Tin tức
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn dự và phát biểu tại buổi làm việc.
Tham dự có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cùng các đồng chí đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện các Bộ ngành.
Về phía Nhật Bản có ông Takebe Tsutomu - Cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật Việt, ông Umeda Kunio - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Fujita Yasuo – Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Về phía ĐHQGHN có Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải, lãnh đạo Văn phòng và các ban chức năng; Ban Giám hiệu, các cán bộ, giảng viên và học viên Trường ĐH Việt Nhật.
Báo cáo trước Thủ tướng về tình hình hoạt động của Trường ĐH Việt Nhật, Hiệu trưởng Furuta Motoo cho biết về những khác biệt cơ bản và chiến lược phát triển Trường tới năm 2035 theo từng giai đoạn cụ thể và cho rằng trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường có các thuận lợi cơ bản như: sự quan tâm, ủng hộ của các nhà lãnh đạo cấp cao của cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản; sự bảo trợ chuyên môn của các đại học hàng đầu Nhật Bản và ĐHQGHN để xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao; sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản cho giai đoạn 2016 - 2021.
Tuy nhiên, để tận dụng các điều kiện thuận lợi và vượt qua thách thức đưa Trường phát triển như kỳ vọng, GS. Furuta Motoo kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ: chỉ đạo sớm ban hành Quy chế tài chính đặc thù với sự hỗ trợ đặc biệt cho Trường; thúc đẩy việc phê duyệt đề xuất dự án xây dựng Trường tại Hòa Lạc và xúc tiến việc vay vốn ODA Nhật Bản theo cơ chế ưu đãi dành cho việc xây dựng Trường tại khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc; ủng hộ Trường theo mô hình phát triển dựa trên nền tảng triết lý giáo dục khai phóng và phát triển bền vững.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ dành cho Trường ĐH Việt Nhật – trường đại học thành viên thứ 7 của ĐHQGHN. Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngay từ đầu, ĐHQGHN đã nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của dự án Trường ĐH Việt Nhật. Do đó, ĐHQGHN đã tập trung mọi nguồn lực trong suốt quá trình gây dựng và đi vào hoạt động của Trường.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn khẳng định, điểm khác biệt và ưu thế của Trường ĐH Việt Nhật đó là thành viên của ĐHQGHN, được kế thừa truyền thống, các nguồn lực cũng như những kinh nghiệm tổ chức của một đại học nghiên cứu hàng đầu Việt Nam. Đồng thời, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, ĐHQGHN sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa để Trường ĐH Việt Nhật có điều kiện phát triển tốt nhất, góp phần vào sự phát triển của ĐHQGHN và sự phát triển của nền giáo dục nước nhà nói chung.
Giám đốc mong rằng, trong thời gian tới, Thủ tướng sẽ có chỉ đạo về đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách cũng như phê duyệt quy chế tài chính đặc thù; chỉ đạo về việc hoàn thiện giải phóng mặt bằng cho khu vực ĐHQGHN tại Hòa Lạc nói chung và khu vực Trường ĐH Việt Nhật nói riêng; trao đổi với Chính phủ Nhật Bản giới thiệu các trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức Nhật Bản để hợp tác, hỗ trợ Trường trong phát triển đào tạo, khoa học công nghệ cũng như kêu gọi những hỗ trợ về tài chính.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những kết quả mà các nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ, viên chức, học viên của Trường ĐH Việt Nhật đã đạt được cũng như đánh giá cao các nỗ lực của ĐHQGHN và sự cộng tác, hỗ trợ tích cực của các tổ chức, cá nhân của Việt Nam và Nhật Bản dành cho Trường.
Đánh giá Nhật Bản là quốc gia có nền giáo dục tiên tiến với nhiều trường đại học danh tiếng xếp hạng cao trên thế giới, Thủ tướng đồng thời cho rằng ĐHQGHN cũng là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu uy tín hàng đầu của Việt Nam và được quốc tế đánh giá tốt. Trường ĐH Việt Nhật thuộc ĐHQGHN là một biểu tượng của quan hệ đối tác chiến lược hợp tác toàn diện Việt Nam - Nhật Bản; với mục tiêu trở thành trường đại học tiên tiến ngang tầm khu vực, quốc tế, có chất lượng cao, nơi hội tụ những tiến bộ của giáo dục quốc tế cũng như những thế mạnh và giá trị riêng của cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
Cho biết Chính phủ rất quan tâm đến dự án Trường ĐH Việt Nhật, Thủ tướng yêu cầu: “Trường không chỉ tập trung vào chuyên môn mà cần chú trọng xây dựng văn hóa, tinh thần kỷ luật trong giới trẻ, phát triển toàn diện từ kỹ năng đến tư cách và khả năng nghiên cứu. Đặc biệt, Trường cần liên kết chặt chẽ và hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp; các chương trình và nội dung đào tạo phải được xây dựng trên cơ sở tập trung vào những lĩnh vực thế mạnh của Nhật Bản, bám sát nhu cầu thực tế tại Việt Nam và cập nhật với trình độ quốc tế”.
Cam kết cùng phía Nhật Bản phát triển thành công Trường ĐH Việt Nhật, sớm trở thành một biểu tượng của mối quan hệ hợp tác hữu nghị thắm thiết, văn hóa tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong thời gian tới, Trường cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, cần phải hoàn thiện mô hình phát triển và bộ máy quản trị theo hướng hiện đại, tiên tiến. Là một đơn vị thành viên của ĐHQGHN, Trường cần hợp tác, liên kết chặt chẽ với các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc giàu truyền thống của ĐHQGHN trong đào tạo, nghiên cứu và sử dụng cơ sở vật chất dùng chung; đồng thời cần thực hiện định hướng chiến lược phát triển các ngành công nghệ mũi nhọn mà các đối tác Nhật Bản có ưu thế và Việt Nam có nhu cầu.
Thứ hai, chú trọng phát triển đội ngũ nhà khoa học trình độ cao, cán bộ quản lý có tư duy, phương pháp và kỹ năng quản trị đại học tiên tiến. Không chỉ chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên hiện có, Trường cần mở rộng cơ hội trao đổi cho những giảng viên, tài năng trẻ. Trường cần tạo không gian mở, một môi trường văn hóa giàu bản sắc; đề cao tính phản biện, tính đa dạng, quy tắc công bằng, dân chủ; không ngừng tự đổi mới cơ chế, chính sách, phương pháp quản trị. Trường phải luôn là hình mẫu về tính tiên phong, nơi chứng nghiệm cho những cải cách giáo dục cho cả Việt Nam và Nhật Bản.
Thứ ba, đào tạo và nghiên cứu khoa học cần gắn kết, đáp ứng nhu cầu của người tuyển dụng nhân lực, theo đặt hàng của doanh nghiệp; là nơi giao thoa các điểm tương đồng văn hóa Á Đông; là cầu nối và biểu tượng cho mối quan hệ chiến lược Việt Nam – Nhật Bản và rộng hơn nữa là một biểu tượng toàn diện về hợp tác giáo dục theo hình mẫu ASEAN và châu Á.
Tại buổi làm việc, gửi lời cảm ơn tới sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật Việt Takebe Tsutomu và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio bày tỏ kỳ vọng, Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN sẽ phát triển thành đại học nghiên cứu xuất sắc, nơi đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, cống hiến cho sự phát triển của 2 quốc gia Việt Nam và Nhật Bản. Đồng thời, Cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật Việt và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cũng thể hiện rõ quyết tâm ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ Trường ĐH Việt Nhật trong các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Sau buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm các lớp học của Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN.
Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN, được thủ tướng chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ký quyết định thành lập ngày 21/7/2014. Đây là kết quả hiện thực hóa chủ trương đẩy mạnh hợp tác trong giáo dục giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Sau khi có quyết định thành lập, ĐHQGHN, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và các đại học hàng đầu Nhật Bản đã phối hợp chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng để Trường đi vào hoạt động. Theo đúng kế hoạch đề ra, ngày 9/9/2016, Trường ĐH Việt Nhật đã long trọng tổ chức Lễ khai trường và Lễ khai giảng khóa thạc sĩ đầu tiên cho 6 chương trình đào tạo gồm: Thạc sĩ Công nghệ Nano, Thạc sĩ Kỹ thuật Hạ tầng, Thạc sĩ Kỹ thuật Môi trường, Thạc sĩ Chính sách công, Thạc sĩ Khu vực học, Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. Những khác biệt cơ bản của Trường ĐH Việt Nhật: Thứ nhất, Trường đặt mục tiêu phát triển thành trường đại học nghiên cứu tập trung vào hai lĩnh vực mà Việt Nam đang thiếu hoặc yếu là công nghệ kỹ thuật cao và khoa học liên ngành. Hiện nay, Trường đang triển khai 07 chương trình đào tạo thạc sĩ là Công nghệ Nano, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật hạ tầng, Khu vực học, Chính sách công, Quản trị kinh doanh và Biến đổi khí hậu & Phát triển. Sắp tới, Trường sẽ tiếp tục mở các chương trình đào tạo thạc sĩ, đại học và tiến sĩ mà xã hội có nhu cầu và là thế mạnh của Nhật Bản. Thứ hai, Trường tập trung vào chất lượng cao và có tính quốc tế hóa cao với sự tham gia của các đại học hàng đầu Nhật Bản và sự liên thông, liên kết với các trường đại học thành viên khác của ĐHQGHN. Hiện nay hơn 50% các học phần chuyên môn do giảng viên Nhật Bản đảm nhận, các học phần khác do các nhà khoa học úy tín của ĐHQGHN đảm nhiệm. Các chương trình đào tạo tại Trường đều được chuyển giao từ các đại học hàng đầu Nhật Bản. Thứ ba, Trường áp dụng triết giáo dục khai phóng, triết lý phát triển bền vững và lấy người học làm trung tâm nhằm đào tạo người học có tầm nhìn rộng ra toàn cầu, có khả năng sáng tạo phong phú, có nền tảng kiến thức liên ngành và có đạo đức văn hóa để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc của thời đại mới cũng như có thể tham gia giải quyết các bài toán phức tạp của xã hội hiện nay. Thứ tư, đó là Trường có sự quan tâm lớn của chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Chỉ khi có được sự quan tâm, hỗ trợ từ cấp chính phủ thì Trường mới có thể thực hiện được mục tiêu trở thành một trường đại học nghiên cứu có uy tín cao ở khu vực châu Á. |
VNU MEDIA
"Đề tài
-
Đề tài "Mối quan hệ của việc sử dụng internet và hoạt động học tập của sinh viên"
-
Đề tài “ Nghiên cứu phong cách học của sinh viên trường ĐHKHXH-NV & trường ĐHKHTN ”
-
Đề tài "Nhận thức, thái độ và thực hành của sinh viên với phương pháp học tích cực”
-
Đề tài "Một số khía cạnh của văn hoá chất lượng trong trường đại học"
-
Đề tài "Suy nghĩ của sinh viên năm thứ ba Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Anh - Mỹ, trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN về các phương thức cung cấp nguồn học liệu"
Tin tức
-
Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp thông báo tổ chức Tọa đàm “Tuyển sinh đại học năm 2025: Chính sách, thay đổi, phương pháp tiếp cận và các vấn đề gợi mở”
-
ĐHQGHN tổ chức hội nghị quán triệt một số định hướng lớn của Đảng và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm
-
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH VIỆN ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC, ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, LẦN THỨ V, NHIỆM KỲ 2024 – 2027
-
Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục ký kết hợp tác với Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam
-
Đại học Quốc gia Hà Nội công bố Báo cáo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2023-2024
Liên kết
- Đại học Quốc gia Hà Nội
- Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN
- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
- Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN
- Trường Đại học Công nghệ -ĐHQGHN
- Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
- Trường Đai học Giáo dục - ĐHQGHN
- Trường Đai học Việt Nhật - ĐHQGHN
- Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy - ĐHQGHN
Số lượt truy cập
- Số lượt xem 488649