Ngày 25/02/2022, ĐHQGHN phối hợp với Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN) bế mạc phiên đánh giá lần thứ 259 theo tiêu chuẩn AUN-QA đối với 04 chương trình đào tạo của các đơn vị thuộc ĐHQGHN bằng hình thức trực tuyến, sau 05 ngày làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả.

 

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải tham dự cùng đại diện lãnh đạo Trường Đại học Ngoại Ngữ, Trường Đại học Công Nghệ, Trường Đại học Việt Nhật, Khoa Luật và Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN.

 

Đoàn đánh giá của AUN-QA gồm có PGS. TS. Eric Wibisono, Trưởng đoàn và các thành viên của đoàn đánh giá. Đánh giá chương trình đào tạo Cử nhân Ngôn ngữ Nga của Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN có PGS.TS. Nuanthip Kamolvarin (Học viện Hoàng gia Chulabhorn, Thái Lan), Trưởng nhóm, và GS.TS. Corazon L.Abansi (Trường ĐH Philippines); CTĐT cử nhân Kỹ sư Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu của Trường Đại học Công nghệ  PGS.TS. Eric Wibisono (Trường ĐH Surabaya, Indonesia), Trưởng nhóm đồng thời là Trưởng đoàn đánh giá, và GS.TS. Parames Chutima (Trường ĐH Chulalongkorn, Thái Lan); CTĐT Thạc sĩ Luật dân sự và luật tố tụng dân sự của Khoa Luật có GS.TS.-Ing.Ir.,M.Eng Herman Parung (Trường ĐH Indonesia), Trưởng nhóm và PGS. Vong Deuan OSAY (Vụ đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Thể thao, Lào); CTĐT Thạc sĩ Chính sách công của Trường Đại học Việt Nhật có GS.TS. Marilou G.Nicolas (Trường ĐH Philipines), Trưởng nhóm, và TS. Sony (Achmad) Wicaksono (Trường ĐH Brawijaya, Indonesia).

 

Các chuyên gia kiểm định của đã đánh giá những điểm mạnh, điểm cần khắc phục và khuyến nghị về 4 chương trình đào tạo của ĐHQGHN theo các tiêu chí đánh giá chung của AUN. Nhìn chung, cả 4 chương trình đều được đánh giá khả quan ở sự hài lòng của giảng viên và sinh viên, tính cập nhật kịp thời và bắt nhịp nhanh chóng với các xu thế mới của từng ngành hiện nay. Mặc dù vậy, các chuyên gia của AUN cũng khuyến nghị các đơn vị phụ trách các chương trình này tiếp tục thường xuyên trao đổi với các cơ sở giáo dục khác ở trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng, đồng thời thường xuyên có sự xem xét, điều chỉnh chương trình phù hợp với nhu cầu của sinh viên, của xã hội và xu hướng học tập trực tuyến. Đối với các chương trình mới, cần lên kế hoạch về nhân sự trong trung hạn và dài hạn để bảo duy trì và phát triển.

 

Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ, trước những khó khăn và thách thức do dịch bệnh gây ra, ĐHQGHN vẫn thể hiện được vai trò tiên phong đưa ra giải pháp đột phá trong đổi mới phương thức tuyển sinh bằng việc áp dụng phương thức đánh giá năng lực. Kỳ thi đánh giá năng lực đã áp dụng các phương pháp đo lường và đánh giá hiện đại, khoa học để xác định năng lực của người học bằng hệ thống ngân hàng câu hỏi.

 

 

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đánh giá cao những nỗ lực của Ban Thư ký AUN và đoàn chuyên gia để có thể chỉ ra những điểm tốt và những điểm cần khắc phục của các bốn chương trình tham gia kiểm định lần này bằng hình thức trực tuyến

 

Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cho biết, ĐHQGHN luôn coi các đợt đánh giá là cơ hội để các đơn vị nhìn nhận, rà soát những điểm mạnh, điểm yếu của mình trong các phương pháp và hoạt động dạy và học, từ đó rút ​​ra bài học kinh nghiệm để ngày càng nâng cao chất lượng trong tương lai. ĐHQGHN mong muốn được tiếp tục hợp tác với AUN để phát huy hơn nữa văn hóa kiểm định chất lượng tại ĐHQGHN.

 

PGS.TS Eric Wibisono, Trưởng đoàn đánh giá ngoài cho biết, trước những khó khăn và thách thức mà dịch bệnh gây ra, AUN và các trường đại học thành viên của mạng lưới đã nỗ lực thay đổi cách thức hoạt động, thích ứng nhanh với xu thế mới là chuyển qua hình thức trực tuyến, từ xa. Ông đánh giá cao nỗ lực của ĐHQGHN và các đơn vị thành viên đã chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện cho phiên đánh giá này và tin tưởng vào hoạt động kiểm định của AUN.

 

Đây là năm thứ ba liên tiếp, AUN thực hiện các phiên đánh giá ngoài bằng hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19. Bộ tiêu chí đánh giá của AUN – QA bao gồm 11 tiêu chí là Mục tiêu học tập, Chuyên ngành đào tạo, Cấu trúc và nội dung chương trình, Cách tiếp cận dạy và học, Đánh giá của học viên, Chất lượng đội ngũ học thuật, Chất lượng đội ngũ hỗ trợ, Chất lượng của sinh viên và sự hỗ trợ sinh viên, Cơ sở hạ tầng và vật chất, Nâng cao chất lượng và Chuẩn đầu ra. Bộ tiêu chí này dự kiến sẽ được rút gọn còn 8 tiêu chí vào giữa năm 2022.

 

Trước đó, từ tháng 11/2020 tới tháng 2/2022, ĐHQGHN đã chuyển sang hình thức đánh giá trực tuyến, từ xa theo tiêu chuẩn AUN-QA cho 12 Chương trình đào tạo đã được. Trong năm 2023, ĐHQGHN sẽ tiếp tục đánh gia 8 Chương trình đào tạo. Sự tham gia tích cực vào việc đánh giá theo hình thức trực tuyến, từ xa cho thấy sự kiên định và quyết tâm của ĐHQGHN đảm bảo chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế.

 Theo VNU-Media

 

Số lượt truy cập

  • Số lượt xem 485507