Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 08/03, Công đoàn Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQGHN phối hợp tổ chức tọa đàm với chủ đề “Mindfulness – Sống hạnh phúc giữa đời bận rộn”. Đây là một hoạt động thiết thực, có ý nghĩa dành cho công đoàn viên hai đơn vị. Điều hành buổi tọa đàm là TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng, Trưởng bộ môn Tiếng Anh Chất lượng cao, Khoa Sư phạm tiếng Anh và TS. Đào Thị Diệu Linh, Phó Trưởng Bộ môn Tâm lý – Giáo dục học đến từ Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng (bên trái), TS. Đào Thị Diệu Linh (bên phải) tại buổi tọa đàm
Buổi tọa đàm góp phần lan tỏa những năng lượng tích cực, tươi mới thông qua một chuỗi các hoạt động chia sẻ và thực hành thú vị do hai diễn giả dẫn dắt. Công đoàn viên đến từ hai đơn vị có cơ hội được chia sẻ nhiều hơn về bản thân thông qua hoạt động đầu tiên là làm quen, check in cảm xúc: “Điểm đặc biệt nào ở bạn mà người khác chưa được biết” và “Cảm xúc của bạn sáng nay như thế nào?”.
Hoạt động “Làm quen, check in cảm xúc”
TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng và TS. Đào Thị Diệu Linh đã có những chia sẻ hữu ích về “Mindfulness” – những ứng dụng của mindfulness trong đời sống, công việc, gia đình và các mối quan hệ. Cũng tại tọa đàm, hai diễn giả đã chia sẻ về hai cuốn sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” và “Chẳng cần ngồi yên cũng có thể thiền”.
Trang bìa hai cuốn sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” và “Chẳng cần ngồi yên cũng có thể thiền”
Cuộc sống ngày càng vội vã, con người quay cuồng với tiến độ công việc, với những nỗi lo toan trong cuộc sống khiến họ quên đi thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc cho bản thân mình. Cuốn sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” của tác giả Haemin là cuốn sách đầy tính nhân văn nói về những điều trong cuộc sống: tương lai, tình yêu, những mối quan hệ, nhiệt huyết… sẽ khiến những người luôn tất bật với nhịp sống hiện đại hối hả cảm thấy tâm trí mình được nghỉ ngơi lại một chút giữa những căng thẳng, mệt mỏi và những nỗi lo toan.“Chen vai thích cánh để có một chỗ bám trên xe buýt giờ đi làm, nhích từng xentimét bánh xe trên đường lúc tan sở, quay cuồng với thi cử và tiến độ công việc, lu bù vướng mắc trong những mối quan hệ cả thân lẫn sơ… bạn có luôn cảm thấy thế gian xung quanh mình đang xoay chuyển quá vội vàng? Nếu có thể, hãy tạm dừng một bước” là những câu mở đầu của cuốn sách này.
Và “Chánh niệm thật sự lợi lạc ở góc độ: nó trải khắp mọi hoạt động trong đời sống hằng ngày của chúng ta, khiến tỉnh thức rõ rệt, tò mò, và muốn khám phá các hoạt động đời thường của cuộc sống, như dậy sớm vào buổi sáng, đánh răng, bước qua cửa, trả lời điện thoại, lắng nghe người khác nói chuyện” – Trích dẫn từ cuốn sách “Chẳng cần ngồi yên cũng có thể thiền” (Tác giả: Jan Ghozen Bays).
Tại buổi tọa đàm, hai diễn giả đã tổ chức một số thực hành Mindfulness như: Sử dụng tay không thuận; Thiền ăn; Nói lời khen và cảm ơn.
“Sự vất vả khi sử dụng tay không thuận có thể đánh thức lòng bi mẫn của chúng ta đối với bất cứ ai vụng về hoặc không khéo léo, như người bị tật, bị thương hoặc đột quỵ. Chúng ta nhanh chóng nhận ra bản thân đã xem những cử động đơn giản mà nhiều người không thể làm được là quá hiển nhiên. Sử dụng đũa bằng tay không thuận là một trải nghiệm về sự không tự tin. Nếu bạn muốn ăn một bữa ăn trong khoảng một giờ và không muốn làm đổ thức ăn khắp nơi, bạn sẽ phải rất chú ý” – Đoạn trích từ cuốn sách “Chẳng cần ngồi yên cũng có thể thiền” nói về bài tập thực hành chánh niệm: dùng tay không thuận cho các hoạt động thường ngày.
Những năm gần đây, Chánh niệm (Mindfulness) ngày càng được phổ biến sâu rộng hơn. Tại các nước Âu Mỹ có khoảng hơn hai trăm chương trình dạy Chánh niệm để giảm căng thẳng tại các trung tâm y khoa hoặc ở các trường đại học. Trong lĩnh vực giáo dục, những lợi ích mà Thiền Chánh niệm đem đến giúp hoạt động dạy – học phát triển theo hướng tích cực. Thiền giúp chúng ta giảm bớt căng thẳng, tập trung chú ý tốt hơn, đem đến chuỗi phản ứng tích cực làm tăng khả năng chú ý trong công việc, tăng tiến trình truyền tải của não bộ và cải tiến khả năng diễn đạt. Người thầy đứng trên bục giảng không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là người cần có khả năng điều hòa cảm xúc, xử lý những tình huống xảy ra trong lớp học một cách bình tĩnh và thích đáng. Người học không thể nào có một buổi học hiệu quả nếu như giảng viên, những thầy cô giáo của họ lên lớp với một cảm xúc tiêu cực, bực bội và dễ cáu gắt. Thiền Chánh niệm giúp ta giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi, vui tính hơn và điều này sẽ giúp mối quan hệ thầy trò từ đó cũng trở nên gần gũi.
Hoạt động “Gieo hạt” những mầm tích cực cho năm 2021 giúp người tham dự lắng lại để suy ngẫm về những mong muốn “trao đi giá trị” để chia sẻ, cống hiến nhiều hơn cho gia đình, cho tập thể và cộng đồng. Những mầm tích cực không chỉ giúp chúng ta có thêm niềm tin hơn, học cách yêu thương bản thân mình hơn mà còn là sức mạnh giúp ta vững bước trên con đường dài phía trước của cuộc sống này.
Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:
INFEQA -CTE