Viện ĐBCLGD - Đảm bảo chất lượng


Tin về Đảm bảo chất lượng

"

Từ ngày 06 – 08/12/2010, Đoàn đánh giá ngoài (ĐGN) của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) do PGS.TS. Damrong Thawesaengkulthai từ Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) và TS. Wyona Patalinghug (Đại học De La Salle, Philippines) cùng đại diện Ban thư ký của AUN là PGS. TS. Nantana Gajaseni, Giám đốc điều hành và ông Korn Ratanagosoom, đã triển khai đánh giá ngoài đối với chương trình cử nhân hệ chất lượng cao (CLC) ngành Kinh tế đối ngoại (KTĐN) của Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Ngoài ra còn có 07 quan sát viên đến từ các trường đại học trong nước. Đây là đợt đánh giá thứ 10 đối với các trường trong khu vực ASEAN và thứ 2 đối với các trường đại học của ĐHQGHN. 
Sáng 06/12/2010, lễ khai mạc đã được tổ chức tại Trường ĐHKT trong không khí trang trọng. Tham dự buổi lễ này gồm có đại diện của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT; về phía ĐHQGHN có GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN; PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Phó Giám đốc ĐHQGHN kiêm Hiệu trưởng Trường ĐHKT; PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục ĐHQGHN; đại diện lãnh đạo các ban chức năng, các trường/khoa, Trung tâm Thông tin Thư viện, Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên thuộc ĐHQGHN cùng Ban Giám hiệu và đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐHKT. Trong lời phát biểu khai mạc đợt đánh giá, GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN đã bày tỏ mong muốn có được sự hỗ trợ của đoàn ĐGN của AUN để đánh giá và nâng cao chất lượng đào tạo của chương trình. 
Trong hai ngày 06/12 và 07/12, Đoàn đã làm việc với Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, phỏng vấn các cán bộ và giảng viên chương trình cử nhân KTĐN hệ CLC, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng v.v., và đi thăm cơ sở vật chất của nhà trường. 
Sáng 08/12, Lễ bế mạc đã được diễn ra, kết thúc 3 ngày đánh giá của Đoàn. Theo báo cáo tóm tắt về kết quả ĐGN, chất lượng sinh viên của chương trình, việc áp dụng hệ thống ISO vào quản lý và hỗ trợ kiểm soát chất lượng là các yếu tố được các chuyên gia ĐGN đánh giá cao. Tuy nhiên chương trình vẫn còn có một số điểm cần khắc phục. Đoàn ĐGN đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể đối với Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế cũng như Trường ĐHKT về các nội dung của 18 tiêu chí đánh giá. Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Giám đốc ĐHQGHN kiêm Hiệu trưởng trường ĐHKT, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự làm việc nghiêm túc của đoàn ĐGN cũng như các khuyến nghị mà đoàn đã đưa ra. Đồng thời, khẳng định việc kiểm định chất lượng chương trình cử nhân KTĐN hệ CLC theo tiêu chuẩn của AUN là một tiền đề quan trọng trong quá trình phát triển chương trình này theo các chuẩn mực quốc tế.
Dưới đây là một số hình ảnh của đợt đánh giá.
""

""

"
"

Sáng ngày 13/10/2010, tại Hội trường Vũ Đình Liên, Khoa Pháp, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN đã diễn ra Phiên họp thứ 3 Giao ban giữa các Trung tâm/Bộ phận đảm bảo chất lượng (ĐBCL) trong Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tham dự phiên họp có GS. TS. Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng KĐCL ĐHQGHN; PGS.TS. Nguyễn Phương Nga Phó Chủ tịch và các thành viên Hội đồng KĐCL ĐHQGHN; Đại diện lãnh đạo các trường thành viên và đơn vị trực thuộc, và lãnh đạo, chuyên viên các Trung tâm/Bộ phận ĐBCL của các đơn vị trong ĐHQGHN.

Phiên họp lần này do Trường ĐH Ngoại ngữ đăng cai tổ chức theo Kết luận của phiên họp giao ban lần 2.

GS. TS. Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQGHN, PGS. TS. Nguyễn Phương Nga, Viện trưởng Viện ĐBCLGD và GS.TS. Nguyễn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ đã chủ trì phiên họp.

Trong phát biểu khai mạc, GS. TS. Mai Trọng Nhuận đã đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận ba nội dung quan trọng có tính chất nền tảng và là cơ sở thúc đẩy hoạt động đảm bảo chất lượng trong ĐHQGHN thời gian tới:

  1. Cung cấp các cơ sở dữ liệu theo các tiêu chuẩn xếp hạng các trường đại học như QS, THES mà sản phẩm là bộ dữ liệu chi tiết đến tận cấp Khoa.

  2. Nâng cao nhận thức trong toàn thể cán bộ, sinh viên về vai trò của chất lượng và kiểm định chất lượng như là yếu tố sống còn trong chiến lược phát triển ĐHQGHN; để văn hóa chất lượng phải trở thành thói quen trong suy nghĩ và định hướng hành động của toàn bộ cán bộ nhân viên.

  3. Chuẩn chất lượng cao phải gắn với văn hóa chất lượng của ĐHQGHN và từng bước gắn với thu nhập của từng cán bộ ĐHQGHN, hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập thông qua nâng cao chất lượng.

Hội nghị đã nghe ThS. Đỗ Thị Ngọc Quyên - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng, Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục, ĐHQGHN trình bày báo cáo kết quả triển khai hoạt động ĐBCL tại các đơn vị trong ĐHQGHN năm học 2009-2010. Theo đó, có 98% các nhiệm vụ đã hoàn thành đúng kế hoạch và kết quả thực hiện đã góp phần nâng cao văn hóa chất lượng và củng cố hệ thống ĐBCL trong ĐHQGHN. Trong năm học 2010 - 2011, ĐHQGHN sẽ triển khai 18 nhiệm vụ ĐBCL theo các nội dung: Nâng cao năng lực cán bộ ĐBCL, phát triển văn hóa chất lượng, kiểm định chất lượng, xếp hạng đại học và các phiên họp định kỳ.

Trong Hội nghị này, TS. Tô Thị Thu Hương đã tổng kết việc sử dụng các phiếu điều tra khảo sát ý kiến người học về môn học của các đơn vị thành viên. Theo đó, phần lớn các Trường, Khoa đã sử dụng phiếu điều tra thiết kế riêng và các mẫu phiếu rất đa dạng. Dựa trên các mẫu phiếu này và tham khảo các mẫu phiếu của các trường đại học của Anh, Hoa Kỳ, Viện ĐBCLGD đã đề xuất một mẫu phiếu để các đơn vị có thể sử dụng chung trong toàn ĐHQGHN.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã dành thời gian thảo luận sôi nổi về mẫu phiếu chung và chia sẻ kinh nghiệm triển khai điều tra, khảo sát ở các đơn vị với phần trình bày của ThS. Phạm Văn Vị, Trường ĐHKHTN. Dại diện lãnh đạo các trường Trường ĐHCN, Trường ĐHKT, Trường ĐHKHXH&NV đã phát biểu đóng góp ý kiến. GS. TS. Mai Trọng Nhuận đặc biệt lưu ý các đơn vị tới việc khai thác sử dụng kết quả điều tra để cải thiện chất lượng đào tạo của các đơn vị và thái độ của giảng viên về hoạt động này.

Trong phát biểu bế mạc phiên họp giao ban, thay mặt Chủ tịch Hội đồng Kiểm định chất lượng ĐHQGHN, PGS. TS Nguyễn Phương Nga – Phó Chủ tịch Hội đồng Kiểm định chất lượng, Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục, ĐHQGHN đã đánh giá cao những ý kiến thảo luận và kết luận:

  • Thống nhất trong ĐHQGHN về phương pháp triển khai thực hiện các quy trình khảo sát bao gồm xây dựng công cụ, thu thập, xử lý số liệu, phản hồi;

  • Tăng kinh phí để nâng cao chất lượng hoạt động đảm bảo chất lượng tại các đơn vị;

  • Tất cả các cán bộ, viên chức của ĐHQGHN cần đồng lòng phát triển văn hóa chất lượng. Thành công của việc phát triển văn hóa chất lượng phụ thuộc quan trọng vào nhận thức của toàn thể cán bộ và đặc biệt là nhận thức, quyết tâm của lãnh đạo các đơn vị và ĐHQGHN.

Hội nghị đã kết thúc cùng ngày và thành công tốt đẹp.

Dưới đây là một số hình ảnh của Hội nghị.


""

""

 

"
"

Sáng ngày 10 tháng 6 năm 2010 tại phòng họp 203 nhà Điều hành ĐHQGHN đã diễn ra phiên họp lần thứ IX của Hội đồng KĐCL ĐHQGHN.
Tham dự phiên họp có GS.TS. Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng cùng các thành viên Hội đồng KĐCL ĐHQGHN. 
Nội dung chủ yếu của phiên họp lần này là thẩm định các báo cáo tự đánh giá đơn vị giữa kỳ của Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN và báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo cử nhân KHTN ngành Vật lý của Trường ĐH KHTN. Tất cả các báo cáo đều được Hội đồng thông qua với đề nghị sửa chữa để tiến hành đánh giá ngoài.
Trong phiên họp IX, các thành viên Hội đồng còn thảo luận về các phương án quy điểm cho các cấp độ KĐCL, báo cáo tổng kết công tác KĐCL năm học 2009 – 2010 và thông qua kế hoạch công tác KĐCL năm học 2010 – 2011. 
Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng KĐCL ĐHQGHN, công tác ĐBCL và KĐCL của ĐHQGHN năm học 2009 – 2010 đã có những thành tích đáng kể. Đặc biệt là việc triển khai KĐCL chương trình Công nghệ thông tin của Trường ĐHCN, ĐHQGHN theo tiêu chuẩn của AUN, triển khai KĐCL 4 chương trình đào tạo (CLC và KHTN) theo tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo của ĐHQGHN. Chương trình Công nghệ thông tin là chương trình đầu tiên ở Việt Nam được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này góp phần khẳng định vị thế đi đầu của ĐHQGHN trong cả nước về công tác KĐCL giáo dục đại học. 
Năm học 2010 – 2011, ĐHQGHN tiếp tục phát huy những thế mạnh đã đạt được trong công tác KĐCL để triển khai các kế hoạch hoạt động tiếp theo. Trong năm học này Trường ĐH KT, ĐHQGHN đã đăng ký được KĐCL chương trình đào tạo cử nhân CLC ngành Kinh tế đối ngoại theo bộ tiêu chuẩn của AUN. 

"
"

Sáng ngày 13/4/2010, tại Hội trường 801, nhà E4, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN đã diễn ra Phiên họp thứ hai Giao ban giữa các Trung tâm/Bộ phận đảm bảo chất lượng (ĐBCL) trong Đại học Quốc gia Hà Nội. 
Tham dự phiên họp có GS.TS. Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQGHN, Ban Giám đốc, Trưởng phòng KĐCL và chuyên viên Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục (ĐBCLĐT&NCPTGD), lãnh đạo các trường thành viên và đơn vị trực thuộc, cùng lãnh đạo và chuyên viên các Trung tâm/Bộ phận ĐBCL của các đơn vị trong ĐHQGHN. 
Phiên họp lần này do Trường ĐH Kinh tế tổ chức như đã thống nhất trong phiên họp giao ban lần 1 về việc các TT/BP ĐBCL luân phiên tổ chức giao ban định kỳ. GS.TS. Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQGHN, PGS.TS. Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm ĐBCLĐT&NCPTGD và PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế đã chủ trì phiên họp.
Trong bài phát biểu khai mạc tại buổi họp giao ban, GS.TS. Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh chất lượng là mục tiêu hướng tới, cũng là tiền đề cho sự phát triển của ĐHQGHN nói chung, các trường thành viên và các đơn vị trực thuộc nói riêng. Do đó, công tác ĐBCL và phát triển môi trường văn hóa chất lượng trở thành vấn đề cốt yếu trong chiến lược phát triển của ĐHQGHN. GS cũng khẳng định ĐHQGHN không chỉ là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao mà còn là đơn vị tiên phong trong cả nước trong công tác ĐBCL. Hoạt động giao ban giữa các Trung tâm/Bộ phận ĐBCL của các đơn vị trong ĐHQGHN nhằm tạo ra một mạng lưới làm việc sâu rộng, chặt chẽ, góp phần phát huy hơn nữa thế mạnh của ĐHQGHN.
Nội dung của phiên họp giao ban lần này chủ yếu tập trung vào các vấn đề: sơ kết công tác ĐBCL của các đơn vị trong học kỳ I năm học 2009 – 2010; khái quát về xếp hạng các trường đại học và chia sẻ kinh nghiệm kiểm định chương trình theo tiêu chuẩn của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN). 
Trong báo cáo về vấn đề xếp hạng các trường đại học, PGS.TS. Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm ĐBCLĐT&NCPTGD đã nhấn mạnh: thông tin trên website của trường cũng là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá, xếp hạng trường đại học, đặc biệt ngày 1 tháng 3 năm 2010, Bộ GD&ĐT đã Thông tư số 07/2010/TT-BGDĐT về vấn đề này.
Việc kiểm định chương trình theo bộ tiêu chuẩn của AUN là vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm. Trong phần trình bày của mình, TS. Tô Thị Thu Hương, Trưởng phòng KĐCL, Trung tâm ĐBCLĐT&NCPTGD đã giới thiệu khái quát toàn bộ quy trình KĐCL chương trình theo tiêu chuẩn của AUN, từ việc giới thiệu các tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn, các thang điểm, thủ tục đăng ký kiểm định chương trình đến phương pháp tiến hành tự đánh giá và quá trình làm việc của đoàn đánh giá ngoài. Những nội dung này đã được cụ thể hóa qua phần trình bày về việc thử nghiệm tự đánh giá chương trình Kinh tế đối ngoại của TS. Vũ Anh Dũng, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế. Đây là chương trình đào tạo mà Trường Kinh tế đã xin đăng ký để được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của AUN. 
Những chia sẻ kinh nghiệm của Trường ĐH Công nghệ trong quá trình KĐCL chương trình Công nghệ thông tin theo tiêu chuẩn của AUN tháng 12 năm 2009 vừa qua thực sự là những thông tin bổ ích không chỉ cho Trường ĐH Kinh tế mà còn là động lực để các trường khác trong ĐHQGHN phấn đấu đưa các chương trình đào tạo của mình được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn này. 
Một lần nữa ĐHQGHN khẳng định vị trí tiên phong của mình trong công tác ĐBCL giáo dục thông qua các hoạt động mang tính chuyên môn sâu và những định hướng rõ ràng để nâng chất lượng vươn tới tầm khu vực và thế giới. 

"
"

Chiều ngày 19/3/2010, tại Hội trường 203, Nhà Điều hành ĐHQGHN, Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục (ĐBCLĐT&NCPTGD), ĐHQGHN đã phối hợp cùng ĐH New South Wales, Australia tổ chức hội thảo “Đảm bảo chất lượng đào tạo đại học”.
Tham dự hội thảo có GS.TSKH. Bành Tiến Long, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), TS. Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (KT&KĐCLGD), Bộ GD&ĐT, GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐHQGHN, Ban Giám đốc và các Trưởng các phòng chức năng của Trung tâm ĐBCLĐT&NCPTGD cùng 80 đại biểu là các lãnh đạo, các cán bộ quản lý từ 58 đơn vị (các trường ĐH, các học viện, các trung tâm KT&ĐBCL, các hiệp hội và tổ chức của Việt Nam và quốc tế).
Trong báo cáo đề dẫn tiếp theo, PGS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm ĐBCLĐT&NCPTGD đã nêu rõ Mục đích của hội thảo ĐBCL là chia sẻ kinh nghiệm, nhìn lại những bước tiến trong lĩnh vực ĐBCL nhằm hướng đến một cơ cấu chung, một diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm ĐBCL.
Trong phần tham luận, GS.TSKH. Bành Tiến Long và TS. Phạm Xuân Thanh, đã trình bày về những kết quả nghiên cứu mới nhất liên quan tới ĐBCL và xếp hạng các trường ĐH Việt Nam. Cụ thể là các thông tin cơ bản về hệ thống giáo dục ở Việt Nam, hệ thống đánh giá: các chính sách hiện nay và các hoạt động, mục tiêu đánh giá đến năm 2020 với Chương trình hỗ trợ giáo dục phát triển của Nga (READ), lộ trình xây dựng hệ thống đánh giá có hiệu quả.
Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm ĐBCLĐT&NCPTGD đã trình bày về việc thành lập Mạng lưới các Trung tâm Đảm bảo Chất lượng GDĐH Việt Nam (viết tắt là Mạng lưới ĐBCL). Mục đích của Mạng lưới ĐBCL là tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác vì sự phát triển và hiệu quả của công tác ĐBCL giáo dục và kiểm định chất lượng (KĐCL) nhằm nâng cao chất lượng của các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn chuyển giao công nghệ và dịch vụ xã hội và các sản phẩm của các trường ĐH&CĐ Việt Nam phục vụ sự phát triển của Việt Nam và hoà nhập với thế giới.
Nội dung thành lập Mạng lưới ĐBCL rất được các đại biểu quan tâm và thảo luận sôi nổi. Hội thảo đã kết thúc thành công với nhiều ý kiến có giá trị cho công tác ĐBCL giáo dục ĐH nói chung và các hoạt động của Mạng lưới ĐBCL nói riêng để tạo ra những tác động tích cực cho sự phát triển của chất lượng GDĐH và góp phần xây dựng đất nước theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa.

"

Số lượt truy cập

Số lần xem các bài viết
423529