Đó là chủ đề của tọa đàm được Trung tâm Hỗ trợ Giảng dạy, ĐHQGHN tổ chức dưới hình thức trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia PGS.TS Trần Thành Nam, PGS.TS Phạm Kim Chung, TS.Nghiêm Xuân Huy và MC Thảo Vân cùng hàng trăm giảng viên, sinh viên đến từ ĐHQGHN.
Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho sinh viên trở lại trường học tập trực tiếp từ học kỳ 2 năm học 2021-2022 đang diễn ra khẩn trương tại các đơn vị của ĐHQGHN. Theo kế hoạch, sinh viên, học viên tham gia học tập trực tiếp từ 14/2/2022 và đến 28/2/2022 đạt 100%. Việc chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tuyến hoàn toàn trong học kì 1 năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid sang hình thức trực tiếp/ kết hợp trực tiếp và trực tuyến từ học kì 2 có thể tạo nên những thách thức, đòi hỏi sự thích ứng linh hoạt, nhanh chóng từ phía giảng viên và sinh viên, học viên.
Với mong muốn góp phần chia sẻ, hỗ trợ giảng viên, sinh viên, học viên tại ĐHQGHN có tâm thế sẵn sàng, chủ động hơn trong bối cảnh dạy học mới, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN (CTE) phối hợp với Công đoàn ĐHQGHN tổ chức Tọa đàm “Trở lại trường học sau đại dịch – biến thách thức thành cơ hội”.
Nghiêm Xuân Huy chia sẻ kết quả “Báo cáo kết quả khảo sát mức độ sẵn sàng của người học đối với việc trở lại trường học” do Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy thực hiện giữa tháng 2/2022
Mở đầu toạ đàm, TS. Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN đặt vấn đề các nhà quản lý, giảng viên cần “thấu cảm người học” để giải quyết bài toán đảm bảo chất lượng dạy học khi sinh viên trở lại trường học sau đại dịch. Để tìm hiểu những khó khăn, thách thức cũng như mong muốn của ngưởi học trong học kì tới, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy thực hiện Khảo sát sự sẵn sàng của người học khi quay trở lại học trực tiếp từ giữa tháng 2/2022.
Dữ liệu khảo sát thu được từ 1567 sinh viên đến từ 13 đơn vị khác nhau trong ĐHQGHN cho thấy có 2 luồng đánh giá khác biệt giữa việc muốn được tiếp tục học trực tuyến và quay trở lại học trực tiếp, cụ thể là 56,7% sinh viên cảm thấy bản thân sẽ gặp phải khó khăn khi quay trở lại học trực tiếp với nhiều lý do khác nhau, trong đó khó khăn được nhắc đến nhiều nhất là việc "lo lắng khả năng có thể bị lây nhiễm Covid". Sinh viên cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà trường như: được tạo điều kiện và hỗ trợ trong học tập (26.3%); có quy định và chính sách cụ thể với các sinh viên mắc Covid hoặc có nguy cơ mắc Covid trong quá trình học tập (24.1%); Kiểm soát dịnh bệnh để giảm thiểu nguy cơ mắc Covid (13.1%); Có hoạt động để sinh viên làm quen lại/hòa nhập với môi trường học tập và sinh hoạt (6.1%)…
PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia Tâm lý, chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN đã có cuộc chia sẻ về vấn đề thấu hiểu thầy, thấu cảm trò để dạy tốt - học tốt giúp thầy trò an tâm để trở lại trường học trong mùa dịch.
Chuyên gia Trần Thành Nam cho biết: “Hãy nói với học sinh sinh viên rằng cách thức vượt qua nỗi sợ là đối diện với nó chứ không phải né tránh mãi. Né mãi cũng không phải là giải pháp và thậm chí còn làm chúng ta lo sợ hơn. Hãy giúp các bạn phân biệt được nguy cơ với sắc xuất xảy ra. Ví dụ như nguy cơ tai nạn giao thông lúc nào chẳng có. Nhưng nếu bạn thực hiện đúng các quy định về an toàn thì bạn sẽ giảm thiểu được rất nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Và vì vậy, nhà trường sẽ luôn đồng hành cùng các bạn để bảo vệ bản thân chính mình an toàn khi trở lại trường trong bình thường mới”.
Chuyên gia cũng đã chỉ ra những khó khăn cũng như các vấn đề ảnh hưởng sức khỏe khi học tập và làm việc ở nhà lâu dài như: Thay đổi lịch sinh học, Weekday Saturday (động cơ yếu), cô đơn, mất tập trung, không thực sự kết nối với việc học, bị làm phiền liên tục, mất tập trung, bị phân tán bởi việc nhà khi năng suất nhất, dễ tự thưởng, mải chơi và đặc biệt dễ bị tổn thương sức khỏe tâm thần.
Chuyên gia cũng đưa ra những lời khuyên dưới góc độ khoa học, những chuẩn bị để sinh viên, giảng viên trở lại trường học trong trạng thái bình thường mới như: An tâm về các nguy cơ, An tâm về các hệ thống hỗ trợ, Hiệu quả giáo dục và mục tiêu cho tương lai, Sẵn sàng về sức khỏe và sức khỏe tinh thần, Viễn tượng tích cực về tương lai.
Hiện tại, các giảng đường của ĐHQGHN đã kết hợp với Bệnh viện ĐHQGHN để chuẩn bị đủ các cơ sở thiết yếu để đón sinh viên trở lại trường học an toàn.
Trên cơ sở các trường học yêu cầu dựa trên bằng chứng khoa học để đón sinh viên trở lại như: Toàn bộ giảng viên và nhân viên các trường đã được tiêm các mũi cơ bản; sinh viên hoàn thành tiêm các mũi cơ bản (hỗ trợ tiêm tại trường), phương án đảm bảo giãn cách (học tập, sinh hoạt, ngoại khóa, đời sống), quy trình giảm thiểu nguy cơ, thấu cảm với người học, ý thức được những khó khăn, rào cản khi quay trở lại – CHIA SẺ, nâng cao khả năng phục hồi SV (NC cơ bản, cảm giác thuộc về, xác định lại mục tiêu học tập; phát triển năng lực ứng phó, focus on self), kích hoạt tối đa HT hỗ trợ tâm lý, y tế, nơi ở, tài chính, phương pháp học tập,…
Đặc biệt, thầy Trần Thành Nam đã chia sẻ, gửi tặng các em sinh viên cuốn CẨM NANG CHĂM SÓC SỨC KHOẺ TÂM THẦN CHO SINH VIÊN: https://online.pubhtml5.com/rgef/stte/#p=8
Tọa đàm đã được nghe PGS.TS Phạm Kim Chung, Phó chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục đã trao đổi sâu công tác dạy học kết hợp trong bối cảnh bình thường mới. Sau đại dịch việc dạy học sẽ có những thách thức và cơ hội dạy nhất định, PGS chỉ ra những phương pháp dạy học hiệu quả cho thầy trò nhằm giúp sinh viên thích nghi, lĩnh hội kiến thức một cách hiệu quả. Ông nhấn mạnh dạy học trực tiếp là cơ hội được học một cách toàn diện của sinh viên. Để đảm bảo an toàn cho sinh viên, mỗi người thầy là người truyền cảm hứng, khuyến khích sáng tạo, hứng khởi cho sinh viên, giúp sinh viên cảm thấy được an toàn khi tham gia học trực tiếp trong đại dịch.
Để đảm bảo công tác dạy học vừa trực tiếp vừa trực tiếp cho các tình huống có trường hợp nhiễm Covid-19, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy, Viện Trưởng Viện Đảm Bảo Chất lượng đã có những trao đổi về việc ứng dụng hệ thống quản lý học tập LMS để dạy học linh hoạt và sáng tạo trong dạy học, giúp thầy trò có cái nhìn tổng quan trong phương pháp và công cụ dạy học trong mùa dịch. Mỗi giảng viên cần linh hoạt trong tư duy để có những cách tiếp cận phần mềm tốt nhất, đưa ra nhiều tình huống đều đáp ứng được chương trình học tập kiến thức và trải nghiệm cho sinh viên. TS Nghiêm Xuân Huy cũng nhấn mạnh tính ưu việt của phần mềm LMS, đây là phần mềm được áp dụng rộng rãi trong hoạt động đổi mới giảng dạy của ĐHQGHN.
Phiên Thảo luận nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ phía các giảng viên, từ các vấn đề về chính sách như quy định về quy đổi giờ dạy trực tuyến cho giảng viên, đến các vấn đề giảng viên cần lưu ý để tổ chức dạy học linh hoạt theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp một cách hiệu quả.
ThS. Khoa Anh Việt, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Truyền thông & Học liệu của Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN đã tham gia chia sẻ với các thầy cô và các em sinh viên kinh nghiệm thực tiễn và kết quả áp dụng việc tổ chức dạy học trên hệ thống học tập trực tuyến của ĐHQGHN (VNU LMS).
Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU Center for Teaching Excellence) là kênh chia sẻ các thông tin, người bạn đồng hành cùng giảng viên trên lộ trình đổi mới giảng dạy. Sứ mệnh của Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy là trở thành mắt xích quan trọng kiến tạo môi trường đào tạo tích cực và nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua việc nghiên cứu, phổ biến các phương pháp sư phạm hiện đại, ứng dụng công nghệ giáo dục tiên tiến tại trường đại học; là nơi thúc đẩy và truyền cảm hứng để đội ngũ giảng viên sáng tạo trong phương pháp dạy học, hỗ trợ đội ngũ giảng viên kết nối với cộng đồng học thuật nhằm trao đổi và nâng cao chuyên môn; là đầu mối hỗ trợ, tư vấn phát triển các chương trình đào tạo, triển khai các mô hình giảng dạy, mô hình hỗ trợ sinh viên, nâng cao năng lực và nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên, thúc đẩy sự thay đổi và phát triển môi trường dạy học và nghề nghiệp của giảng viên. Các thông tin Hỗ trợ giảng dạy của Trung tâm được chia sẻ tại Fanpage: https://www.facebook.com/cte.vnu |
Theo VNu-Media