Viện ĐBCLGD - Kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam: Hệ thống các chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật


 

"

Cuốn sách “Kiểm định chất lượng ở Việt Nam: Hệ thống văn bản pháp luật”được tổng hợp và biên soạn với hai mục đích: (1). là một giáo trình trong bộ giáo trình giảng dạy môn học “Quản lý và Kiểm định chất lượng” trong Chương trình đào tạo thạc sỹ chuyên ngành Đo lường và Đánh giá trong Giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội; (2). là cẩm nang đối với các nhà quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục, các cơ sở giáo dục, các giáo viên và giảng viên và những độc giả quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Cuốn sách được tổng hợp và biên soạn với những đóng góp quý báu của TS. Phạm Xuân Thanh, Phó Cục Trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo dục Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XXI đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn. Đó là sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, sự giao lưu và hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Các hiện tượng giáo dục xuyên biên giới và huy động lực lượng lao động xuyên biên giới đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến triết lý giáo dục, cơ chế quản lý và công tác điều hành các cơ sở giáo dục của Việt Nam, nói riêng, và các nước trên thế giới, nói chung. Nhu cầu học tập trong nước tăng nhanh, thị trường lao động ngày càng khắt khe đòi hỏi giáo dục Việt Nam phải tăng qui mô, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo; phải vươn lên tầm cao mới để đáp ứng yêu cầu sử dụng nhân lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh các chủ trương và biện pháp quan trọng về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường năng lực quản lý, giảng dạy, tăng cường cơ sở vật chất... Nhà Nước đã chủ trương lựa chọn kiểm định chất lượng làm công cụ duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Năm 2005, lần đầu tiên khái niệm “kiểm định chất lượng” được đưa vào Luật Giáo dục: “Kiểm định chất lượng giáo dục là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện định kỳ trong phạm vi cả nước và đối với từng cơ sở giáo dục. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục được công bố công khai để xã hội biết và giám sát” (Trích Điều 17, Luật Giáo dục ViệtNam). Tiếp đó, Nghị định số 75/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 02/08/2006 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đã dành toàn bộ Chương VII để hướng dẫn về công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

Hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam đang từng bước được hình thành. Năm 2003, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo), đã được thành lập, được giao nhiệm vụ xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và giúp Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo công tác kiểm định chất lượng giáo dục trong cả nước. Tháng 12/2004, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT ban hành Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng các trường đại học, trong đó có bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các trường đại học với 10 tiêu chuẩn bao gồm 53 tiêu chí. Vào những năm sau, BộGD&ĐT đã ban hành các quy định và hướng dẫn về công tác kiểm định chất lượng giáo dục cho tất cả các cấp học, tạo hành lang pháp lý cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục phát triển bền vững ở Việt Nam.

Việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật về kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện trên nền tảng cơ sở của luận cứ khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục và các công trình nghiên cứu về đo lường đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục, có tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến, có hệ thống kiểm định chất lượng lâu đời, và được vận dụng thích hợp vào hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam. Với các công cụ pháp lý này, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đã được triển khai cho tất cả các cấp học, từ các trường tiểu học đến các trường đại học trong cả nước và đã tạo ra những tác động tích cực trong công tác quản lý tại các trường học nói chung; đối với các trường đại học nói riêng, công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học đã có những thay đổi khả quan: người học trực tiếp tham gia vào quá trình đánh giá chất lượng đào tạo; nghiên cứu khoa học là yêu cầu bắt buộc đối với từng giảng viên. Hệ thống đảm bảo chất lượng trong của các cơ sở giáo dục (đặc biệt là các trường đại học) đã được hình thành và phát triển, đóng góp vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường. Đến nay, trên 60% tổng số trường đại học trong cả nước đã có trung tâm hoặc đơn vị chuyên trách về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục, trên 95% số trường đại học, cao đẳng trong cả nước đang triển khai tự đánh giá theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của Bộ GD&ĐT; 40 trường đại học đã được đánh giá ngoài và 20 trường đại học đã được Hội đồng Quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định kết quả tự đánh giá và kết quả đánh giá ngoài.

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, đến hết năm 2010 phấn đấu 80% tổng số trường đại học, 50% số trường cao đẳng và 30% số trường trung cấp chuyên nghiệp được kiểm định chất lượng và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Cuốn sách này được chia làm ba Phần: Phần I giới thiệu vài nét về sự hình thành hệ thống đảm bảo chất lượng tại Việt Nam, Phần II bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam tính đến hết năm 2009, Phần III mô tả sơ lược về hệ thống đảm bảo chất lượng và các văn bản do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành về công tác đảm bảo chất lượng nói chung và kiểm định chất lượng nói riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với hy vọng cuốn sách sẽ góp phần tích cực vào việc triển khai hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để giáo dục và đào tạo thực sự là “quốc sách hàng đầu”./.

"

Nội dung liên quan

Số lượt truy cập

Số lần xem các bài viết
439609