"

Tham dự phiên họp có ông Phạm Xuân Thanh – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chủ tịch Hội đồng ĐBCL ĐHQGHN Mai Trọng Nhuận; Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng ĐBCL, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn; Phó Chủ tịch Hội đồng ĐBCL, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức cùng Phó Chủ tịch Hội đồng ĐBCL, Viện trưởng Viện ĐBCLGD Nguyễn Quý Thanh chủ tọa phiên họp.

Ngoài ra còn có các thành viên thuộc Hội đồng ĐBCL, đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc, Trung tâm, Bộ phận ĐBCL các đơn vị trong toàn ĐHQGHN.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Kể từ khi có sự điều chỉnh, Hội đồng ĐBCL ĐHQGHN đã đưa ra nhiều nội dung thảo luận có giá trị. Chủ đề của phiên họp lần này cũng mang tính thời sự và đang rất được xã hội quan tâm: Các giải pháp đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo thạc sĩ trong ĐHQGHN”. Phó Giám đốc yêu cầu các thành viên Hội đồng “nhận diện thật rõ, thật trúng các vấn đề, các thách thức lớn nhất của đào tạo thạc sĩ trong ĐHQGHN hiện nay là gì; Các kinh nghiệm quốc tế và trong nước nào có thể áp dụng phù hợp với ĐHQGHN; cần những quy trình ĐBCL và công cụ đặc biệt nào, cơ chế gì để có thể khắc phục được các tồn tại đó, tận dụng được các lợi thế của ĐHQGHN, biến các thách thức thành các cơ hội nhằm không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ trong ĐHQGHN, đáp ứng nhu cầu xã hội.”

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Hội đồng ĐBCL ĐHQGHN Mai Trọng Nhuận cho rằng Chính phủ đang có chủ trương phát triển mạnh đào tạo sau đại học, nhưng có một thực tế là chất lượng đào tạo đang bị đe dọa bởi số lượng các chương trình đào tạo quá lớn.

“Vào cuối năm nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ đi vào hoạt động nên rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao do ĐHQGHN đào tạo để tăng sức cạnh tranh trong khu vực khi Việt Nam hội nhập quốc tế. Do vậy, có thể nói đào tạo thạc sĩ đang là câu chuyện lớn của Việt Nam chứ không phải của riêng ĐHQGHN. Chúng ta cần quan tâm hơn nữa tới các giải pháp nâng cao chương trình đào tạo, tiếp cận theo hướng quản trị đầu ra chứ không nên bắt đầu bằng việc quản trị quy trình”, Chủ tịch Hội đồng Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Thường trực Hội đồng Đảm bảo Chất lượng ĐHQGHN trình bày báo cáo đề dẫn “Các giải pháp đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo thạc sĩ trong ĐHQGHN”.

Theo báo cáo, ĐHQGHN với tầm nhìn chiến lược phát triển để trở thành đại học định hướng nghiên cứu đang ngày càng mở rộng quy mô đào tạo sau đại học. Hiện ĐHQGHN đang có 123 CTĐT thạc sĩ, chiếm 35% tổng số CTĐT. Theo quy hoạch ngành/chuyên ngành đào tạo giai đoạn 2014 – 2020 thì tỉ lệ các CTĐT thạc sĩ sẽ còn tăng cao hơn nữa, dự kiến chiếm 40% vào năm 2020. Để phù hợp hơn với tình hình mới, năm 2014, ĐHQGHN cũng đã ban hành Quy chế đào tạo thạc sĩ với nhiều điểm mới đáng chú ý.

Các thành viên Hội đồng và các đại biểu đã chia nhóm thảo luận sâu về các nhóm giải pháp như rà soát, điều chỉnh, cập nhật chuẩn đầu ra các CTĐT sao cho bám sát với nhu cầu thị trường lao động và phù hợp với nhu cầu của người học; đảm bảo chất lượng (ĐBCL) đầu vào gồm cả chất lượng học viên nhập học, đội ngũ giảng viên, đội ngũ cán bộ hỗ trợ và cơ sở vật chất, trang thiết bị; kiểm tra, giám sát quá trình đào tạovà chất lượngđầu ra. Một số giải pháp cụ thể là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tăng cường cơ sở vật chất và nguồn học liệu đáp ứng nhu cầu CTĐT; mở rộng các hình thức và hoạt động học tập của người học; tăng cường các hoạt động thực tế thực hành, các hoạt động chuyên môn và nghiên cứu khoa học, v.v.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Hội đồng ĐBCL Mai Trọng Nhuận khẳng định, mục tiêu chung của các chương trình đào tạo là giúp cho học viên bổ sung, cập nhật và nâng cao kiến thức ngành, chuyên ngành, tăng cường kiến thức liên ngành, có kiến thức chuyên sâu trong một lĩnh vực khoa học chuyên ngành hoặc kỹ năng vận dụng kiến thức đó vào hoạt động thực tiễn nghề nghiệp; có khả năng làm việc độc lập, tư duy sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc ngành, chuyên ngành được đào tạo.

“Nếu quan niệm rằng chất lượng trong giáo dục là sự đáp ứng mục tiêu thì có thể nói một cách khái quát rằng một CTĐT thạc sĩ có chất lượng là chương trình đạt được mục tiêu và sản phẩm của CTĐT là người học tốt nghiệp phải đạt được các kĩ năng và năng lực kể trên”. Chủ tịch Hội đồng ĐBCL Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh

Hội đồng xác định trong số các giải pháp được thảo luận, hai nhóm giải pháp đột phá được xác định là phát triển đội ngũ và tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát, không chỉ với người học mà còn với giảng viên. Trên cơ sở các kết quả thảo luận, Hội đồng sẽ hoàn thiện bản kiến nghị chi tiết để trình Ban Giám đốc xem xét.

"

Số lượt truy cập

  • Số lượt xem 486603