“Đổi mới giảng dạy sử dụng Game mô phỏng” là tọa đàm đầu tiên nằm trong chuỗi tạo đàm về phương pháp giảng dạy do Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy trực thuộc Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN tổ chức vào ngày 24/10/2019

Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN Trần Thị Hoài phát biểu tại tọa đàm

          Trần Thị Hoài – Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục cho biết,nhằm kiến tạo môi trường đào tạo tích cực và nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên, thực hiện kế hoạch đổi mới hoạt động giảng dạy tại ĐHQGHN giai đoạn 2019 - 2025, Trung tâm Hỗ trợ Giảng dạy sẽ tổ chức chuỗi tọa đàm về đổi mới phương pháp giảng dạy đại học với mong muốn chia sẻ, thúc đẩy và truyền cảm hứng tới các giảng viên trong ĐHQGHN, tăng cường sự kết nối và hợp tác của giảng viên trong cộng đồng giảng viên đổi mới sáng tạo.

        Với hướng tiếp cận ứng dụng Game mô phỏng trong giảng dạy về tài chính cá nhân áp dụng cho các đối tượng khác nhau, 3 giảng viên của Trường ĐH  Kinh tế, ĐHQGHN, thành viên của Mạng lưới Tài chính cá nhân Việt Nam là TS. Đinh Thị Thanh Vân, TS. Hoàng Thị Bảo Thoa và TS. Trịnh Thị Phan Lan đã sáng tạo và phát triển thành công hai sản phẩm board game “Gia đình thịnh vượng” và “Đường đua tài chính”, trong đó board game “Gia đình thịnh vượng” là sản phẩm đang được nhóm giảng viên sử dụng rất hiệu quả để hỗ trợ các hoạt động giảng dạy cho sinh viên tại Khoa Tài chính ngân hàng – Trường ĐH Kinh tế.

Các diễn giả từ Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN

             Tại buổi tọa đàm, các giảng viên đã giới thiệu về lịch sử và lợi ích sử dụng game trong giáo dục đại học; những kinh nghiệm thiết kế và sử dụng game trong giảng dạy tại Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN.

            Đinh Thị Thanh Vân, Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế, Phụ trách Mạng lưới TCCN Việt Nam chia sẻ, dự án xây dựng game mô phỏng là một chương trình nằm trong chuỗi hoạt động đào tạo của Mạng lưới TCCN Việt Nam, xuất phát từ chính những khó khăn, thực tế phát sinh trong khi đi đào tạo cho sinh viên và trẻ em về tài chính cá nhân. Sinh viên thường trở nên thụ động và chán nản với 15 tuần học dài và các bé thì càng không có kiên nhẫn để ngồi lâu nghe các thầy cô giảng dạy. Các lớp học giảng dạy về tài chính cá nhân chưa thực sự hiệu quả, giúp tăng cường kỹ năng quản lý tài chính của người học. Giảng viên khó minh họa thực tiễn các quyết định quản lý tài chính trong gia đình có ảnh hưởng tới tương lai ra sao.

           Với những trăn trở này, 3 giảng viên trong nhóm đã kiên trì trong gần 6 tháng để cho ra đời 2 trò chơi board game mô phỏng các hoạt động tài chính của gia đình. Khi chơi game, người học được thực hành quản lý tài chính của mình như tạo thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư, trao tặng, mua bảo hiểm... và phải đưa ra các quyết định tài chính có thể ảnh hưởng tới tương lai tài chính của gia đình ở cuối vòng chơi. Qua chơi, người học có thể rút ra các bài học, đánh giá được các cơ hội và rủi ro, có chiến lược quản lý tài chính sao cho hiệu quả nhất.

Bảng game mô phỏng Đường đua tài chính và Gia đình thịnh vượng

           Sau khi đưa game mô phỏng vào giảng dạy thực tiễn, nhóm đã có những phản hồi hết sức tích cực. Một số giảng viên tại các trường đại học khác cũng muốn sử dụng bộ game mô phỏng để giảng dạy cho sinh viên và có mời nhóm trao đổi chia sẻ kinh nghiệm. Sinh viên cũng yêu thích và rất muốn sở hữu bộ game để có thể chơi cùng nhau sau giờ học. Nhiều gia đình cũng muốn sở hữu bộ board game trẻ em để chơi và dạy trẻ nhỏ về tài chính. Chơi board game là hình thức giúp trẻ em, gia đình, sinh viên có các hoạt động gắn kết, học mà chơi, chơi mà học tránh dán mắt vào các màn hình iphone, ipad, và ti vi. Đáp ứng nhu cầu này, nhóm đã làm việc với công ty sản xuất game và sẽ ra mắt các bộ sản phẩm hướng dẫn giảng dạy bằng board game của mình, bộ game sử dụng cho gia đình trong thời gian tới.

         Cần xác định đối tượng và mục tiêu rõ ràng trước khi bắt tay vào thiết kế, ứng dụng tư duy thiết kế trong quy trình làm game, không ngại thất bại và không ngại làm lại… là những kinh nghiệm mà nhóm các giảng viên Trường ĐH Kinh tế chia sẻ để thiết kế trò chơi trong giảng dạy thành công.

         Nhân dịp này, gần 60 giảng viên trong toàn ĐHQGHN tham dự tọa đàm đã có cơ hội trải nghiệm game mô phỏng “Gia đình thịnh vượng” trong giảng dạy môn học Tài chính cá nhân cũng như được giới thiệu về Đề án phát triển game mô phỏng trong giảng dạy của ĐHQGHN.

Các đại biểu trải nghiệm game mô phỏng Gia đình thịnh vượng

 

Theo VNU Media

 

Số lượt truy cập

  • Số lượt xem 485677