"

""

Tham dự buổi lễ có Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Quang Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh; đại diện lãnh đạo các bộ, UBND các tỉnh, các đối tác quốc tế, các doanh nghiệp cùng các nhà khoa học.

Theo văn bản thỏa thuận hợp tác, Bộ KH&CN cùng ĐHQGHN phối hợp triển khai các Chương trình phát triển khoa học cơ bản, các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ ứng dụng và đổi mới công nghệ ở ĐHQGHN để làm chủ công nghệ, góp phần phát triển sản phẩm quốc gia và sản phẩm công nghệ cao theo Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 và Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong những năm qua, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN, Chiến lược phát triển KH&CN quốc gia đến 2020, Chỉ thị 16/CT-CP về chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bên cạnh việc phát huy truyền thống trong nghiên cứu khoa học cơ bản và tập trung đầu tư nghiên cứu vào các lĩnh vực khoa học mũi nhọn, ĐHQGHN đã chú trọng phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng gắn với doanh nghiệp, hướng tới khởi nghiệp, theo phương châm “KHCN là động lực phát triển đại học nghiên cứu và hướng tới tự chủ và xếp hạng đại học từ các kết quả khoa học mới, sản phẩm khoa học mới, chương trình đào tạo mới có chất lượng và gắn với nhu cầu thực tiễn”.

Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, bên cạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu với các đối tác nước ngoài, ĐHQGHN cũng có nhiều ký kết thỏa thuận hợp tác với các tỉnh/thành, doanh nghiệp lớn như Tp. Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hà Nam, tỉnh Hà Giang, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV… nhằm nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm KH&CN. “Các hoạt động KH&CN của ĐHQGHN đã gắn kết chặt chẽ với thực tiễn nhằm giải quyết các vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra, gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao, tạo ra giá trị gia tăng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Giám đốc chia sẻ.

Giám đốc Nguyễn Kim Sơn mong rằng ĐHQGHN sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là của Bộ KH&CN và sự hợp tác có hiệu quả của các địa phương, doanh nghiệp để ĐHQGHN trở thành trung tâm khởi nghiệp, kết nối các hoạt động KH&CN trong và ngoài nước, xứng đáng với tiềm năng và vị thế của một đại học nghiên cứu hàng đầu đất nước.

Phát biểu tại lễ kí kết, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, giai đoạn hiện nay, cả nước đang ưu tiên, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên sang nền kinh tế chủ yếu dựa vào KH&CN. Bộ KH&CN đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đưa tinh thần Nghị quyết số 20/NQ-TW về phát triển KH&CN, đặc biệt là việc triển khai các yêu cầu về hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nêu tại các nghị quyết của Chính phủ.

Bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao những thành tựu của ĐHQGHN trong các hoạt động, xứng đáng với vị thế là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ lớn và có uy tín của Việt Nam, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh mong rằng ĐHQGHN sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và thế mạnh để cùng Bộ KH&CN phối hợp triển khai các nhiệm vụ KHCN một cách hiệu quả, góp phần vào sự phát triển đất nước.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng đánh giá cao mục tiêu và những nội dung trong bản thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ các hoạt động cũng như thúc đẩy việc phát triển các nghiên cứu gắn với doanh nghiệp, với nhu cầu xã hội. Bộ trưởng cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan của Bộ KH&CN trong việc phối hợp với ĐHQGHN.

""

Tại buổi lễ, Phó Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Xuân Đích – Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp ĐHQGHN 2017 đã trao giấy chứng nhận và giải thưởng cho các tác giả của các ý tưởng đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong cuộc thi này.

Cũng tại buổi lễ, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã trao Quyết định đổi tên Trung tâm Hợp tác và Chuyển giao tri thức thành Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp thuộc ĐHQGHN và Quyết định bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm cho ông Vương Quốc Thắng.

""

Trong khuôn khổ chuỗi những hoạt động nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2017, đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Lãnh đạo ĐHQGHN đã cắt băng khánh thành Tòa nhà Ươm tạo tài năng và Hỗ trợ khởi nghiệp, ĐHQGHN - một không gian dành riêng cho các hoạt động chuyển giao, giám định, ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp.

Tại đây sẽ là nơi hoạt động của Văn phòng giám định công nghệ VNU - TLO (TLO - Technology Licening Office) và Văn phòng chuyển giao công nghệ VNU -TTO (TTO – Technology Transfer Office) - những văn phòng đầu tiên của Việt Nam chuyên trách hoạt động trong lĩnh vực giám định, cấp phép công nghệ và chuyển giao công nghệ. Hai văn phòng là những kết quả cụ thể trong phối hợp triển khai song phương giữa ĐHQGHN và một số đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

""

Văn phòng chuyển giao công nghệ VNU -TTO là một trong những kết quả hợp tác giữa ĐHQGHN với Cục ứng dụng và phát triển công nghệ và Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN, Bộ Khoa học và Công nghệ.

VNU – TTO là điểm kết nối cung – cầu tổ chức các hoạt động cơ bản như: Tư vấn công nghệ, kết nối đầu tư tài chính-công nghệ, tư vấn cải tiến kỹ thuật với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn trực tuyến; tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng đàm phán chuyển giao, mua bán công nghệ; kỹ năng quản lý công nghệ trong doanh nghiệp; hình thành mạng lưới các điều phối viên về chuyển giao công nghệ; xây dựng dữ liệu công nghệ, chuyên gia công nghệ; tổ chức các buổi giới thiệu công nghệ, hội thảo chuyên đề và theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Văn phòng giám định công nghệ VNU - TLO (TLO - Technology Licening Office) là sản phẩm của sự hợp tác giữa ĐHQGHN và Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ các tác giả đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho các công trình khoa học công nghệ, ĐHQGHN đã cho ra mắt Văn phòng giám định công nghệ, trực thuộc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp.

""

Đây là đầu mối cung cấp dịch vụ, tư vấn và hỗ trợ cán bộ khoa học trong ĐHQGHN hoàn tất các thủ tục đăng ký, chứng nhận phát minh, sáng chế; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đồng thời, thực hiện các dịch vụ đăng ký bảo hộ, quản trị danh mục tài sản trí tuệ, giám sát xâm phạm bảo hộ trí tuệ cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ của ĐHQGHN…

Trước đó, ngày 15/5/2017, tại ĐHQGHN đã diễn ra vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp ĐHQGHN 2017, với sự tham gia của 8 ý tưởng đã vượt qua vòng sơ tuyển và 01 ý tưởng được đặc cách vào vòng chung khảo.

""

 

Nội dung phối hợp giữa ĐHQGHN và Bộ KH&CN:

1. Phối hợp triển khai các Chương trình phát triển khoa học cơ bản; lựa chọn, hình thành và đầu tư phát triển một số tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng thuộc ĐHQGHN đạt trình độ khu vực và thế giới, đủ khả năng giải quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020.

2. Phối hợp triển khai “Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2018 được phê duyệt tại Quyết định số 1746/QĐ-BKHCN ngày 28/6/2013 của Bộ trưởng Bộ KH&CN.

3. Phối hợp triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ ứng dụng và đổi mới công nghệ ở ĐHQGHN để làm chủ công nghệ, góp phần phát triển sản phẩm quốc gia và sản phẩm công nghệ cao theo Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia được phê duyệt tại Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm được phê duyệt tại Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Bộ KH&CN hỗ trợ ĐHQGHN:

- Triển khai các hoạt động về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp” và Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

- Triển khai thực hiện “Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Hai Bên phối hợp tổ chức triển khai kịp thời các nhiệm vụ đột xuất đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

 

 ""

 

ĐHQGHN luôn xác định hoạt động khoa học và công nghệ luôn song hành cùng các hoạt động đào tạo, và đây là những hoạt động then chốt của cơ sở giáo dục đại học. Giảng viên của ĐHQGHN đồng thời là nhà khoa học.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển KHCN hướng tới việc xây dựng ĐHQGHN thành ĐH nghiên cứu đồng thời là một hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐHQGHN đang quản lý và tổ chức các hoạt động KHCN theo mô hình 4P.

Thứ nhất, quản trị theo mục tiêu “P - Purpose”: mục tiêu chiến lược, mục tiêu của kế hoạch và chỉ số của các xếp hạng. Thông qua cách quản lý mục tiêu này chúng ta phát hiện được điểm yếu, điểm mạnh, từ đó có kế hoạch đầu tư trúng và đúng. Trong thực tế, ĐHQGHN đã đạt chỉ tiêu vào nhóm 150 đại học hàng đầu châu Á theo bảng xếp hạng QS vào năm 2016 và hiện nay đang tiếp tục hướng tới mục tiêu vào nhóm 100 đại học hàng đầu chấu Á năm 2020 của bảng xếp hạng này.

Thứ hai, quản trị có sự ưu tiên “P - Priority”. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, nếu phát triển trải rộng thì không đảm bảo được hiệu quả, do đó cần phải có ưu tiên.

Để đảm bảo chiến lược phát triển khoa học công nghệ bền vững và có hiệu quả, đồng thời phát huy tối đa thế mạnh của các nguồn lực sẵn có, ĐHQGHN đã và đang ưu tiên đầu tư theo một số chương trình khoa học công nghệ trọng điểm: Nghiên cứu định vị và phát triển khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam; Nghiên cứu khoa học tính toán tin – sinh – dược; Công nghệ và linh kiện micro-nano; Tích hợp và phát triển bền vững các nguồn năng lượng tái tạo; Nghiên cứu địa môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; Kinh tế học vĩ mô và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập quốc tế của Việt Nam; và mạch tích hợp ứng dụng trong các hệ thống đo lường, điều khiển, viễn thông và y tế; …

Nhằm phát triển tiềm lực KH&CN, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, ĐHQGHN đã thành lập 8 phòng thí nghiệm trọng điểm, trong đó có 1 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia và 7 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQGHN với mô hình đồng giám đốc là một nhà khoa học của ĐHQGHN và một nhà khoa học nước ngoài có uy tín, tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực khoa học.

Thứ ba là quản trị theo sản phẩm đầu ra “P – Product”. Đội ngũ cán bộ khoa học của ĐHQGHN đã thiết lập và phát triển văn hóa công bố quốc tế trên các tạp chí có uy tín thuộc hệ thống ISI và Scopus và đề ra mục tiêu năm 2017, ĐHQGHN có 500 bài báo được công bố trên các tạp chí này. ĐHQGHN quan tâm đến các kết quả nghiên cứu gắn với sở hữu trí tuệ và đến nay có tổng số hơn 20 kết quả được cấp bằng phát minh, sáng chế, trong đó có hướng đến các sản phẩm hoàn thiện, sắc xảo và độc đáo để hỗ trợ hệ có thể chuyển giao cho doanh nghiệp và ứng dụng trong thực tiễn.

Mô hình phòng thí nghiệm trong điểm có đồng giám đốc đã bước đầu đã phát huy hiệu quả trong việc thiết kế các chương trình nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn. Theo đó, đã nghiên cứu giải mã bản đồ gen người Việt; chế tạo vi mạch mã hóa video lần đầu tiên tại Việt Nam làm nền tảng cho thế hệ chip mới liên quan đến công nghệ IOT; Nghiên cứu và chế tạo cảm biến đo từ trường có thể giải quyết được bài toán đo, vẽ bản đồ trên biển Đông; Mô phỏng động lực học phân tử cho thiết kế thuốc; Phát triển công nghệ sạch sản xuất nhiên liệu Biodiesel từ dầu mỡ phế thải đồng thời tách chiết được vitamin E và omega, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, trước khi triển khai xây dựng các COE, ĐHQGHN đã thúc đầy các nhóm nghiên cứu mạnh đã tiến hành 2 chương trình nghiên cứu trọng điểm là định vị khoa học xã hội và nhân văn và chương trình phát triển kinh tế vĩ mô.

 “P – people/ partner”- nguồn lực con người, bao gồm đội ngũ cán bộ ĐHQGHN và các đối tác cũng như các bên liên quan. ĐHQGHN tự hào với một lực lượng hùng hậu cán bộ khoa học trình độ cao, năng lực tốt song cũng đồng thời tiến hành chính sách thu hút các nhà khoa học nước ngoài về ĐHQGHN làm việc.

 

VNU MEDIA

"

Số lượt truy cập

  • Số lượt xem 485362