâu |
5. Tiếp thu kiến thức nhanh (fast acquisition of knowledge) |
Tập trung lý giải các thuật ngữ chính |
6. Nhu cầu giải trí cao (want to be entertained) |
Thiết kế game và học qua chơi game |
7. Thời gian tập trung ngắn (low attention time) |
Chia bài giảng thành các cấu phần nhỏ, tạo các video ngắn. |
8. Yêu cầu phản hồi nhanh (demand fast response) |
Thảo luận nhóm online, giải đáp trực tuyến |
8 đặc điểm chính của người học thế hệ Z và phương pháp tiếp cận giảng dạy tương ứng của giảng viên (Nguồn: Wahab và các cộng sự, 2018)
Thế hệ Z là một thế hệ nhiều khác biệt mà giảng viên cần nắm bắt kịp thời để có phương pháp tiếp cận giảng dạy hiệu quả. Theo cách giảng dạy truyền thống, giáo viên tập trung truyền đạt kiến thức cho người học và sau đó giao bài tập trên lớp hoặc bài tập về nhà. Phương pháp này khiến người học tiếp nhận thông tin một cách thụ động thay vì chủ động tham gia vào quá trình học tập. Trong bối cảnh công nghệ phát triển và được ứng dụng trong giảng dạy, một mô hình học tập mới nảy sinh, thay thế không gian lấy giáo viên làm trung tâm thành môi trường học tập cộng tác, lấy học sinh làm trung tâm, đó là mô hình lớp học đảo ngược (Flipped classroom).
- Nguyễn Thị Thư – Trung tâm GDTC và Thể thao chia sẻ vềđặc điểm chính của người học thế hệ Z và phương pháp tiếp cận giảng dạy tương ứng của giảng viên
Lớp học đảo ngược là một phương pháp sư phạm trong đó hướng dẫn trực tiếp chuyển từ không gian học tập nhóm sang không gian học tập cá nhân, không gian nhóm được chuyển thành môi trường học tập tương tác tích cực khi giáo viên hướng dẫn sinh viên áp dụng các khái niệm và tham gia sáng tạo vấn đề (Flipped Learning Network).
Mô hình lớp học đảo ngược 4 “trụ cột” của Lớp học đảo ngược
Theo mô hình lớp học đảo ngược, sinh viên xem các bài giảng trực tuyến trước khi đến lớp. Giờ học trên lớp sẽ dành cho các hoạt động học tập giúp sinh viên làm chủ các kỹ năng thông qua bài tập thực hành và thảo luận cộng tác. Sinh viên phát huy tính chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu lý thuyết, các em có thể tiếp cận video bất kỳ lúc nào, có thể dừng bài giảng lại, ghi chú và xem lại nếu cần. Điều này là không thể nếu sinh viên ngồi nghe giáo viên giảng dạy trên lớp. Công nghệ eLearning giúp học sinh hiểu kỹ hơn về lý thuyết để sẵn sàng tham gia vào các buổi học nhóm, thực hành bài tập nâng cao tại giờ học trên lớp. Lớp học đảo ngược cho phép giáo viên dành thời gian nhiều hơn với từng cá nhân học sinh chưa hiểu kỹ bài giảng. Điều này giúp người học tự tin hơn và học tập hiệu quả hơn. Theo Hamdan và McKnight (2013), để lớp học đảo ngược diễn ra cần có 4 điều kiện FLIP như sau:
(i) Môi trường giảng dạy linh hoạt (Flexible environments): Môi trường giảng dạy không chỉ đơn thuần là việc bố trí lại không gian lớp học cho phù hợp với hoạt động trên lớp, mà còn là việc điều chỉnh linh động các mốc thời gian phù hợp với tốc độ của người học trên lớp.
(ii) Văn hóa học tập (Learning culture): Sự chuyển đổi về văn hóa học tập ở đây được hiểu là sự chuyển đổi từ phương thức giảng dạy dựa trên sự truyền thụ của giảng viên (teacher-centered) sang phương thức lấy người học làm trung tâm (student-centered). Việc chuyển đổi này nhằm giúp người học trải nghiệm chủ đề bài học sâu sắc hơn thông qua cách tiếp cận chủ động hơn.
(iii) Nội dung học tập có chủ ý (Intentional content): Giảng viên cần đánh giá tài liệu nào nên đưa cho người học nghiên cứu trước, và thiết kế các hoạt động học tập trên lớp để củng cố các nội dung kiến thức đó.
(iv) Nhà giáo dục chuyên nghiệp (Professional educators): Giảng viên phải theo sát để quản lý người học, đánh giá được việc tiếp thu kiến thức của người học, đưa ra phản hồi để giúp người học làm chủ được kiến thức và kỹ năng.
Chính 4 yếu tố nêu trên (với các chữ cái đầu bằng tiếng Anh ghép lại thành từ FLIP) đã tạo nên 4 “trụ cột” quan trọng của lớp học đảo ngược.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không có một khuôn mẫu chung nào để áp dụng lớp học đảo ngược, mỗi giảng viên sẽ có cách thức áp dụng khác nhau đối với từng lớp học phần và từng đối tượng người học. Mặt khác, nhiều giảng viên cảm thấy việc thực hiện mô hình lớp học đảo ngược sẽ khiến họ mất nhiều thời gian và công sức chuẩn bị. Điều đó có thể đúng, nhưng chỉ trong thời gian đầu. Trong thực tế, giảng viên phải mất thời gian để xây dựng bài giảng online, tìm kiếm các tài liệu và thiết kế các hoạt động học tập để giúp sinh viên chủ động, tích cực học tập. Tuy nhiên, sau lần đầu áp dụng lớp học đảo ngược, giảng viên có thể thu thập và sưu tầm nhiều nguồn tài liệu đa dạng để sử dụng cho các lớp học sau này.
Lê Thị Hồng Duyên, Trường ĐH Ngoại ngữtrình bày về 4 “trụ cột” của lớp học đảo ngược theo Hamdan và McKnight (2013)
Muốn quá trình đảo ngược thành công thì bài giảng online phải hấp dẫn để lôi cuốn người học không bị sao lãng việc học tập. Một trong những bước để nghịch đảo bài giảng là thiết kế các video bài giảng ngắn từ 5 đến 7 phút và đăng tải lên hệ thống quản lý lớp học Google classroom để người học có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi. Sau đây là một số bước thiết kế video bài giảng sử dụng công cụ powerpoint recorder.
Trước hết, giảng viên cần xác định phần nội dung bài giảng nào cần được đảo ngược. Một số dấu hiệu nhận biết có thể dựa trên kết quả đánh giá, phản hồi của sinh viên như các nội dung kiến thức sinh viên gặp khó khăn và thường yêu cầu giảng viên giải thích lại, các nội dung đa số sinh viên bị nhầm lẫn trong bài kiểm tra, các bài giảng cần nhiều thời lượng để chữa bài tập,… Sau đó, giảng viên sẽ tiến hành thu âm bài giảng sử dụng công cụ powerpoint recorder theo các bước nêu trên. Bên cạnh đó, giảng viên có thể tiếp cận nguồn tài liệu mở trên mạng để sử dụng trong lớp học đảo ngược. Một số tiêu chí lựa chọn nguồn tài liệu online là các tài liệu có tính ứng dụng cao và có hình ảnh, âm thanh sống động để tạo sức lôi cuốn với người học.
ThS. Nguyễn Thị Hải Hà, Trường ĐH Ngoại ngữ chia sẻ về ứng dụng Microsoft Office trong giảng dạy lớp học đảo ngược
Một bước quan trọng trong quá trình triển khai mô hình lớp học đảo ngược là khâu kiểm tra, đánh giá. Giảng viên có thể sử dụng các công cụ Kahoot, Quizizz, Microsoft form, Google form, … để thiết kế các bài kiểm tra trực tuyến. Qua đó, giảng viên có thể đánh giá được mức độ hiểu bài của từng sinh viên và tập trung thời gian trên lớp chữa các câu hỏi, bài tập có tỷ lệ lỗi cao nhất và củng cố lại kiến thức và kỹ năng làm bài cho sinh viên.
Ngoài ra, để kích hoạt sự sáng tạo của người học thế hệ Z, bên cạnh đảo ngược bài giảng, giảng viên cũng có thể đảo ngược hình thức thảo luận nhóm và thậm chí là hình thức kiểm tra, đánh giá. Thay vì việc giao bài tập nhóm cho sinh viên chuẩn bị ở nhà và lên lớp trình bày, giảng viên giao cho từng nhóm thuyết trình online trước và đăng tải trên google classroom; yêu cầu các nhóm còn lại tìm hiểu trước bài thuyết trình ở nhà. Thời gian trên lớp chỉ dành cho phần câu hỏi và phân tích, bình luận chuyên sâu về một vấn đề. Qua đó, sinh viên có đủ thời gian để nghiên cứu và cùng tương tác, phản biện để có thể giải quyết thỏa đáng một vấn đề trong bài tập nhóm.
Một trong những điều kiện để triển khai mô hình lớp học đảo ngược thành công là giảng viên cần chủ động tìm hiểu và ứng dụng công nghệ trong giảng dạy. Giảng viên có thể sử dụng ứng dụng của Microsoft office để soạn bài giảng, giao bài tập và theo dõi tiến độ trả bài như OneNote, Sway và Teams,…
Nguyễn Thị Hương Liên, Trường ĐH Kinh tế chia sẻ với giảng viên về tích hợp lớp học đảo ngược trong Google classroom
Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những nhược điểm khi vận dụng vào quá trình dạy học do đặc thù của giáo dục mỗi nước cũng như trình độ và đặc điểm của người học. Giáo viên phải dành nhiều thời gian chuẩn bị hơn so với lớp học truyền thống, ít nhất là trong thời gian đầu. Trong thực tế, khó có thể tìm ra điểm cân bằng giữa thời lượng hướng dẫn (bài giảng online) và hoạt động trên lớp. Đặc biệt, giảng viên có thể phải đối diện với các vấn đề như học sinh không chuẩn bị bài trước khi đến lớp, hoặc quan ngại về thời gian ngồi trước màn hình nhiều hơn tiếp xúc với mọi người và địa điểm thực tế của sinh viên.
Mặc dù còn tồn tại những vấn đề trên, mô hình lớp học đảo ngược vẫn được đánh giá là mô hình giáo dục tiên tiến dựa trên sự phát triển của công nghệ, có thể sử dụng hiệu quả nhằm kích hoạt sự chủ động, sáng tạo của sinh viên.
Tọa đàm kết thúc với thông điệp được gửi tới từng giảng viên là “Đừng chỉ đảo ngược lớp học, hãy đảo ngược giảng viên”. Mỗi giảng viên muốn thay đổi sang một phương pháp tiếp cận mới thì điều đầu tiên cần phải làm là thay đổi chính mình.
(Nguồn: http://www.steve-wheeler.co.uk/2014/03/flipping-teacher.html)
Một số hình ảnh tại tọa đàm
Các giảng viên tham dự tọa đàm
Sketchnote nội dung chính của tọa đàm của một giảng viên
Một giảng viên nhận phần thưởng trong trò chơi tìm hiểu về Flipped Classrom qua ứng dụng Kahoot
Giảng viên tham gia trò chơi tìm hiểu về Flipped Classrom qua ứng dụng Kahoot
Trao đổi thảo luận với giảng viên
VNU-CTE