"
Tổng Giám đốc điều hành AUN Choltis Dhirathiti chủ trì Diễn đàn.
Các diễn giả tham dự gồm có Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn; Chuyên gia AUN – QA Johnson Ong Chee Bin; Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kebangsaan (Malaysia) Imran Ho Abdullah; Giám đốc điều hành dự án Trường ĐH Quốc tế Vingroup Trần Phương Lan; Trưởng Ban Quan hệ Quốc tế - ĐH Quản trị Singapore Ong Siow Heng.
Diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy liên kết và tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa đại học - doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các đại học theo chuẩn khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.
Tại diễn đàn, các diễn giả đã trao đổi kinh nghiệm về những thách thức của các trường đại học trong việc đáp ứng yêu các tiêu chuẩn chất lượng của AUN cũng như yêu cầu thực tiễn phát triển; chia sẻ quan điểm của các trường đại học để chuẩn bị tốt nhất cho sinh viên sau khi tốt nghiệp...
Đề cập đến những thách thức đặt ra đối với các trường đại học ở các cấp độ trong nước, khu vực và toàn cầu, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thách thức có thể nói là như nhau ở cả 3 cấp độ. Theo PGS. Nguyễn Hồng Sơn, hiện nay, các nhà tuyển dụng mong muốn nhân viên của mình có thể đáp ứng được yêu cầu công việc ngay sau khi được tuyển dụng. Tuy nhiên, hầu hết các sinh viên tốt nghiệp ra trường thiếu hụt nhiều kỹ năng cuộc sống (kỹ năng mềm) cũng như chỉ nắm được lý thuyết và không đáp ứng ngay được yêu cầu của người tuyển dụng. Khác với đào tạo nghề, đại học cần đào tạo ra những con người có khả năng thích nghi với sự thay đổi, những người có thể tiếp tục tự học (học suốt đời) để có thể nắm bắt được công việc và tự giải quyết được các vấn đề. Đào tạo bài bản sẽ giúp cho sinh viên thực hiện được điều đó (đào tạo về tư duy). Nếu tập trung đào tạo về một ngành nghề quá chuyên sâu nào đó, sinh viên ra trường sẽ khó thích nghi nếu thị trường thay đổi. Do đó, Phó Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh 3 thách thức cơ bản đối với trường đại học: (1) làm sao để có thể kết hợp đào tạo với nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; (2) làm sao để có thể xác định được tỉ lệ giữa kiến thức và kỹ năng mình cung cấp cho sinh viên; (3) làm sao để giúp sinh viên sau khi ra trường thích nghi với sự thay đổi.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn và bà Trần Phương Lan
Giám đốc điều hành dự án Trường ĐH Quốc tế Vingroup
Đồng quan điểm với Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn về việc cần thiết trong cân đối giữa đào tạo kiến thức và kỹ năng, GS. Imran Ho Abdullah cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ sẽ mang lại cho các trường đại học nhiều cơ hội cũng như thách thức. Các trường đại học cần tạo ra những sự thay đổi về khung chương trình đào tạo, ngành đào tạo cũng như chuẩn bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để họ có thể bắt kịp với thực tiễn.
Đại diện phía doanh nghiệp, bà Trần Phương Lan cho rằng, mặc dù giáo dục đại học đang có những sự chuyển biến rõ rệt nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu của doanh nghiệp. Do đó, thách thức đặt ra với các trường đại học là làm sao để có thể đẩy nhanh tốc độ hơn nữa, đào tạo cần gắn với thực tiễn, đặc biệt là gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, để thực sự bắt nhịp được với sự phát triển của thị trường lao động.
Hiện nay, nhiều trường đại học lựa chọn đào tạo các kỹ năng cần thiết cho sinh viên để họ nhanh chóng thích ứng với thị trường thực tế. Ông Johnson Ong Chee Bin – Chuyên gia AUN –QA cho rằng cần xây dựng cho sinh viên kỹ năng như: giải quyết các vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý nhân lực. Trong khi đó, GS. Ong Siow Heng – ĐH Quản trị Singapore lại nhấn mạnh vào đào tạo kỹ năng học suốt đời (life – long learning) và học tập từ thực tiễn. Ông cũng đưa ra ví dụ về việc sử dụng mạng lưới cựu sinh viên, những người có kinh nghiệm làm việc đến để chia sẻ, hỗ trợ sinh viên, giúp họ gần hơn với thực tiễn.
Chia sẻ kinh nghiệm, bà Trần Phương Lan cho biết, Tập đoàn Vingroup thiết lập hợp tác toàn diện với nhiều trường đại học hàng đầu tại Việt Nam, với trọng tâm là Chương trình học bổng Tài năng trẻ Vingroup - giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tế theo chương trình đặc biệt tại Tập đoàn. Những sinh viên xuất sắc từ năm thứ 3 trở đi sẽ có cơ hội thực tập, thực tế tại Tập đoàn và sẽ học học tập, đào tạo các kỹ năng cần thiết cho công việc. Bà cũng cho hay, bên cạnh những yêu cầu về kiến thức, Tập đoàn Vingroup cũng chú trọng đến thái độ làm việc, tinh thần học hỏi vươn lên không ngại khó của các ứng viên.
Bàn về vấn đề này, Phó Giám đốc Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, việc đào tạo các kỹ năng như tư duy phản biện, học tập suốt đời, tư duy thiết kế, đào tạo gắn doanh nghiêp... đều có vai trò quan trọng với các trường đại học bởi vì những kỹ năng này giúp cho sinh viên gắn nhiều hơn với thực tiễn, có tư duy sáng tạo và khả năng thích nghi được với sự thay đổi, vốn đang diễn ra rất nhanh trên thực tế. Phó Giám đốc Nguyễn Hồng Sơn cũng cho biết, ĐHQGHN nhận rõ vai trò của đại học là sáng tạo ra tri thức mới, truyền bá tri thức và đưa tri thức vào thực tiễn nhằm phát triển kinh tế xã hội. Do đó, ĐHQGHN chú trọng đào tạo tư duy sáng tạo cho người học thông qua việc kiến tạo môi trường học tập, nghiên cứu sáng tạo để người học có điều kiện phát huy khả năng của mình.
Đặc biệt, Phó Giám đốc ĐHQGHN đề xuất phương pháp đào tạo kỹ năng cho sinh viên thông qua các dự án cụ thể. Sinh viên sẽ được trải nghiệm, trau dồi kiến thức và kỹ năng qua các hoạt động thực thế khi tham gia dự án, từ đó có thể tự học, tự nhận thức được kỹ năng nào là thực sự cần thiết và hữu ích.
Về thực hiện đào tạo theo chuẩn đầu ra ở ĐHQGHN, Phó Giám đốc cho biết, ý thức được về sự thay đổi của thị trường lao động và với tư cách là một đại học định hướng nghiên cứu, ĐHQGHN đang cố gắng gắn đào tạo với thực tiễn, gắn đào tạo với quốc tế và gắn đào tạo với nghiên cứu. Một trong những thí dụ cho việc đào tạo theo chuẩn đầu ra đó là trước khi xây dựng chương trình mới thì ĐHQGHN có tổ chức nghiên cứu điều tra khảo sát nhu cầu các bên liên quan như người học, giảng viên, nhà tuyển dụng...
Về vấn đề làm sao để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của khu vực, các diễn ra đều cho rằng, đáp ứng chuẩn chất lượng khu vực là cần thiết bởi vì điều này sẽ thúc đẩy hợp tác khu vực, đảm bảo cho sự tự do di chuyển lao động có kỹ năng, tăng cường sự hợp tác giữa các đại học và nâng cao chất lượng đào tạo của trường đại học trong khu vực... Tất cả những điều đó sẽ giúp cho khu vực phát triển hài hòa và bền vững hơn.
Việc đáp ứng chuẩn chất lượng khu vực đang đối với mặt với nhiều thách thức như sự khác biệt trong hệ thống giáo dục ở các nước trong khu vực; trình độ phát triển của các đại học trong khu vực khác nhau; sự khác biệt về văn hóa, trình độ phát triển kinh tế và mức độ điều tiết của chính phủ cũng khác nhau; sự nhận thức của các trường về sự cần thiết của việc đạt chuẩn chất lượng khu vực cũng khác nhau.
Đề vượt qua các thách thức, các diễn giả và đại biểu đều thống nhất cần không ngừng nâng cao chất lượng và đảm bảo chất lượng. Tham gia các hoạt động kiểm định chất lượng của AUN, thúc đẩy việc chuyển đổi tín chỉ, tăng cường hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu cũng được các diễn giả để cập đến.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng thảo luận và chia sẻ về vấn đề đào tạo kỹ năng cho sinh viên và cách thức để đại học có thể cung cấp những kỹ năng ấy. Nhiều đại biểu đã giới thiệu các chương trình đào tạo kỹ năng mà đơn vị mình đang triển khai.
>>> Tin tức của sự kiện trên báo chí:
- Báo điện tử Đảng Cộng sản: Đại học Quốc gia Hà Nội góp phần thúc đẩy hợp tác và đoàn kết các thành viên AUN
- Báo Tin tức TTXVN: Hội nghị giám đốc các đại học thuộc Mạng lưới các đại học Đông Nam Á
- Giáo dục & Thời đại: ĐHQG Hà Nội thúc đẩy sự hợp tác và đoàn kết của các thành viên AUN
- Dân trí: Hội nghị Giám đốc các đại học AUN: Tăng cường kết nối, nâng cao chất lượng giáo dục
- Giáo dục Việt Nam: Cách mạng 4.0 đặt ra yêu cầu bức thiết về hợp tác của các cơ sở giáo dục đại học
- Báo điện tử Chính phủ: Xây dựng cộng đồng giáo dục chất lượng cao ở Đông Nam Á
- Báo Tiền phong: Hội nghị giám đốc các đại học AUN: Tăng cường kết nối, nâng cao chất lượng giáo dục
- Báo Công an Nhân dân: Nỗ lực xây dựng một cộng đồng giáo dục đại học chất lượng cao
>>> Tin bài liên quan trên website ĐHQGHN:
- Khai mạc Hội nghị Giám đốc các đại học AUN lần thứ 9
- ĐHQGHN góp phần thúc đẩy sự hợp tác và đoàn kết của các thành viên AUN
- ĐHQGHN tiên phong kiểm định chất lượng cấp trường theo chuẩn quốc tế
- Vì mục tiêu xây dựng ASEAN trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao
- Chính thức khởi động hệ thống kiểm định chất lượng trường đại học theo chuẩn AUN-QA
- Khai mạc khóa đào tạo đầu tiên về đánh giá chất lượng trường đại học của AUN-QA
- Khai mạc phiên đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn AUN-QA lần thứ 69
- Bế mạc phiên đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn AUN-QA lần thứ 69
- AUN đẩy mạnh hợp tác vì sự phát triển giáo dục đại học của ASEAN
- ĐHQGHN phát huy vai trò trong sự phát triển AUN
VNU-Media
"