"
Ngày 27/9/2014, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức Hội thảo tham vấn “Đổi mới tuyển sinh đại học, sau đại học theo hướng đánh giá năng lực: thực tiễn triển khai thí điểm ở ĐHQHN”. Giám đốc ĐHQGHN, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực Phùng Xuân Nhạ và Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội thảo.

Hội thảo là một hoạt động trong chương trình công tác của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011 – 2015.
Tham dự có đại biểu là các thành viên trong Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, đại diện của Ban Tuyên Giáo Trung ương, Cục Đào tạo Bộ Công an, Cục Nhà trường Bộ Quốc phòng, lãnh đạo ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh, các đại học vùng, các trường ĐH, Học viện, viện nghiên cứu trong cả nước, đại diện ĐSQ Hoa Kỳ, Công ty Tư vấn Giáo dục Capstone của Hoa Kỳ, đại diện của tổ chức ETS tại Việt Nam và các chuyên gia giáo dục của Việt Nam. Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm thí điểm thành công trong đổi mới tuyển sinh ĐH, SĐH của ĐHQGHN theo hướng đánh giá năng lực, nghiên cứu khả năng áp dụng phương án ĐMTS này cho các cơ sở giáo dục đại học khác của Việt Nam.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã trình bày báo cáo đề dẫn “Đổi mới tuyển sinh ĐH và SĐH theo hướng đánh giá năng lực: Thực tiễn triển khai thí điểm ở ĐHQGHN”. Báo cáo đã chỉ rõ những nguyên tắc tiếp cận, căn cứ khoa học, cơ sở thực tiễn của việc đổi mới tuyển sinh ĐH, SĐH tại ĐHQGHN. Báo cáo cũng nêu bật quá trình chuẩn bị của ĐHQGHN cho công tác này, từ đào tạo hàng trăm lượt cán bộ phát triển các tiểu mục đánh giá năng lực, xây dựng ngân hàng câu hỏi với khoảng 4500 tiểu mục, trong đó hàng nghìn tiểu mục đã được thử nghiệm trên thực tế. ĐHQGHN cũng đã chuẩn bị tốt hạ tầng cơ sở, từ phòng máy thi online, cho đến phần mềm thi, chấm thi, quản lý tiểu mục câu hỏi... Trên cơ sở công tác chuẩn bị rất thận trong, kỹ lưỡng tháng 9/2014, ĐHQGHN đã tổ chức thí điểm thi tuyển chọn sinh viên vào học bậc ĐH trong các chương trình tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao (sau khi đã trúng tuyển vào ĐHQGHN) bằng bài thi ĐGNL và tuyển chọn học viên cao học với bài thi ĐGNL thay cho môn cơ bản.
Báo cáo cũng nêu kết quả phân tích phổ điểm Bài thi Tổng hợp đánh giá năng lực chung. Kết quả này cho thấy điểm thi tiệm cận đường cong chuẩn. Tức là đề thi đánh giá được phổ rộng các năng lực của thí sinh. Kết quả lấy ý kiến phản hồi của 1061 thí sinh dự thi bậc ĐH và 547 thí sinh thi bậc SĐH phản hồi về cấu trúc và thời gian làm bài thi ĐGNL cho thấy trên 2/3 thí sinh đánh giá bài thi có độ khó Trung bình, đồng thời thí sinh cũng cho rằng có nhiều câu hỏi có tính phân loại tốt; gần 3/4 thí sinh trả lời “đủ thời gian làm bài thi”; trên 60% thí sinh trả lời đề thi đánh giá đúng năng lực để học ngành đăng ký; trên 80% ý kiến cho rằng đề thi đánh giá đủ kiến thức cần thiết về mọi mặt của sinh viên; khoảng 2/3 ý kiến trả lời hình thức thi trên máy tính tiện lợi và đơn giản sử dụng. Các thí sinh đều nhận thấy kỳ thi chỉ một bài duy nhất, thi trong một buổi, gọn nhẹ, dễ triển khai, đơn giản, thiết thực, tiết kiệm, dễ được xã hội đồng tình, ủng hộ; Đề thi dạng trắc nghiệm khách quan thi trên máy tính với đề thi được tổ hợp khác nhau, hạn chế tối đa tiêu cực. Cấu trúc đề thi định hướng học sinh cần học toàn diện;
Các ý kiển trao đổi, thảo luận tại hội thảo đã bày tỏ sự đồng tình mạnh mẽ với phương án ĐMTS do ĐHQGHN. TS. Mark A. Ashwill – Giám đốc điều hành công ty Capstone (Việt Nam), nguyên Giám đốc Quốc gia – Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của ĐHQGHN trong việc ĐMTS. Ông cho rằng phương án mà ĐHQGHN đang triển khai là tiên tiến, hiện đại tiếp nhận được những ưu điểm của các bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của Hoa Kỳ như SAT, ACT. Việc đổi mới tuyển sinh của ĐHQGHN sẽ góp phần giảm áp lực xã hội trong các kỳ tuyển sinh ĐH; cách tiếp cận phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng đổi mới của giáo dục phổ thông ở Việt Nam. TS. Mark bày tỏ ấn tượng sâu sắc với những nỗ lực đổi mới tuyển sinh (ĐMTS) của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam nói chung, ĐHQGHN nói riêng. Ông tin tưởng vào những thành công mà phương án này mang lại trong thời gian tới. Các chuyên gia giáo dục như GS.TSKH Bành Tiến Long – nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS Lê Đức Ngọc - Giám đốc Trung tâm Đo lường, Đánh giá Chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cũng đánh giá cao những căn cứ khoa học và thực tiễn mà ĐHQGHN dựa vào đó để thực hiện đề án ĐMTS. Các chuyên gia cho rằng đấy là nền tảng vững chắc cho sự thành công.
Đại diện các đại học, các trường đại học, các học viện tham dự hôi thảo bày tỏ sự sằn sàng tham gia cùng đề án ĐMTS của ĐHQGHN từ việc sử dụng chung kết quả, tham gia cùng tổ chức, chia sẻ các nguồn lực...
GS.TS Nguyễn Trọng Giảng - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng đổi mới tuyển sinh theo phương thức ĐGNL nhằm tuyển chọn người học có năng lực phù hợp vào học các bậc học ở ĐHQGHN là giải pháp mang tính đột phá và cần thiết cũng như thể hiện được vai trò tiên phong của ĐHQHN trong việc thực hiện Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh; PGS.TS. Đoàn Quang Vinh – Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Hiệu trường trường ĐH TNMT, cùng đại diện của nhiều cơ sở giáo dục đại học khác tại hội thảo cũng đánh giá cao sự chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng và khoa học của ĐHQGHN trong lộ trình đổi mới của mình đồng thời cho rằng đây là những đổi mới phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục, phương pháp tuyển sinh của các nước trên thế giới, có thể tuyển chọn được sinh viên có năng lực. Vì vậy phương án ĐMTS của ĐHQGHN có thể áp dụng cho các trường đại học ngoài ĐHQGHN.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng góp ý cho việc hoàn thiện phương án từ dạng thức bài thi, phương thức tuyển chọn, cách tổ chức, vấn đề hạ tầng kỹ thuật, thông tin, phần mềm.
""
Toàn cảnh Hội thảo
Thay mặt Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Cục trưởng PGS.TS. Mai Văn Trinh phát biểu cho rằng việc đổi mới tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực là công việc rất khó, cần nhiều công sức và nguồn lực đầu tư. Vì vậy, ông đánh giá cao sự chủ động của ĐHQGHN trong việc triển khai các hoạt động đổi mới tuyển sinh ĐH, SĐH theo hướng này. Ông khẳng định hướng đi trong ĐMTS của ĐHQGHN hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT ủng hộ ĐHQGHN tiên phong thí điểm đề án này cũng với một nhóm trường đại học, khuyến khích các trường đại học khác cùng tham gia đề án của ĐHQGHN. Sau khi thí điểm rút kinh nghiệm để triển khai rộng trong tương lai. Đồng thời, ông cũng đề nghị ĐHQGHN chủ đồng đề xuất phương án sử dụng điểm Bài thi Tổng hợp đánh giá năng lực chung vào mục đích xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban ngày 26 tháng 8 vừa qua.
Kết luận tại Hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, xu hướng đổi mới tuyển sinh ĐH và SĐH dựa vào sự phát triển công nghệ và phương thức ĐGNL là phù hợp với yêu cầu thực tiễn cũng như xu hướng quốc tế. Phương án tuyển sinh dựa vào ĐGNL mà ĐHQGHN đang tiên phong hoàn toàn phù hợp với lộ trình đổi mới tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Kết quả thành công bước đầu của kỳ thi thí điểm ĐGNL tại ĐHQGHN tạo tiền đề vững chắc để ĐHQGHN chính thức thực hiện tuyển sinh theo phương thức ĐGNL từ năm 2015.
Giám đốc ĐHQHN khẳng định ĐHQGHN sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án, trong đó, tập trung phát triển thêm ngân hàng các tiểu mục câu hỏi; đào tạo thêm cán bộ về khảo thí hiện đại; mở rộng và nâng cao chất lượng phần mềm thi tuyển sinh, trang bị máy móc, thiết bị, đồng thời nâng cấp đường truyền mạng; rà soát và ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định, hướng dẫn, giúp các đơn vị đào tạo thực hiện công tác đổi mới tuyển sinh một cách chủ động, đúng kế hoạch, đúng quy định, đảm bảo tiến độ của ĐHQGHN; thực hiện tập huấn nghiêm túc, bài bản cho các cán bộ tham gia công tác tuyển sinh, cán bộ coi thi và thí sinh; đăng tải các dạng thức, bài thi mẫu trên phương tiện truyền thông. ĐHQGHN sẽ làm việc với một số trường ĐH và một số Sở giáo dục và đào tạo có đủ điều kiện để cùng phối hợp triển khai thực hiện phương án đổi mới tuyển sinh này để thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo trong việc xem xét sử dụng kết quả Bài thi Tổng hợp của ĐHQGHN đồng thời đề xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học. 
Các tin liên quan:
 

 

"

Số lượt truy cập

  • Số lượt xem 485388