Sự kiện nhằm tổng kết các hoạt động đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) cho 3 chương trình đào tạo: Cử nhân ngành Vật lý, Cử nhân ngành Khoa học Môi trường và Cử nhân ngành Địa chất của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.
Tham dự sự kiện có Phó Giám đốc điều hành Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) Choltis Dhirathiti, đại diện Ban thư ký của AUN Korn Ratanagosoom và 3 nhóm chuyên gia kiểm định chất lượng đến từ các đại học hàng đầu thuộc AUN gồm: Kunyada Anuwong (trưởng nhóm) và đồng nghiệp Leni Sofia Heliani; Satria Bijaksana (trưởng nhóm) và đồng nghiệp Alvin B Clulaba; Evangeline P. Bautista (trưởng nhóm) và đồng nghiệp Yahaya Md.Sam.
Về phía ĐHQGHN có Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo các ban chức năng, các trường, khoa, đơn vị trực thuộc ĐHQGHN, cùng Ban Giám hiệu, các cán bộ, giảng viên và đại diện lãnh đạo các khoa có chương trình được đánh giá của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Tại phiên bế mạc, đại diện của 3 Đoàn Đánh giá ngoài đã đề cập đến những điểm mạnh, tiềm năng và những mặt cần khắc phục theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA của 3 chương trình được đề xuất kiểm định chất lượng.
Sau 2 ngày làm việc (từ ngày 16 – 18/9/2015) tại các khoa có chương trình được đánh giá của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, từ việc phỏng vấn các đối tượng có liên quan bao gồm cán bộ, giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên, các nhà tuyển dụng…, đoàn chuyên gia đánh giá ngoài của AUN kết luận, về cơ bản 3 chương trình được kiểm định đã đáp ứng được những yêu cầu đặt ra theo chuẩn AUN – QA.
Các chuyên gia kiểm định chất lượng đến từ các đại học hàng đầu thuộc AUN đều cho rằng đội ngũ giảng viên của 3 khoa nói trên đều trẻ, có trình độ cao - từ thạc sĩ trở lên, có thể giảng dạy bằng ngoại ngữ.
Không chỉ thế, ĐHQGHN còn thường xuyên đưa ra những chương trình đào tạo miễn phí nhằm nâng cao kỹ năng giảng dạy cũng như trình độ tiếng Anh cho các giảng viên và trợ giảng. Ngoài ra, các chương trình đào tạo đang được áp dụng giúp giảng viên phát huy được hết năng lực, khả năng cạnh tranh và các kĩ năng của họ.
97% sinh viên khi được hỏi đều cho hay họ rất hài lòng với chất lượng giảng dạy. Các sinh viên theo học 3 ngành trên hầu hết đều vượt qua các kỳ thi sát hạch của ĐHQGHN. Đáng chú ý, sinh viên ngành Địa chất thường đạt điểm cao hơn so với các ngành học khác.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của AUN cũng lưu ý một số điểm nhà trường cần cải thiện trong thời gian tới để nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo gồm: Tổ chức nhiều hoạt động tập thể hơn nữa để sinh viên có cơ hội sử dụng, nâng cao kĩ năng mềm; Khuyến khích sinh viên chủ động trình bày các ý tưởng, các kết quả nghiên cứu của họ tại các hội thảo, hội nghị quốc gia, quốc tế; Cải thiện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh cho sinh viên thông qua các hoạt động giao lưu quốc tế; Mở rộng các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, phát triển các chương trình đào tạo đa ngành đặc biệt với chính các trường đại học thành viên của AUN; Có thêm tiêu chí cụ thể để đánh giá, phân loại năng lực của các trợ giảng; Với những sinh viên năm thứ 3 trở đi, có thể tổ chức các cuộc giao lưu với những sinh viên đã tốt nghiệp, các doanh nghiệp để tăng khả năng tiếp cận, tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cho các em.
Sau khi nghe kết luận từ các chuyên gia, Phó Giám đốc điều hành Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) Choltis Dhirathiti phát biểu: “Tôi nhớ có một giáo sư danh tiếng nói với tôi rằng thứ để phân biệt đẳng cấp giữa các trường trong AUN là số lượng các chương trình đạt chuẩn AUN – QA.
Với bộ tiêu chuẩn AUN – QA, chúng tôi hướng đến các vấn đề cần cải thiện để nâng cao chất lượng của các chương trình đào tạo trong tương laii. Như các bạn đã biết, chất lượng có được là nhờ cả quá trình phấn đấu chứ không phải tự nhiên mà có.
Nếu không có bộ tiêu chuẩn AUN – QA hay các bộ tiêu chuẩn khác, có thể chúng ta sẽ không biết được chúng ta đang hướng đến điều gì.
Tôi tin rằng những phân tích, đánh giá từ các chuyên gia của AUN sẽ rất hữu ích và có ý nghĩa với quá trình nâng cao chất lượng của 3 chương trình trên, giúp nhà trường phát huy hơn nữa thế mạnh của mình và thấy rõ những điểm cần cải thiện”.
Đánh giá cao tinh thần làm việc nhiệt tình, nghiêm túc, có hệ thống của các chuyên gia đánh giá ngoài của AUN, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Nguyễn Văn Nội khẳng định sẽ cải thiện những mặt còn tồn tại mà các chuyên gia đã nêu ra trong thời gian tới đồng thời bày tỏ mong muốn trong tương lai Trường sẽ có nhiều hơn nữa các chương trình đào tạo được kiểm định theo chuẩn AUN – QA.
Phát biểu bế mạc, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã gửi lời cảm ơn chân thành tới Đoàn đánh giá ngoài của AUN, tất cả các cán bộ, giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng đã tham gia nhiệt tình và hợp tác hết mình trong đợt đánh giá ngoài lần này.
Phó Giám đốc nhấn mạnh: “ĐHQGHN tin rằng những đánh giá, phân tích của các đoàn chuyên gia AUN – QA không chỉ hữu ích với các chương trình được đánh giá mà đó còn là đích đến của nhiều chương trình đào tạo khác trong quá trình nâng cao chất lượng.
Để hoàn thành sứ mệnh là trung tâm đào tạo đại học và sau đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho đất nước, là đầu tàu tiên phong đổi mới trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, ĐHQGHN luôn hướng tới các chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế”.
(Nguồn theo http://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N18382/Be-mac-phien-danh-gia-ngoai-theo-tieu-chuan-AUN-QA-lan-thu-48.htm)