"

""

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã trao Quyết định số 868/QĐ-ĐHQGHN ngày 15/3/2017 của Giám đốc ĐHQGHN bổ nhiệm GS.TS Nguyễn Quý Thanh giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục.

Tới dự lễ công bố có GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN; GS.VS Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; GS.TS Mai Trọng Nhuận – Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo Chất lượng ĐHQGHN; GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN; cùng lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN và Ban Giám hiệu Trường ĐH Giáo dục.

Tham dự còn có các đơn vị là đối tác trong và ngoài nước của Trường ĐH Giáo dục; các đồng chí nguyên là lãnh đạo, các cựu giáo chức của Nhà trường cùng đông đảo các cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường.

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của các thế hệ nhà giáo, nhà quản lý và học viên, sinh viên của Trường ĐH Giáo dục, đặc biệt là những đóng góp của các đồng chí Hiệu trưởng Nhà trường qua các thời kỳ gồm GS. TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc và PGS. TS. Lê Kim Long. 

Gửi lời chúc mừng tới tân Hiệu trưởng Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn đề nghị, để thực hiện sứ mệnh phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, Trường ĐH Giáo dục phải tập trung theo hướng phát huy tinh thần khoa học trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo giáo viên, giảng viên và các cán bộ quản lý giáo dục, định hướng tập trung vào hoạt động kiến thiết các ngành khoa học thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục, phát triển nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao, tăng cường công bố và phát ngôn học thuật trong và ngoài nước là một trọng những hướng đi chiến lược quan trọng để Trường khẳng định vị thế, uy tín học thuật trong lĩnh vực khoa học giáo dục trên cả nước.

Hoà vào triết lý giáo dục khai phóng của ĐHQGHN, Trường ĐH Giáo dục phải định vị rõ triết lý giáo dục của Nhà trường. Triết lý giáo dục cần hướng tới phát triển năng lực tư duy độc lập của người học, có tính phản biện và ý thức công dân sâu sắc, phát triển tiềm năng cá nhân, khả năng sáng tạo và thích ứng cao. Trên cơ sở đó, các sản phẩm trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Trường phải gắn bó mật thiết với yêu cầu thực tiễn của xã hội. Triết lý này cần được ý thức sâu sắc, rộng rãi và là kim chỉ nam trong toàn bộ hoạt động giáo dục của Nhà trường”, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn yêu cầu.

""

Nhấn mạnh sự ra đời của Trường ĐH Giáo dục là một sáng tạo và thể hiện tầm nhìn xa rộng của lãnh đạo ĐHQGHN, thể hiện sự nhận thức và kỳ vọng tạo lập một cơ sở giáo dục vừa thực hiện chức năng giáo dục đại học, vừa thực hiện chức năng nghiên cứu và tư vấn chính sách giáo dục, định hướng phát triển giáo dục và giải quyết các vấn đề lớn của ngành giáo dục nước nhà, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn yêu cầu Trường ĐH Giáo dục cần tập trung phát huy chức năng tư vấn tham mưu cho ngành giáo dục, cho các các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước về các vấn đề chiến lược, chính sách, đường hướng phát triển khoa học giáo dục vĩ mô, giải quyết các vấn đề đương đại của ngành giáo dục.

Giám đốc Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo, trong bối cảnh thế giới đang trải qua thời đại phát triển như vũ bão của nền công nghiệp kiểu mới, của mô hình trường đại học thông minh tích hợp, Trường ĐH Giáo dục cần nghiên cứu và xác định được mô hình đại học thông minh phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam. Đó là mô hình đại học không chỉ dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và tự động hóa mà còn là môi trường lý tưởng cho triết lý giáo dục hiện đại, cho sự tự do và sáng tạo học thuật. Trường ĐH Giáo dục cần có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong ĐHQGHN cùng nắm bắt xu thế, nghiên cứu mô hình và phương pháp giáo dục hiện đại để vận hành và thích ứng, tập trung xây dựng các chương trình liên ngành phát huy thế mạnh chuyên môn. Trường cần nghiên cứu mở những ngành đào tạo tiên phong, thí điểm về công nghệ và kỹ thuật trong giáo dục, nhân sự trong giáo dục tiên tiến hoặc tham vấn học đường để giải quyết các vấn đề của người học cũng như tư vấn định hướng nghề nghiệp trên nền tảng của công nghệ được áp dụng trong các nghiên cứu về tâm lý, nhân trắc học đường, …

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn yêu cầu trong thời gian tới, Trường ĐH Giáo dục cần thực hiện các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, cần tổng kết, đánh giá và đổi mới mô hình đào tạo giáo viên A+B để thích nghi với tình hình mới, trên cơ sở đề cao tính thống nhất liên thông trong ĐHQGHN và phát huy tính chủ động của các đơn vị, hướng tới chuẩn đầu ra tốt nhất.

Trong tình hình nhu cầu đào tạo giáo viên trong nước đã có những dấu hiệu bão hòa, Trường cần lấy chất lượng cao để làm chỗ dựa cho việc cạnh tranh, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và uy tín của các chương trình đào tạo quản lý giáo dục, đo lường đánh giá trong giáo dục, tư vấn học đường, quản trị trường học…Tích cực đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình mới thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục, mở thí điểm những ngành mới mà thực tế nền giáo dục đang có nhu cầu, góp phần đổi mới giáo dục nước nhà và thể hiện vị thế tiên phong của Trường, của ĐHQGHN.

Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tăng số lượng công bố quốc tế, kiến lập các đề tài dự án có quy mô lớn, mang tầm quốc gia và quốc tế, cần phải tạo ra những sản phẩm khoa học giáo dục có sức thuyết phục với và hữu ích cho đất nước, cho ngành. Nhà trường cũng cần tập trung khai thác ưu thế của những nghiên cứu mà nhóm nghiên cứu mạnh của Trường đã đạt được qua các công bố trên tạp chí Nature, nhất là các công bố về ứng dụng công nghệ mới trong giáo dục, trong tham vấn học đường, trong phát triển con người. Cần đẩy mạnh các nghiên cứu mang tính dự báo với chất lượng tốt nhất.

Thứ ba, nhanh chóng rà soát, đánh giá, sắp xếp và sử dụng đội ngũ viên chức, người lao động một cách hiệu quả trên cơ sở các tiêu chuẩn về vị trí việc làm, năng lực cán bộ, yêu cầu công việc. Đồng thời, rà soát cơ cấu các khoa, bộ môn, trung tâm để tái cấu trúc nhằm phát huy hiệu quả hoạt động các đơn vị và phù hợp với định hướng phát triển mới của Nhà trường.

Thứ tư, tiếp tục duy trì và đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống, mở mới các chương trình đào tạo và nghiên cứu liên kết với các đối tác có uy tín trên thế giới. Đây là hướng đi quan trọng để giúp cho khoa học giáo dục của VN theo kịp sự phát triển của thế giới. Cần kết nối và hợp tác hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN một cách toàn diện, khẳng định vị trí chủ chốt của mình trong hệ thống các trường sư phạm và giáo dục trong nước.

Thứ năm, xây dựng và phát triển trường Trung học Phổ thông Khoa học giáo dục bền vững, nhanh chóng trở thành một trường mẫu mực trong giáo dục phổ thông, là nơi triển khai các mô hình, các triết lý và phương pháp giáo dục mới cho bậc phổ thông.

Bày tỏ vinh dự khi được bổ nhiệm chức vụ mới, tân Hiệu trưởng Nguyễn Quý Thanh đồng thời gửi lời cảm ơn trân trọng tới lãnh đạo ĐHQGHN, lãnh đạo Trường ĐH Giáo dục qua các thời kỳ.

""

Tại buổi lễ, tân Hiệu trưởng đã tặng hoa tri ân các Hiệu trưởng tiền nhiệm

Hiệu trưởng cho biết, trong những năm vừa qua, Trường ĐH Giáo dục – ĐHQGHN đã đạt được những thành tựu đáng kể trong đào tạo và nghiên cứu nhưng cũng còn nhiều khó khăn và thách thức. Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cho biết sẽ tiếp tục phát huy tính độc đáo, bản sắc riêng và những thành tựu của Trường, đồng thời đề ra một số định hướng phát triển trong thời gian tới:

Một là đẩy mạnh việc xây dựng Trường theo sát định hướng nghiên cứu của ĐHQGHN. Trường phải là trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng đầu Việt Nam, từng bước đạt chuẩn khu vực và quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu về khoa học giáo dục nói chung và đào tạo giáo viên nói riêng.

Hai là quy hoạch và phát triển năng lực đội ngũ giảng viên theo định hướng nghiên cứu, từng bước nâng cao trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin để ngày càng có nhiều giảng viên có thể giảng dạy được bằng tiếng Anh.

Ba là tiếp tục phát huy những nền tảng đã được xây dựng, đặc biệt trong đào tạo sau đại học; phát triển những chương trình đào tạo mới mang tính chất liên ngành, có ứng dụng công nghệ. Trong thời gian trước mắt, Trường sẽ xây dựng các ngành đào tạo ở bậc cử nhân như công nghệ giáo dục, công nghệ học đường, quản trị trường học và khoa học giáo dục, dựa trên sự liên thông nguồn lực giữa các đơn vị thành viên của ĐHQGHN nhưng được tổ chức để đảm bảo sự thống nhất và sự nhuần nhuyễn nội tại của các sản phẩm được đào tạo ra.

Bốn là đẩy mạnh nghiên cứu trong các lĩnh vực mà nhà trường có thế mạnh nhất là các ngành công nghệ trong quản lý giáo dục, quản trị trường học, tham vấn học đường, đo lường và đánh giá giáo dục. Trước mắt, Trường sẵn sàng nhận nhiệm vụ để nghiên cứu tạo ra những sản phẩm hữu hình về các công cụ đo, các chỉ số tâm trắc, nhân trắc học đường dựa trên nền tảng công nghệ, trên cơ sở đó sẽ đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng và chuyển giao về khoa học giáo dục.

Năm là tăng cường đầu tư cho các đề tài nghiên cứu theo hướng hướng đến sản phẩm cuối cùng, không chỉ của giảng viên mà của cả người học; khuyến khích phát triển các chuỗi đề tài hướng đến các sản phẩm có thể ứng dụng và chuyển giao trong khoa học ứng dụng.

Sáu là chú trọng hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế, xem đó là nguồn lực quan trọng để phát triển; liên kết đào tạo quốc tế, kể cả đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý, nhà quản trị, nhân viên công nghệ giáo dục, nhân viên tham vấn học đường với các đối tác quốc tế, đặc biệt là từ các nước phát triển về giáo dục.

Để có thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình trong nhiệm kỳ tới, bên cạnh sự quyết tâm và nỗ lực của cá nhân, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Nguyễn Quý Thanh mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo ĐHQGHN; sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban chức năng, các đơn vị thành viên trong ĐHQGHN cũng như các đơn đối tác trong và ngoài nước. Đặc biệt, Hiệu trưởng Nguyễn Quý Thanh kêu gọi các cán bộ, giảng viên, người lao động và người học Trường ĐH Giáo dục đoàn kết, đóng góp ý tưởng, cùng chung tay góp sức cùng xây dựng Trường phát triển vững mạnh.

Tại buổi lễ, tân Hiệu trưởng đã tặng hoa tri ân các Hiệu trưởng tiền nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã gửi hoa và thư chúc mừng tới Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục.

""

""

""

""

""

VNU-INFEQA

"

Số lượt truy cập

  • Số lượt xem 487620