Tham dự phiên bế mạc có Phó Giám đốc điều hành Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) Choltis Dhirathiti, đại diện Ban thư ký của AUN Ing-orn Jeerararuensak và các Kiểm định viên  Wan Ahmad Kamil Mahmood (trưởng nhóm) và đồng nghiệp Nakorn Srisukhumbowornchai.

Về phía ĐHQGHN có Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo các ban chức năng, các trường, khoa, đơn vị trực thuộc ĐHQGHN, cùng Ban Giám hiệu, các cán bộ, giảng viên và đại diện lãnh đạo Khoa Đông phương học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Tại phiên bế mạc, đại diện của Đoàn Đánh giá ngoài đã đề cập đến những điểm mạnh, tiềm năng và những mặt cần khắc phục theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA của chương trình đào tạo cử nhân ngành Đông phương học.

Đánh giá về chương trình, đại diện Đoàn đánh giá cho biết, về cơ bản, chương trình được xây dựng nhằm thúc đẩy hoạt động học tập, phương pháp học tập và tạo cho sinh viên thói quen học tập suốt đời; chương trình có sự cân bằng giữa nội dung chuyên môn, kiến thức tổng quát, và các kỹ năng cần thiết với nội dung được phân bổ hợp lý; đội ngũ cán bộ, giảng viên nhiệt tình, năng lực tốt, thông thạo ngoại ngữ; cán bộ, giảng viên được tạo điều kiện để học tập, trau dồi kỹ năng, nâng cao năng lực và chuyên môn cũng như phát huy tính sáng tạo của mình; chất lượng đầu vào của sinh viên được đảm bảo thông qua kỳ thi đại học mang tính quốc gia; các chính sách, điều kiện hỗ trợ sinh viên tốt; tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp cao.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng chương trình đào tạo, các chuyên gia đánh giá của AUN đề nghị: chú trọng hơn nữa hỗ trợ, tư vấn cho những sinh viên mới, giúp các em làm quen và vượt qua khó khăn trong môi trường học tập mới; tổ chức nhiều hoạt động tập thể hơn nữa để sinh viên có cơ hội sử dụng, nâng cao kĩ năng mềm; cải thiện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh cho sinh viên thông qua các hoạt động giao lưu, tổ chức các câu lạc bộ; thu hút các nguồn vốn nhằm hỗ trợ cán bộ, giảng viên nghiên cứu khoa học; chú trọng hơn nữa thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế; đầu tư hơn nữa các trang thiết bị phục vụ học tập, nghiên cứu; tăng cường vai trò của các cựu sinh viên, phục vụ cho sự phát triển của Khoa, Trường.

Phát biểu tại phiên bế mạc, ông Choltis Dhirathiti – Phó Giám đốc điều hành AUN tin rằng việc đánh giá sẽ mang lại lợi ích lớn trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu của Khoa và Trường.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao tinh thần làm việc nhiệt tình, nghiêm túc, có hệ thống của các chuyên gia đánh giá ngoài của AUN. Phó Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh, những nhận định, đánh giá về điểm mạnh và nội dung cần cải tiến của chương trình sẽ tạo động lực, khuyến khích cán bộ, giảng viên khoa tiếp tục cải thiện chất lượng giảng dạy, nâng cao chất lượng chương trình càng tốt hơn. Đồng thời, Phó Giám đốc tin rằng những đánh giá của các chuyên gia AUN không chỉ hữu ích với chương trình được đánh giá mà đó còn là đích đến của nhiều chương trình đào tạo khác trong quá trình nâng cao chất lượng.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Nguyễn Văn Kim khẳng định sẽ phát huy những điểm mạnh và cải thiện những mặt còn hạn chế để ngày càng nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, góp phần đưa khoa và trường ngày càng phát triển phù hợp với xu thế hội nhập.

 

Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA hiện nay có 15 tiêu chuẩn với 68 tiêu chí. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 7 mức là: 1 = Hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá, phải có giải pháp khắc phục ngay lập tức; 2 = Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá, cần có những giải pháp khắc phục; 3 = Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá, nhưng chỉ cần có giải pháp khắc phục nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu; 4 = Đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá; 5 = Đáp ứng tốt yêu cầu của tiêu chí đánh giá; 6 = Đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí đánh giá; 7 = Đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí đánh giá.

Việc lựa chọn kiểm định theo chuẩn AUN nhằm giúp các trường biết chương trình đào tạo đã đạt đến cấp độ nào trên thang đánh giá của khu vực. Tiếp nữa, để phát hiện chương trình còn tồn tại những gì cần khắc phục nhằm đảm bảo chương trình đạt chất lượng ngang tầm các chương trình cùng lĩnh vực trong khu vực ASEAN.

Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển lâu dài ở khu vực Đông Nam Á (ASEAN), trải qua 16 năm, đến nay, Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á về đảm bảo chất lượng (AUN – QA) đã có một đội ngũ chuyên gia đánh giá ngoài, các chuyên gia giáo dục và kiểm định viên chất lượng giáo dục. AUN – QA hiện có 15 chuyên gia kiểm định chất lượng cấp cao và 36 kiểm định viên các cấp, tới từ 22 trường đại học thuộc 7 quốc gia ở khu vực ASEAN. Tính đến năm 2015, với sự kết nạp thêm 8 thành viên mới, AUN – QA có tổng số 16 trường đại học thành viên tham gia mạng lưới.

Sự ra đời của AUN-QA, AUN đã góp phần nâng cao vị thế của giáo dục đại học của các nước Đông Nam Á, tiến tới hội nhập về chất lượng giáo dục với các nước tiên tiến trên thế giới.

(Nguồn theo http://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N18502/Be-mac-phien-danh-gia-ngoai-theo-tieu-chuan-AUN-QA-lan-thu-50.htm)

Số lượt truy cập

  • Số lượt xem 485489