Ngày 13/1/2022, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHQGHN đã tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức, người lao động và tổng kết năm 2021.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

INFEQA HNTK 3

Phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHQGHN Nghiêm Xuân Huy đã trình bày những kết quả Viện đã đạt được cũng như các tồn tại trong năm 2021 và kế hoạch nhiệm vụ của năm 2022. Theo đó, Viện tiếp tục triển khai hoạt động điều phối để ĐHQGHN thực hiện kiểm định chất lượng 04 chương trình đào tạo (CTĐT) đại học theo tiêu chuẩn của AUN-QA bằng hình thức trực tuyến; 04 CTĐT được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; hỗ trợ để 02 trường đại học thành viên hoàn thành đánh giá ngoài cơ sở giáo dục đại học; triển khai đánh giá đồng cấp 04 CTĐT.

HNTK 1

Bên cạnh đó, Viện cũng hoàn thành tốt công tác điều phối xếp hạng trong toàn ĐHQGHN góp phần để ĐHQGHN có thứ hạng tốt trong các bảng xếp hạng đại học thế giới: lần thứ tư liên tiếp ĐHQGHN có mặt trong top 801-100 của Bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học thế giới của QS (QS WUR 2022); xếp hạng vị trí trong nhóm 251-300 trong Bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học thế giới của Times Higher Education (THE AUR 2021), tiếp tục duy trì vị thế đứng đầu ở Việt Nam với tổng số điểm cao nhất trong số ba cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; là 1 trong 2 cơ sở giáo dục đứng đầu ở Việt Nam trong Bảng xếp hạng Impact Rankings của Times Higher Education; tiếp tục duy trì vị trí số 1 Việt Nam và trong nhóm 1000 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất trong Xếp hạng Webometrics.

Được Giám đốc ĐHQGHN giao nhiệm vụ, Viện ĐBCLGD đã xây dựng đề án, tổ chức sự kiện ra mắt Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp. Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp hướng tới tạo lập và phát triển nền tảng để thúc đẩy văn hóa chất lượng của các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam, hoạt động trên cơ sở 4 trục nội dung chính gồm: Đảm bảo chất lượng, Kiểm định chất lượng, Xếp hạng và đối sánh chất lượng giáo dục và Quản trị trường học.

Viện đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục trong bối cảnh tự chủ đại học” và nhiều hoạt động khoa học công nghệ khác.

Viện đã xây dựng, triển khai chương trình tập huấn “Phương pháp giảng dạy mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cho giảng viên ĐHQGHN” nhằm góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học cho giảng viên và giáo viên tại các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN, thực hiện triết lý cá thể hóa trong hoạt động dạy học – triết lý giáo dục cốt lõi và nền tảng được ĐHQGHN xác định nhằm đổi mới toàn diện hoạt động dạy học trong giai đoạn 2019 – 2025. Chương trình đã cung cấp cho giảng viên, giáo viên các kiến thức và kỹ năng nền tảng về dạy học trực tuyến (Online Learning) và dạy học kết hợp (Blended Learning), nhờ đó nâng cao năng lực giảng dạy và sự sẵn sàng cho các hoạt động đổi mới giảng dạy.

Viện đã hoàn thành việc triển khai xây dựng, quản lý, vận hành chuyển giao công nghệ cho các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN đối với hệ thống đào tạo trực tuyến VNU LMS (từ 9/2020 – nay). Hoạt động trên nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 và năm 2021 của ĐHQGHN về đổi mới hoạt động đào tạo theo hướng cá thể hóa và số hóa, phát triển hạ tầng thông tin, làm nền tảng xây dựng đại học số hóa và đổi mới sáng tạo. 

Năm 2021, Viện đã tổ chức 10 khóa tập huấn liên quan đến tự đánh giá và viết báo cáo tự đánh giá cấp chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo và AUN-QA; Tự đánh giá và viết báo cáo tự đánh giá cấp chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo và AUN-QA; Kỹ năng xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra và đề cương học phần phù hợp với yêu cầu kiểm định chất lượng và kỹ năng xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra và đề cương học phần phù hợp với yêu cầu kiểm định chất lượng.

Viện trưởng Nghiêm Xuân Huy cho biết, trong năm 2022 Viện tập trung để gia tăng đột phá số lượng các CTĐT được kiểm định chất lượng trong đó tập trung vào các nội dung sau: Phân loại, xây dựng kế hoạch kiểm định theo hướng gắn với Nghị định 81; Xây dựng danh mục các ngành cần kiểm định ngay (đầu vào cao; liên kết quốc tế) ở tất cả các đơn vị; Xây dựng Kế hoạch kiểm định theo số lượng lớn (liên kết với nhiều Trung tâm Kiểm định); Công bố, vận hành dashboard về đảm bảo chất lượng, ...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải ghi nhận và biểu dương nỗ lực của tập thể cán bộ Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục đạt được trong năm qua, Ông chỉ rõ, công tác KĐCLGD mới chú trọng đến việc đạt chứng chỉ kiểm định chất lượng giáo dục; chưa chú trọng tới hoạt động hậu kiểm định chất lượng, cải tiến chất lượng.

Số lượng công trình khoa học công bố trong nước và quốc tế của cán bộ thuộc Viện đã cải thiện hơn so với những năm trước, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm lực của đơn vị. Hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy mới chỉ gắn với đào tạo, chưa có các hoạt động gắn với nghiên cứu khoa học.

Phó Giám đốc ĐHQGHN yêu cầu năm 2022, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục cần tập trung rà soát, ban hành các văn bản quản lý, điều hành của Viện khi Chính phủ ban hành Nghị định và Quy chế mới về Đại học Quốc gia; Công tác Đảm bảo chất lượng, xếp hạng gắn với phân loại, xây dựng kế hoạch kiểm định theo hướng gắn với Nghị định 81; Cần tập trung xây dựng thêm những chương trình, dự án nghiên cứu KH&CN lớn mang tầm quốc gia, quốc tế, chất lượng cao dựa trên thế mạnh của đơn vị, qua đó tạo ra các sản phẩm đặc trưng; đồng thời tăng cường đấu thầu và triển khai các đề tài, dự án hợp tác với các bộ ngành, địa phương.

Trong khuôn khổ của Hội nghị, các đại biểu đã nghe và thảo luận về các nội dung báo cáo và thông qua nghị quyết Hội nghị.

Một số hình ảnh của hội nghị:

INFEQA HNTK 7

 

INFEQA HNTK 6

 

INFEQA HNTK 4

 

INFEQA HNTK 5

 

INFEQA HNTK 1

 

Theo VNU Media -Infeqa

Số lượt truy cập

  • Số lượt xem 485505