Ngày 18/01/2024, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐBCLGD) đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp cơ sở 2023: “Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các học phần đào tạo trực tuyến tại Đại học Quốc gia Hà Nội”, mã số Vcl.ĐT.23.02 do TS Trần Thị Hoài – Phó Viện trưởng Viện ĐBCLGD làm chủ nhiệm.
Đề tài NCKH cấp cơ sở 2023 “Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các học phần đào tạo trực tuyến tại Đại học Quốc gia Hà Nội” được nhóm nghiên cứu triển khai năm 2023 và được tiến hành nghiệm thu theo quy định.
Hội đồng đánh giá đề tài gồm có:
- PGS.TS. Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện ĐBCLGD – Chủ tịch Hội đồng
- TS. Lê Quang Minh – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN – Phản biện 1
- TS. Vũ Ngọc Huy – Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện ĐBCLGD – Phản biện 2
- ThS. Nguyễn Thị Hoa – Viện ĐBCLGD – Uỷ viên
- ThS. Nguyễn Thái Bá – Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy ĐHQGHN – Uỷ viên Thư ký.
Nhóm nghiên cứu gồm có:
- TS. Trần Thị Hoài – Phó Viện trưởng Viện ĐBCLGD – Chủ nhiệm đề tài
- ThS. Lê Thị Thương – Viện ĐBCLGD – Thư ký đề tài, Thành viên chính
- ThS. Nguyễn Thị Tuyết Anh – Viện ĐBCLGD – Thành viên chính
- ThS. Vũ Hải Phương – Viện ĐBCLGD – Thành viên chính
- CN. Tuấn Thu Trang – Viện ĐBCLGD – Thành viên chính
- ThS. Nguyễn Việt Hưng – Học viện Quân Y – Thành viên
- ThS. Trần Thị Huyền – ĐHQGHN – Thành viên
Toàn cảnh buổi họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài cấp cơ sở
Đào tạo trực tuyến đang trở thành xu thế mới trên thế giới và tại Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số. Đào tạo trực tuyến mang nhiều ưu điểm, lợi ích vượt trội trong hoạt động giảng dạy bởi nó giúp các tổ chức giáo dục tiết kiệm nguồn lực, đa dạng hóa trải nghiệm học tập của người học, góp phần phát triển năng lực cần thiết của người học, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, vấn đề quản lý chất lượng đào tạo trực tuyến đang đặt ra những thách thức lớn đối với các nhà quản lý và cần có các công cụ hữu hiệu để quản lý chất lượng đối với hình thức đào tạo này.
Các tiêu chuẩn hiện đang được sử dụng trên thế giới chủ yếu đến từ nước Mỹ, sau đó là Úc và Anh quốc, …Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng học phần đào tạo trực tuyến của tổ chức Quality Matters, Hoa Kỳ (viết tắt là QM) hiện nay được nhiều trường đại học trên thế giới tham khảo sử dụng trên cơ sở điều chỉnh phù hợp với bối cảnh thực tiễn của mỗi trường.
Trên cơ sở nghiên cứu lí thuyết, tham chiếu bộ tiêu chuẩn của QM và thực tiễn đào tạo trực tuyến tại ĐHQGHN, nhóm tác giả đề xuất xây dựng Bộ tiêu chuẩn đánh giá đánh giá chất lượng học phần đào tạo trực tuyến tại ĐHQGHN với 7 tiêu chuẩn, 30 tiêu chí và chỉ báo cụ thể. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích đặc điểm và thực trạng xây dựng các học phần đào tạo trực tuyến tại ĐHQGHN để xác định điểm mạnh và điểm yếu về nội dung, phương pháp, cách thiết kế và tìm hiểu về trải nghiệm của người dùng. Sau khi xây dựng dự thảo bộ tiêu chuẩn, nhóm nghiên cứu đã xin ý kiến các chuyên gia về phương pháp và công nghệ dạy học, chuyên gia về đảm bảo chất lượng giáo dục, giảng viên có kinh nghiệm về đào tạo trực tuyến, điều chỉnh dự thảo lần 1; thiết kế phiếu hỏi và khảo sát 221 giảng viên của ĐHQGHN, tiếp đó điều chỉnh dự thảo lần 2; và tiếp tục xin ý kiến một số giảng viên, chuyên gia để tham vấn và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn.
PGS.TS. Nghiêm Xuân Huy điều hành buổi họp Hội đồng nghiệm thu
PGS.TS. Nghiêm Xuân Huy điều hành buổi họp Hội đồng nghiệm thu. PGS.TS. Nghiêm Xuân Huy cho biết đề tài nghiên cứu nhằm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, hướng đến sản phẩm nghiên cứu ứng dụng có khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn về đào tạo trực tuyến tại ĐHQGHN. PGS.TS. Nghiêm Xuân Huy mong muốn hội đồng chuyên môn sẽ có những thảo luận, trao đổi, góp ý cụ thể cho nhóm nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm đảm bảo yêu cầu và đạt chất lượng tốt.
Tại Hội đồng đánh giá, ThS. Nguyễn Thị Tuyết Anh, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện ĐBCLGD đại diện nhóm nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài. Các kết quả chính gồm có: Tổng quan nghiên cứu về đào tạo trực tuyến và Khung lý thuyết của đề tài; Phân tích sự phù hợp của Bộ tiêu chuẩn Quality Matters của Hoa Kỳ trong bối cảnh đào tạo trực tuyến tại ĐHQGHN; Đề xuất xây dựng Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng học phần đào tạo trực tuyến tại ĐHQGHN với 7 tiêu chuẩn về (i) Thông tin tổng quan và giới thiệu về học phần; (ii) Mục tiêu học tập và chuẩn đầu ra; (iii) Hoạt động kiểm tra đánh giá; (iv) Thiết kế nội dung và các hoạt động dạy học; (v) Học liệu; (vi) Hỗ trợ người học; (vii) Ứng dụng công nghệ trong dạy học, 30 tiêu chí và các chỉ báo.
Nhóm nghiên cứu đã công bố 01 bài báo trong nước trên tạp chí chuyên ngành uy tín về “Xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các học phần đào tạo trực tuyến tại ĐHQGHN”.
Đề tài NCKH đã tham gia hỗ trợ đào tạo 02 NCS.
TS. Lê Quang Minh – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin ĐHQGHN cho rằng đề tài phù hợp và có ý nghĩa thực tiễn trong bối cảnh ĐHQGHN đang thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới dạy học theo hướng chuyển đổi số. Nhóm nghiên cứu cần làm rõ hơn các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong báo cáo của đề tài, đồng thời lưu ý việc bổ sung, làm rõ phần mô tả cho các chỉ báo để giúp giảng viên và người thực hiện đánh giá có thể hiểu rõ hơn nội hàm các tiêu chí, chỉ báo. Khi đánh giá khóa học cần lưu ý xem xét tính hợp lệ của khóa học về phương diện điều kiện tổ chức đào tạo trực tuyến và các quy định liên quan về đào tạo trực tuyến của đơn vị đào tạo…
TS. Lê Quang Minh – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin ĐHQGHN góp ý phản biện cho đề tài
Việc xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các học phần đào tạo trực tuyến tại ĐHQGHN có ý nghĩa thực tiễn và cần thiết trong bối cảnh ĐHQGHN đang thí điểm mô hình đào tạo trực tuyến và triển khai các giải pháp tổ chức đào tạo trực tuyến hiệu quả. Bộ tiêu chuẩn cung cấp một công cụ hữu ích, giúp các nhà quản lý kiểm soát chất lượng của các học phần được triển khai đào tạo trực tuyến, đồng thời giảng viên có thể sử dụng bộ tiêu chuẩn này như một công cụ tham chiếu trong hoạt động tự đánh giá chất lượng dạy học, đảm bảo chất lượng dạy học trong bối cảnh chuyển đổi số.Về hướng nghiên cứu tiếp theo, nhóm nghiên cứu dự kiến xây dựng bộ công cụ đánh giá, quy trình và hướng dẫn sử dụng bộ tiêu chí để giảng viên, cán bộ quản lý có thể sử dụng thực hiện đánh giá và tự đánh giá chất lượng học phần trực tuyến.. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng trong năm tiếp theo sẽ thí điểm triển khai sử dụng bộ tiêu chuẩn trong đánh giá chất lượng học phần trực tuyến tại ĐHQGHN.
Hội đồng và nhóm nghiên cứu
VNU-INFEQA Media