Vào ngày 02/03/1995, GS.VS. Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) khi đó đã ký quyết định thành lập Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục, tiền thân của Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (Viện ĐBCLGD) ngày nay. Đến ngày 5/7/2010, Giám đốc ĐHQGHN đã ký QĐ số 1980/QĐ-TCCB về việc đổi tên Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục thành Viện ĐBCLGD. Như vậy, có thể nói, Viện ĐBCLGD đã có 25 năm hình thành và phát triển với 1 lần được đổi tên.
Các thế hệ lãnh đạo của Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục qua các thời kì (từ trái qua): GS.VS Đào Trọng Thi, GS.TS Nguyễn Đức Chính, PGS.TS Nguyễn Phương Nga, GS.TS Nguyễn Quý Thanh và TS. Nghiêm Xuân Huy.
- Chất lượng để phát triển
Trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo, với sự tham gia của những nhà khoa học, nhà quản lý hàng đầu, có uy tín cao của ĐHQGHN như GS.VS Đào Trọng Thi, PGS.TS Nguyễn Đức Chính, PGS.TS Lê Đức Ngọc, PGS.TS Nguyễn Phương Nga, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, … Viện ĐBCLGD đã không ngừng lớn mạnh và từng bước tạo lập được danh tiếng, uy tín cao trong hệ thống giáo dục đại học về các lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục, đo lường, đánh giá trong giáo dục, quản trị đại học và xếp hạng đại học. Với khẩu hiệu hành động “Chất lượng để phát triển”, Viện ĐBCLGD đã đạt được những kết quả và thành tích quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ĐHQGHN nói riêng và hệ thống giáo dục đại học nói chung.
Trong công tác đảm bảo chất lượng, Viện đã có nhiều sáng kiến, thực hiện nhiều nghiên cứu có giá trị tham mưu cho Ban Giám đốc ĐHQGHN làm căn cứ ra quyết định, hình thành được văn hóa chất lượng của ĐHQGHN, thiết lập các điều kiện để hệ thống ĐBCL của ĐHQGHN vận hành thông suốt, hiệu quả cao từ cấp ĐHQGHN xuống các đơn vị thành viên. Cho tới nay, thông qua sự điều phối của Viện, ĐHQGHN đã kiểm định được 32 CTĐT theo chuẩn của AUN-QA, 11 CTĐT theo chuẩn quốc gia Việt Nam. Đặc biệt, 6/7 trường đại học thành viên của ĐHQGHN đã được kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục, trong đó Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là đơn vị đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á thực hiện kiểm định cấp cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn chất lượng AUN-QA.
Trong công tác tuyển sinh, thông qua việc triển khai Đề án Đổi mới tuyển sinh tại ĐHQGHN, Viện ĐBCLGD đã góp phần hiệu quả giúp ĐHQGHN và sau này là Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đổi mới tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh đại diện Viện ĐBCLGD bàn giao Bộ khung chỉ số đánh giá hoạt động đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức cho Đại diện Bộ Nội Vụ.
- Xây dựng các bộ công cụ đánh giá chất lượng
Trong vai trò là đơn vị đầu mối quản lý dữ liệu quản trị đại học, xếp hạng đại học và triển khai hoạt động đánh giá chất lượng thông qua phản hồi của các bên liên quan, Viện ĐBCLGD đã xây dựng các bộ công cụ đánh giá chất lượng và tham mưu cho Ban Giám đốc chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo và nghiên cứu tại ĐHQGHN. Các sản phẩm tiêu biểu đã và đang được sử dụng thường xuyên tại ĐHQGHN là: Bộ tiêu chí đại học định hướng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN; Bộ công cụ khảo sát phản hồi của các bên liên quan về chất lượng đào tạo và hoạt động tổ chức đào tạo tại các đơn vị thuộc ĐHQGHN.
Từ năm 2008 đến nay, Viện đã nỗ lực thực hiện xuất sắc nhiệm vụ điều phối công tác xếp hạng của ĐHQGHN, góp phần đưa ĐHQGHN với vai trò là nòng cột của GDĐH VN và tiên phong trong mọi hoạt động, có thứ hạng số 1 ở Việt Nam và tăng dần thứ hạng trong nhiều bảng xếp hạng đại học quốc tế; góp phần giúp ĐHQGHN trong việc khẳng định danh tiếng trên bản đồ giáo dục khu vực và thế giới. Đến nay, ĐHQGHN đã ổn định vị trí trong nhóm 1000 các trường ĐH hàng đầu thế giới với xu thế ngày càng vươn cao ở những Bảng xếp hạng uy tín nhất (QS và THE).
Đặc biệt, gần đây, ĐHQGHN đã lọt vào nhóm 101-150 các trường đại học trẻ tuổi (dưới 50 năm thành lập) có chất lượng hàng đầu thế giới của Bảng xếp hạng QS. Những kết quả này không chỉ là niềm tự hào của riêng ĐHQGHN mà còn góp phần nâng cao vị thế, uy tín của giáo dục đại học Việt Nam nói chung trong tương quan khu vực và thế giới.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn KIm Sơn trao quyết định thành lập Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy cho TS. Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện ĐBCLGD kiêm Giám đốc Trung tâm
- Hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới giảng dạy
Từ góc độ đảm bảo chất lượng giảng dạy, học tập, Viện ĐBCLGD đã thể hiện được vai trò quan trọng trong công tác hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới giảng dạy, từng bước hiện thực hóa triết lý “cá thể hóa giáo dục” mà lãnh đạo ĐHQGHN đã đặt ra. Sự ra đời của Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy trực thuộc Viện cho thấy sự tin tưởng của lãnh đạo ĐHQGHN đối với Viện trong các nhiệm vụ và định hướng hoạt động liên quan đến nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên, phát triển và phổ biến công nghệ giáo dục cho các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN.
Sau gần 1 năm thành lập, Trung tâm đã thực hiện hàng chục khóa tập huấn, tọa đàm về phương pháp giảng dạy và công nghệ giáo dục cho hơn 1000 giảng viên, tổ chức được 02 hội thảo khoa học về đổi mới giảng dạy, xây dựng được 01 cuốn sách hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, biên soạn nhiều tài liệu hướng dẫn đổi mới giảng dạy cho giảng viên, tuyển chọn và dịch thuật hàng trăm tài liệu về phương pháp giảng dạy và công nghệ giáo dục để công bố trên website.
Đặc biệt, Trung tâm đã hình thành được mạng lưới cộng tác viên gồm các giảng viên đầy nhiệt huyến, tinh thần đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy đến từ các đơn vị thuộc ĐHQGHN. Có thể nói, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy đang trở thành điểm đến, nơi lan tỏa tinh thần đổi mới giảng dạy mạnh mẽ trong giảng viên toàn ĐHQGHN.
AUN-QA, đối tác thường xuyên của Viện ĐBCLGD
- Uy tín ngày càng nâng cao
Là một tổ chức khoa học và công nghệ có uy tín trong lĩnh vực khoa học giáo dục, quản trị đại học, đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, Viện ĐBCLGD ngày càng được các đối tác trong nước tin cậy và kết nối hợp tác. Rất nhiều kết quả nghiên cứu khoa học của Viện đã được chuyển giao, ứng dụng. Tiêu biểu là Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các chương trình giáo dục đại học của Việt Nam (tham mưu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện được sử dụng đại trà trong cả nước); Khung chỉ số đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức (tham mưu cho cho Bộ Nội vụ); Cẩm nang Ứng dụng Công nghệ thông tin trong giảng dạy, …
Gần đây nhất, năm 2019, Viện ĐBCLGD đã đấu thầu và trúng thầu Nhiệm vụ cấp quốc gia về Kiểm đếm chỉ số giải ngân (DLIs) thuộc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là ETEP). Kết quả triển khai nhiệm vụ được Ngân hàng Thế giới, BQL Chương trình ETEP ghi nhận, đánh giá tốt, nâng được uy tín của Viện và sự tin tưởng của Ngân hàng thế giới, BQL Chương trình ETEP cũng như các đối tác là các trường sư phạm và học viện – nơi Viện đến làm việc.
Trong những năm qua, Viện đã tổ chức triển khai được 65 đề tài các cấp, trong đó có 3 đề tài cấp Nhà nước, 02 đề án trọng điểm cấp ĐHQGHN, 05 đề tài cấp ĐHQGHN, tổ chức trên 55 hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế. Theo đó, cán bộ của Viện đã công bố được 350 bài báo trong nước và quốc tế, xuất bản được 9 sách chuyên khảo, trong đó có 8 chuyên khảo về các vấn đề đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, kiểm tra đánh giá giáo dục, 1 sách về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đại học.
Ngoài việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, Viện ĐBCLGD còn là địa chỉ đáng tin cậy trong công tác tư vấn cho các cơ sở giáo dục trong cả nước về xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, tự đánh giá và xây dựng báo cáo phục vụ kiểm định chất lượng, xây dựng và phát triển Chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, quản trị đại học và xếp hạng đại học … Hằng năm, trung bình Viện triển khai khoảng 10-15 đợt tập huấn chuyên đề, 05 đợt tư vấn, hỗ trợ cho các trường đại học trong và ngoài ĐHQGHN về các lĩnh vực đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, đo lường, đánh giá trong giáo dục, quản trị và xếp hạng đại học… Hệ thống đối tác của Viện là các cơ quan bộ ngành, các trường đại học và các tổ chức trải dài từ Bắc vào Nam.
Bên cạnh đó, Viện cũng tích cực tìm kiếm các đối tác quốc tế cũng như tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế. Viện là thành viên của nhiều tổ chức về ĐBCL trong khu vực và quốc tế như Mạng lưới các tổ chức ĐBCL giáo dục đại học châu Á TBD (INQAAHE); thành viên chủ chốt của bộ phận ĐBCL của Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN-QA); thành viên Việt Nam trong Mạng lưới chất lượng các nước Châu Á – Thái Bình Dương (APQN).
Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu, Viện cũng tích cực tham gia hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng và đo lường, đánh giá trong giáo dục. Tính đến năm 2020, Viện đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo được 9 khoá đào tạo ThS và 2 khóa đào tạo TS với 188 học viên đã bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp và nhận bằng thạc sĩ; 10 NCS đã bảo vệ thành công luận án cấp ĐHQG. Hiện tại, Viện đã phối hợp với Trường ĐH Giáo dục ĐHQGHN thành lập đơn vị đào tạo phối thuộc là Khoa Quản trị chất lượng, đặt tại Trường ĐH Giáo dục. Tới nay, Khoa Quản trị chất lượng đã triển khai tuyển sinh ở cả 3 cấp học là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.
Trên chặng đường 25 năm đã qua, Viện ĐBCLGD ngày càng đi vào ổn định và phát triển. Sự vững vàng về năng lực chuyên môn và chất lượng đội ngũ của Viện là nền tảng cho sự ra đời của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục đầu tiên của Việt Nam (do Bộ GD & ĐT thành lập) và sau đó là sự ra đời của Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN. Đến năm 2019, ĐHQGHN tiếp tục thành lập Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy trực thuộc Viện, nhằm thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới không ngừng và đảm bảo chất lượng hoạt động giảng dạy trong toàn ĐHQGHN.
Tuy có sự biến động liên tục về tổ chức trong thời gian gần đây, nhưng Viện ĐBCLGD vẫn phát triển ổn định, ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng trong hệ thống các đơn vị thành viên thuộc ĐHQGHN và hệ thống giáo dục đại học nói chung. Viện đã tạo lập được một không gian làm việc tươi mới, đoàn kết, nơi mỗi cá nhân luôn tìm thấy động lực làm việc, cống hiến vì sự phát triển chung. Đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, viên chức, và người lao động của Viện ngày càng được nâng cao.
Tập thể Viện ĐBCLGD hiện nay
VNU media -VNU INFEQA