"
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, nếu như các mục đích dài hạn khó có thể lượng hoá thì các mục đích ngắn hạn thì lại có thể. Tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học sau một vài năm là một trong những mục tiêu của giáo dục đại học.
Việc nghiên cứu có hệ thống và đầy đủ tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp là điều cần thiết bắt buộc phải làm. Việc làm này ít nhất có hai lợi ích. Trường đại học biết được sản phẩm đào tạo của mình đang làm gì để cải tiến quá trình đào tạo sao cho hiệu quả hơn. Các học sinh dùng đó để tham khảo cho quá trình lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình.
Theo PGS nói, việc nghiên cứu có hệ thống và đầy đủ tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp có nhiều lợi ích và là điều cần thiết bắt buộc phải làm. Vậy có cần 1 chuẩn mực nào trong báo cáo này không, ông có thể ví dụ minh chứng cụ thể về báo cáo chất lượ ng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp?
Tôi lấy ví dụ về kinh nghiệm của Trung Quốc về báo cáo chất lượng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Cuối năm 2013, Bộ Giáo dục Trung Quốc yêu cầu các trường đại học phải công bố “Báo cáo thường niên chất lượng việc làm của sinh viên tốt nghiệp” (theo Thông báo số 25, ngày 2/11/2013). Theo đó, chất lượng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học là thước đo quan trọng phản ánh chất lượng giáo dục dạy học của các trường đại học.
Biên soạn và công bố Báo cáo là một nội dung công tác hết sức quan trọng của các trường đại học trong việc kiện toàn cơ chế phản hồi về tình trạng việc làm của sinh viên, là yếu tố tham chiếu cho công tác tuyển sinh và xây dựng chương trình đào tạo, đổi mới phương thức đào tạo nhân tài, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội.
Các báo cáo không cần giống nhau vì tính đa dạng của các trường đại học nhưng có những thông tin chung cần phải có như: quy mô và kết cấu của sinh viên tốt nghiệp, tỉ lệ có việc làm, xu hướng việc làm; phân tích các số liệu về tình hình việc làm thực tế của sinh viên sau khi tốt nghiệp; nghiên cứu và dự đoán xu hướng việc làm của sinh viên; ảnh hưởng của tình trạng việc làm đối với công tác tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo.
Việc xây dựng Báo cáo có thể do các trường tự thực hiện với sự giám sát của các địa phương hoặc do một cơ quan chuyên trách bên ngoài thực hiện. Sau khi hoàn thành các trường đại học phải công bố trên website của trường hoặc các phương tiện truyền thông khác vào cuối năm.
Sau gần một năm, 75 trường thuộc Bộ Giáo dục của Trung Quốc đều đã hoàn thành báo cáo. Viện nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21 của Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu, phân tích chi tiết Báo cáo của 75 trường, đánh giá tính toàn diện của nội dung, thông tin công khai và độ xác thực của các Báo cáo.
Kết quả đánh giá , điểm bi nh quân của 75 trường là 56.8 điể m, trường cao nhất đạt 72.4 điểm, trường thấp nhất đạt 37.9 điểm. Đến nay, hàng năm viện này đều công bố bảng xếp hạng Báo cáo của 75 trường và công bố công khai cho toàn xã hội.
Theo một số nghiên cứu, Báo cáo đã có ý nghĩa quan trọng đối với các trường đại học và học sinh, sinh viên, là tài liệu tham khảo quan trọng. Tuy nhiên do mới thực hiện nên các báo cáo cần khắc phục một số hạn chế: tiêu chí đánh giá giữa các trường chưa đồng nhất; số liệu thống kê chưa đầy đủ, có trường đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, có trường chưa đáp ứng; người thực hiện báo cáo chưa khách quan, nên để một cơ quan bên ngoài đánh giá thì hiệu quả hơn.
Nhật Hồng (thực hiện) - Bản tin ĐHQGHN số 317
"