Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức đã dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng, các Ban chức năng của ĐHQGHN và toàn thể cán bộ viên chức, người lao động của Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (Viện ĐBCLGD).
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức phát biểu tại hội nghị
Theo báo cáo tổng kết của Viện ĐBCLGD, về công tác đảm bảo chất lượng, năm 2018, ĐHQGHN có 06 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn của AUN-QA và 05 chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trên cơ sở tình hình triển khai đào tạo thực tế tại các đơn vị đào tạo thành viên và trực thuộc, Viện ĐBCLGD đã chủ động nghiên cứu, điều chỉnh 03 bộ công cụ đánh giá chất lượng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá nói riêng, hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong nói chung.
Bên cạnh đó, để góp phần nâng cao vị thế và uy tín của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, Viện ĐBCLGD tích cực mở rộng hỗ trợ, tư vấn đảm bảo chất lượng, xây dựng văn hóa chất lượng cho các trường đại học trong nước như Trường ĐH Nội vụ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Tây Đô, Học viện Phụ nữ…
Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức tặng Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN cho tập thể Viện ĐBCLGD
Kiểm định chất lượng giáo dục đã trở thành xu thế tất yếu không chỉ ở các nước phát triển mà còn là xu thế ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. ĐHQGHN luôn khẳng định vai trò quan trọng của kiểm định chất lượng giáo dục, đảm bảo chất lượng giáo dục. Mục tiêu đến năm 2020, đa số chương trình đào tạo cử nhân được đánh giá và kiểm định chất lượng, giúp duy trì và tăng hạng ĐHQGHN trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế. Đồng thời thúc đẩy văn hóa chất lượng trong toàn ĐHQGHN và lan tỏa đến các cơ sở giáo dục của Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức ghi nhận và biểu dương nỗ lực của tập thể cán bộ Viện ĐBCLGD trong việc điều phối, triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng, góp phần tăng hạng ĐHQGHN trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế.
Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh, trong thời gian tới, Viện cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN, cũng như chuẩn quốc gia; Tăng cường các hoạt động mang tính nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác đảm bảo chất lượng; Tiếp tục cải tiến, hoàn thiện đồng bộ các lĩnh vực chưa đạt chuẩn, tiếp tục thực hiện các nội dung hậu kiểm định.
Đặc biệt, Viện cần quan tâm đến vấn đề quản lý chất lượng của các chương trình đào tạo sau đại học nhìn từ góc độ của công tác đảm bảo chất lượng, đồng thời khảo sát học viên cao học, nghiên cứu sinh đã và đang học để có những giải pháp điều chỉnh kịp thời.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc yêu cầu các đơn vị tiếp tục bố trí nguồn lực để thực hiện các kế hoạch về đảm bảo chất lượng đã đề ra; Cải tiến đảm bảo chất lượng để phù hợp với thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đó là đổi mới sáng tạo trong giáo dục.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại hội nghị
Năm 2018, lần đầu tiên, Việt Nam có hai đại diện vào top 1000 đại học hàng đầu thế giới là ĐHQGHN và ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh theo kết quả của Tổ chức xếp hạng QS. Trong đó, ĐHQGHN thuộc nhóm 801 – 1000. Riêng hai tiêu chí về đánh giá của các nhà tuyển dụng và tỷ lệ giảng viên/sinh viên, ĐHQGHN nằm trong top 500. Cũng theo bảng xếp hạng này, ĐHQGHN xếp thứ 1 Việt Nam và ở vị trí 124 đại học hàng đầu châu Á, tăng 15 bậc so với năm 2017. |
VNU Media - INFEQA