Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đã đến dự và phát biểu.

Cùng tham dự còn có bà Nantana Gajaseni – Tổng Giám đốc điều hành AUN; các ông Johnson Ong Chee Bin và Tan Kay Chuan là các thành viên Hội đồng Đảm bảo chất lượng AUN; TS. Lê Mỹ Phong – đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Nguyễn Quý Thanh – Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục, ĐHQGHN; GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN cùng đông đảo phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn khu vực và quốc tế, ĐHQGHN đã đăng ký và mời các chuyên gia AUN thực hiện kiểm định chất lượng cho Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN. Hiện nay Nhà trường đang hoàn thiện báo cáo tự đánh giá, các chuyên gia AUN sẽ khảo sát sơ bộ vào tháng 7/2016 và sẽ triển khai đánh giá chính thức vào tháng 01/2017. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN sẽ là trường đại học đầu tiên của Việt Nam và ASEAN được đánh giá chất lượng theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của AUN-QA. Đây là minh chứng nữa cho chiến lược đào tạo chất lượng cao, khẳng định vị thế tiên phong của ĐHQGHN trong công tác đảm bảo chất lượng theo chuẩn quốc gia cũng như quốc tế.

Bà Nantana Gajaseni – Tổng Giám đốc điều hành AUN cho biết, cơ chế đánh giá và hệ thống ĐBCL của AUN bắt đầu từ cấp độ chương trình đào tạo. Tính đến cuối năm 2016, AUN đã đánh giá được tổng số 220 chương trình đào tạo trình độ đại học và sau đại học, trong đó Việt Nam có 61 chương trình với 15 chương trình của ĐHQGHN.

Trên cơ sở kinh nghiệm tích lũy từ đánh giá chất lượng chương trình đào tạo, AUN đã căn cứ theo Khung Đảm bảo chất lượng ASEAN (ASEAN Quality Assurance Framework - AQAF), tham khảo các hệ thống tiêu chuẩn của Châu Âu (European Standards and Guidelines - ESG) cũng như Khung Thực hành Xuất sắc Baldrige của Hoa Kỳ (Baldrige Performance Excellent Framework) để phát triển cơ chế và hệ thống đánh giá cấp độ trường đại học. Cơ chế và Hệ thống này mang tính xuyên quốc gia, tương thích với các hệ thống dánh giá của nhiều tổ chức khu vực. Nó nhằm mục đích bổ sung chứ không cạnh tranh với hệ thống kiểm định chất lượng của các quốc gia thành viên ASEAN. Việc triển khai lần đầu tiên tại Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN là bước quan trọng để mở rộng cơ chế và hệ thống ĐBCL này trong ASEAN. Đây sẽ là một dấu mốc quan trọng để tiếp tục hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho giáo dục đại học ở Đông Nam Á. 

Bà Nantana Gajaseni nhấn mạnh, việc AUN phát triển và thực hiện cơ chế và hệ thống đánh giá chất lượng trường đại học xuyên quốc gia trong ASEAN sẽ hỗ trợ tích cực cho việc hài hóa giáo dục trong ASEAN, góp phần thúc đẩy các trụ cột của Cộng đồng ASEAN. Để ASEAN trở thành trung tâm giáo dục có chất lượngcao, cần phải xây dựng và duy trì các dịch vụ giáo dục có chất lượng cao không chỉ ở cấp độ trường đại học, cấp quốc gia và cấp khu vực. Vì thế, AUN sẽ tiếp tục phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng nhằm hỗ trợ các trường thành viên đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đã được công nhận quốc tế.

Trao đổi với báo chí, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng Giáo dục Nguyễn Quý Thanh và các chuyên gia AUN cho biết, bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á bao gồm 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí được phân thành 4 nhóm là Đảm bảo chất lượng chiến lược(Stategic QA), đảm bảo chất lượng hệ thống (Systemic QA), đảm bảo chiến lược thực thi (Functional QA), và kết quả (Results). Trường đại học muốn đăng kí KĐCL theo chuẩn AUN-QA phải gia nhập vào AUN-QA, thực hiện đánh giá chất lượng đạt chuẩn AUN-QA cho ít nhất 5 chương trình đào tạo. Để được nhận Chứng nhận trường đại học đạt chuẩn AUN-QA, kết quả đánh giá đối với trường cần đạt tối thiểu mức 4/7 đồng thời cho ở cả bốn nhóm tiêu chuẩn.

Là trường đại học có uy tín của Đông Nam Á nói chung và của Việt Nam nói riêng, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN tiên phong trong KĐCL theo chuẩn AUN-QA. Nhà trường đã có những bước chuẩn bị sẵn sàng cho việc kiểm định chất lượng theo chuẩn AUN-QA thời gian tới. GS.TS Phan Tuấn Nghĩa – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, từ năm 2012 đến nay, Trường tích cực tham gia các hoạt động kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA với tổng số 6 chương trình đào tạo đã được kiểm định và đạt chuẩn AUN-QA.

Bên cạnh việc nghiên cứu, khảo sát quy trình theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học của AUN-QA, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN đã thành lập Hội đồng tự đánh giá của trường để triển khai việc điều hành, chỉ đạo; lập kế hoạch gồm các bước từ khâu chuẩn bị ban đầu cho đến khâu viết báo cáo tự đánh giá; tiếp tục hoàn thiện bản báo cáo tự đánh giá theo 4 nhóm tiêu chuẩn; có lộ trình hoàn thiện báo cáo thông qua các hội thảo nội bộ và hội thảo có sự hỗ trợ của các cơ quan ngoài trường; hoàn thiện cơ sở vật chất; cử cán bộ tham gia khóa đào tạo về đánh giá chất lượng trường đại học theo tiêu chuẩn AUN-QA do AUN và ĐHQGHN đồng tổ chức,…

Để hỗ trợ cho các trường đại học chuẩn bị KĐCL theo chuẩn AUN-QA, ngày 20-22/7/2016, tại Hà Nội, theo đề Nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Mạng lưới các tường đại học Đông Nam Á sẽ tổ chức khóa đào tạo cho một số trường đại học của Việt Nam và ASEAN về thực hiện tự đánh giá chất lượng trường đại học theo chuẩn AUN-QA.

 

Giới thiệu về Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN)

Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á là một tổ chức tự chủ chịu trách nhiệm về giáo dục đại học ở các nước ASEAN, giải quyết các vấn đề về phát triển nguồn nhân lực và phát triển giáo dục đại học trong khu vực và các đối tác đối thoại. Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á là tổ chức điều phối và giám sát chính có danh tính là một trong các tổ chức bộ trưởng của ASEAN, có chức năng là cơ quan thực hiện về giáo dục đại học của ASEAN nhằm thúc đẩy khu vực tiến tới một Cộng đồng ASEAN. Giá trị cốt lõi của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á là “chúng ta tin tưởng vào tinh thần hợp tác của ASEAN vì lợi ích của ASEAN, và những lợi ích mà các công việc hợp tác chúng ta đang thực hiện sẽ mang lại cho mọi người.”

Giới thiệu về AUN-QA

Mạng lưới Đảm bảo chất lượng (AUN-QA) thuộc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á được phê chuẩn thành lập tại cuộc họp lần thứ 4 của các thành viên sáng lập của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) tổ chức vào năm 1998. Kể từ đó, AUN-QA đã liên tục cải tiến công tác đảm bảo chất lượng ở Đông Nam Á với vai trò là đầu mối điều phối các hoạt động để thực hiện sứ mạng hài hòa hóa các tiêu chuẩn giáo dục và liên tục cải tiến chất lượng đào tạo của các trường đại học ở Đông Nam Á. Các hoạt động của AUN-QA được các cán bộ chất lượng chủ chốt (CQOs) thực hiện theo Thỏa ước Bangkok phê duyệt năm 2000 với các hướng dẫn đẩy mạnh việc phát triển một hệ thống đảm bảo chất lượng với vai trò là các công cụ duy trì, cải thiện và củng cố việc giảng dạy, nghiên cứu và các tiêu chuẩn học thuật chung trong các trường đại học thành viên của AUN. Kể từ khi Thỏa ước Bangkok ra đời năm 2000, AUN-QA đã tích cực thúc đẩy, phát triển và thực hiện các thực hành ĐBCL dựa trên phương pháp thực nghiệm, theo đó các thực hành đảm bảo chất lượng được chia sẻ, thử nghiệm, đánh giá và cải tiến.

Hiện tại, các hoạt động của AUN-QA bao gồm:

- Các Hội nghị Giao ban cán bộ chủ chốt về ĐBCL của AUN-QA,

- Kiểm định chất lượng chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của AUN-QA,

- Đào tạo về tự đánh giá chương trình đào tạo của AUN-QA (Phân kỳ 1),

- Đào tạo các đánh giá viên của AUN-QA (Phân kỳ 2),

- Dự án đối thoại về các chiến lược sáng tạo trong giáo dục đại học của Mạng lưới Đảm bảo chất lượng - Đông Nam Á (ASEAN-QA DIES) và dự án về Đảm bảo chất lượng Đông Nam Á (ASEAN-QA) giai đoạn II,

- Dự án Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á – Ngân hàng phát triển Châu Á (AUN-ADB)

- Đánh giá chất lượng trường đại học đầu tiên của ASEAN (Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN) theo tiêu chuẩn của AUN-QA (thực hiện vào tháng 1/2017).

 


VNU-INFEQA

 

Số lượt truy cập

  • Số lượt xem 485623