Viện ĐBCLGD - Tin tức


Tin tức

"
Ngày 8/5/2014, Ban Thư ký AUN và ĐHQGHN đã tổ chức bế mạc hoạt động đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) cho chương trình đào tạo Cử nhân Quản trị Kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế và chương trình đào tạo Cử nhân Khoa học Máy tính của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN.
""
Tham gia đợt đánh giá này có PGS.TS Nantana Gajaseni - Giám đốc điều hành AUN; ông Korn Ratanagosoom - đại diện ban Thư ký AUN; các chuyên gia: TS. Wyona Patalinghug, GS.TS Fauza Ab. Ghaffar, PGS.TS Brian Canlas Gozun, PGS.TS Chavalit Wongse-ek.
Tham dự có PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐHQGHN; GS.TS Mai Trọng Nhuận - Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo Chất lượng ĐHQGHN; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo các ban chức năng, các trường, khoa, đơn vị trực thuộc ĐHQGHN, cùng Ban Giám hiệu, các cán bộ, giảng viên và đại diện lãnh đạo hai khoa có chương trình được đánh giá của Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Công nghệ.
Tại phiên bế mạc, đại diện của Đoàn Đánh giá ngoài đã đề cập đến điểm mạnh, tiềm năng và những mặt tồn tại cần khắc phục của 2 chương trình theo bộ tiêu chuẩn của AUN-QA. Các hoạt động đánh giá chủ yếu dựa trên thông tin được cung cấp trong các bản tự đánh giá (SAR), kết quả của 2 ngày làm việc thực tế tại các đơn vị, phỏng vấn các đối tượng có liên quan bao gồm cán bộ, giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên, các nhà tuyển dụng…
"" ""
Các chuyên gia Đoàn đánh giá ngoài AUN nhận xét về hai chương trình đào tạo
Đối với chương trình đào tạo Cử nhân Quản trị Kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế - một trong những chương trình nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN, đại diện Đoàn đánh giá cho biết, về cơ bản, chương trình đã đáp ứng mục tiêu của chuẩn đầu ra (gồm kiến thức, kỹ năng cá nhân và nghề nghiệp, kỹ năng xã hội, năng lực áp dụng kiến thức vào thực tiễn…); khung chương trình đào tạo được xây dựng và tích hợp với sự tham dự của nhà sử dụng lao động, đội ngũ chuyên gia, giảng viên trong nước và quốc tế, cựu sinh viên, sinh viên, các nhà quản lý giáo dục; hoạt động đào tạo và hỗ trợ đào tạo được thiết kế hướng người học đạt được chuẩn đầu ra dự kiến; điểm thu hút và lợi thế của chương trình đó là các môn thuộc chương trình được giảng dạy hầu hết bằng tiếng Anh; 100% giảng viên đạt trình độ tiến sĩ; có sự tương tác tốt giữa cán bộ, giảng viên và sinh viên; môi trường học tập thân thiện, giúp đỡ lẫn nhau; các hoạt động cho sinh viên rất phong phú: thực tế, thực tập, chương trình trao đổi sinh viên, thi đấu, thảo luận, làm việc nhóm, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, Chuyên gia đánh giá của AUN đề nghị: cần tăng số lượng sinh viên cho mỗi khóa đào tạo; chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với bối cảnh thực tiễn; xem xét phân bố lại chương trình, tránh quá tải cho sinh viên; khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa các hoạt động học tập, nghiên cứu trong đội ngũ cán bộ; tạo nhiều cơ hội cho sinh viên thực tập tại nhiều công ty, doanh nghiệp; cải thiện cơ sở vật chất, đầu tư cho thư viện, ký túc xá…
Đánh giá về chương trình đào tạo Cử nhân Khoa học Máy tính của Trường ĐH Công nghệ, đại diện Đoàn đánh giá cao việc nội dung chương trình đào tạo được cập nhật thường xuyên; các hoạt động đào tạo hướng vào người học là trung tâm; cán bộ, giảng viên hướng dẫn, hỗ trợ tích cực cho sinh viên; hầu hết các môn học thuộc chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh (có các giáo sư nước ngoài tham gia giảng dạy); cán bộ, giảng viên được tạo cơ hội học tập, nghiên cứu để không ngừng mở rộng kiến thức và nâng cao năng lực; các nhà tuyển dụng đánh giá cao những sinh viên tốt nghiệp với năng lực và khả năng ngoại ngữ tốt. Để nâng cao chất lượng chương trình hơn nữa, chuyên gia đánh giá ngoài AUN đề nghị một số tài liệu hướng dẫn của chương trình nên được dịch sang tiếng Anh cho phù hợp với chương trình chuẩn quốc tế; tuyển thêm một số giảng viên nước ngoài đến giảng dạy; cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các phòng thí nghiệm; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động kết hợp đào tạo và nghiên cứu khoa học…
Phát biểu tại phiên bế mạc, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao những hoạt động tích cực của AUN những năm qua trong đó có sự tham gia tích cực của các cơ sở đại học hàng đầu Việt Nam, tiên phong là ĐHQGHN và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh. Bộ Giáo dục và Đào tạo tin rằng, hoạt động kiểm định sẽ hỗ trợ hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần đưa ĐHQGHN nói riêng và các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam nói chung từng bước khẳng định mình và hội nhập quốc tế. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo mong rằng AUN sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học khác của Việt Nam tham gia vào mạng lưới cũng như hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên trong thời gian tới.
GS.TS Mai Trọng Nhuận tin rằng những kết quả đánh giá của Đoàn công tác sẽ giúp các đơn vị của ĐHQGHN nhận thấy rõ hơn những điểm mạnh của mình để tiếp tục phát huy, đồng thời phát hiện ra những điểm còn hạn chế cần cải thiện, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong thời gian tới, các đơn vị cần có kế hoạch chi tiết (kiểm tra lại nguồn lực con người, cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy…) để cải thiện những điểm hạn chế này.
Phát biểu bế mạc, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã gửi lời cảm ơn chân thành tới Đoàn đánh giá ngoài của AUN, tất cả các cán bộ, giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng đã tham gia nhiệt tình và hợp tác hết mình trong đợt đánh giá ngoài lần này. PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cũng đánh giá cao tinh thần làm việc nhiệt tình, nghiêm túc, có hệ thống của các chuyên gia đánh giá ngoài của AUN.
Phó Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh, những nhận định, đánh giá về điểm mạnh và nội dung cần cải tiến của 2 chương trình là nhằm góp phần đưa chất lượng chương trình ngày càng tốt hơn. Các hoạt động hậu kiểm định cần được đơn vị đầu tư và tiến hành kỹ lưỡng để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ.

""

"
"
Ngày 6/5/2014, ĐHQGHN đã tổ chức khai mạc hoạt động đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) cho chương trình đào tạo Cử nhân Quản trị Kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế và chương trình đào tạo Cử nhân Khoa học Máy tính của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN.
""
Tham gia đợt đánh giá này có PGS.TS Nantana Gajaseni - Giám đốc điều hành AUN; ông Korn Ratanagosoom - đại diện ban Thư ký AUN; các chuyên gia: TS. Wyona Patalinghug, GS.TS Fauza Ab. Ghaffar, PGS.TS Brian Canlas Gozun, PGS.TS Chavalit Wongse-ek.
Về phía ĐHQGHN có GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc, GS.TS Mai Trọng Nhuận - Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo Chất lượng, lãnh đạo các ban chức năng, các trường, khoa, đơn vị trực thuộc ĐHQGHN, cùng Ban Giám hiệu, các cán bộ, giảng viên và đại diện lãnh đạo hai khoa có chương trình được đánh giá của Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Công nghệ.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc ĐHGQHN Nguyễn Hữu Đức cho biết: với vị thế là một ĐH hàng đầu ở Việt Nam, việc tạo dựng và phát triển văn hóa chất lượng của ĐHQGHN để duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động và chất lượng các sản phẩm đầu ra là mục tiêu xuyên suốt trong lộ trình phát triển của ĐHQGHN. ĐHQGHN luôn chủ động tham gia tích cực trong hoạt động đánh giá theo tiêu chuẩn của AUN. Tính đến thời điểm hiện tại, ĐHQGHN có 11 chương trình đào tạo được kiểm định đạt chuẩn của AUN.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức tin rằng các hoạt động đánh giá, kiểm định chất lượng của AUN sẽ tạo nhiều cơ hội phát triển cho các chương trình đào tạo của Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Công nghệ, đồng thời cùng nhìn lại những thành tựu và những hạn chế để từ đó đưa ra những giải pháp tối ưu đưa đơn vị ngày càng phát triển vững mạnh, qua đó góp phần vào sự phát triển của ĐHQGHN và sự phát triển chung của đất nước.
GS.TS Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh, ĐBCL là cách tốt nhất vừa đảm bảo công tác quản trị đại học, vừa đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo. ĐHQGHN luôn tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam trong công tác KĐCL và ĐBCL. Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo Chất lượng ĐHQGHN gửi lời cảm ơn chân thành tới các chuyên gia, các thành viên của AUN đồng thời tin rằng thông qua hoạt động KĐCL cùng sự nỗ lực của các đơn vị và các bên liên quan, chất lượng giáo dục sẽ được đẩy mạnh, văn hóa chất lượng sẽ được thiết lập không chỉ tại ĐHQGHN mà còn tại các trường ĐH thuộc mạng lưới.
PGS.TS Nantana Gajaseni cho biết: với mục đích phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục đại học trong khu vực ASEAN, năm 1995, Mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á đã được thành lập. Tính đến nay, đã có gần 90 trường ĐH đến từ các quốc gia trong khu vực trở thành thành viên của tổ chức. Nhằm đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng bên trong các trường ĐH trong khu vực, AUN đã đưa ra sáng kiến đánh giá chất lượng giáo dục đại học theo những tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN (ASEAN University Network - Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA). Đây cũng là cách mà mạng lưới các trường đại học ASEAN nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng đào tạo giữa các trường trong khu vực cũng như với các trường đại học đối tác trên thế giới, từng bước góp phần thúc đẩy sự công nhận thành quả học tập và phát triển hợp tác giữa các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á.
PGS.TS Nantana Gajaseni còn cho biết, AUN không những không ngừng mở rộng phạm vi mà còn luôn chú trọng nâng cao chất lượng kiểm định. Các hoạt động đánh giá của AUN được xem xét, chỉnh sửa, cải thiện cho phù hợp với tình hình thực tế, nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm định.
Tiếp đó, các đại biểu đã nghe phát biểu của Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN. Sau đó, đoàn chuyên gia đánh giá ngoài tiếp tục tiến hành hoạt động đánh giá theo lịch trình tại hai trường. Đợt đánh giá kéo dài đến ngày 8/5/2014.
Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA hiện nay có 15 tiêu chuẩn với 68 tiêu chí. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 7 mức là: 1 = Hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá, phải có giải pháp khắc phục ngay lập tức; 2 = Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá, cần có những giải pháp khắc phục; 3 = Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá, nhưng chỉ cần có giải pháp khắc phục nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu; 4 = Đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá; 5 = Đáp ứng tốt yêu cầu của tiêu chí đánh giá; 6 = Đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí đánh giá; 7 = Đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí đánh giá.
Việc lựa chọn kiểm định theo chuẩn AUN nhằm giúp các trường biết chương trình đào tạo đã đạt đến cấp độ nào trên thang đánh giá của khu vực. Tiếp nữa, để phát hiện chương trình còn tồn tại những gì cần khắc phục nhằm đảm bảo chương trình đạt chất lượng ngang tầm các chương trình cùng lĩnh vực trong khu vực ASEAN.

""

"
"

1.

GS.TS. Mai Trọng Nhuận, Nguyên Giám đốc ĐHQGHN

Chủ tịch

2.

PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN

Phó Chủ tịch thường trực

3.

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQGHN

Phó Chủ tịch

4.

PGS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Viện trưởng Viện ĐBCLGD

Phó Chủ tịch

5.

TS. Hoàng Thị Xuân Hoa, Phó Viện trưởng Viện ĐBCLGD

Thư ký

6.

TS. Nguyễn Viết Lộc, Chánh Văn phòng ĐHQGHN

Ủy viên

7.

GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo

Ủy viên

8.

TS. Phạm Xuân Hoan, Trưởng Ban Kế hoạch - Tài chính

Ủy viên

9.

PGS. TS. Lê Quân, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ

Ủy viên

10.

PGS.TS. Đinh Văn Hường, Trưởng Ban Chính trị và Công tác HSSV

Ủy viên

11.

PGS.TS. Vũ Văn Tích, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ

Ủy viên

12.

TS. Nguyễn Thị Anh Thu, Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển

Ủy viên

13.

TS. Đinh Văn Toàn, Trưởng Ban Thanh tra và Pháp chế

Ủy viên

14.

GS.TS. Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV

Ủy viên

15.

PGS.TS. Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên

Ủy viên

16.

GS.TS. Nguyễn Hoà, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ

Ủy viên

17.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ

Ủy viên

18.

PGS.TS. Lê Kim Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục

Ủy viên

19.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế

Ủy viên

20.

TS. Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thư viện

Ủy viên

21.

PGS.TS. Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT

Ủy viên

22.

PGS.TS. Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục KT&KĐCLGD, Bộ GD&ĐT

Ủy viên

23.

TS. Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục KT&KĐCLGD, Bộ GD&ĐT

Ủy viên

24.

TS. Nguyễn Thị Thanh Phượng, Trưởng đại diện Quỹ Giáo dục Việt Nam

Ủy viên

Danh sách gồm 24 thành viên./.

"
"

Tham dự phiên họp có đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng ĐHQGHN Mai Trọng Nhuận, các Phó Chủ tịch Nguyễn Kim Sơn, Nguyễn Hữu Đức và Nguyễn Quý Thanh cùng toàn bộ các thành viên trong hội đồng ĐBCLGD của ĐHQGHN.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ cảm ơn và đánh giá cao những tâm huyết và cống hiến của Chủ tịch hội đồng ĐBCLGD Mai Trọng Nhuận và các thành viên của Hội đồng, đã và đang tư vấn cho Ban giám đốc về các hoạt động trong công tác ĐBCLGD ở ĐHQGHN, cũng như những đóng góp tạo ra sự lan tỏa của các hoạt động này đối với hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Giám đốc Phùng Xuân Nhạ đề nghị Hội đồng tiếp tục tư vấn cho Ban Giám đốc về những vấn đề liên quan tới công tác ĐBCL giáo dục trong ĐHQGHN, tập trung vào một số nội dung quan trọng như: Đảm bảo chất lượng của các chương trình đào tạo theo hướng tăng cường tính chủ động của các đơn vị, tập trung đầu tư nguồn lực nâng cao chất lượng chương trình; Đổi mới công tác tuyển sinh cần được triển khai mạnh mẽ và sâu rộng, phương thức tổ chức phải phù hợp với toàn ngành giáo dục, các bước đi cần theo một lộ trình chắc chắn, thực hiện thí điểm một cách khoa học, tổng kết rút kinh nghiệm để hoàn thiện mô hình mới; Tư vấn để Giám đốc tiếp tục đề xuất với Bộ Giáo dục và đào tạo nghiên cứu áp dụng rộng rãi bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chương trình đào tạo theo mô hình ĐBCL của AUN, tiến tới thực hiện kiểm định chất lượng toàn bộ các chương trình đào tạo trong cả nước. Giám đốc cũng chỉ đạo, công tác đảm bảo chất lượng ở ĐHQGHN phải mang tầm chiến lược, làm định hướng cho các kế hoạch hoạt động hàng năm và kế hoạch 5 năm tiếp theo.

Tại phiên họp, ông Nguyễn Quý Thanh – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN, thường trực Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục đã trình bày báo cáo công tác ĐBCLGD học kì I năm học 2013 – 2014. Theo đó, ĐHQGHN nói chung và các đơn vị thành viên, trực thuộc nói riêng đã được triển khai theo kế hoạch đặt ra. Báo cáo nêu rõ có một số nhiệm vụ cần được quan tâm chú trọng hơn nữa về chất lượng và tiến độ, như việc xây dựng báo cáo tự đánh giá, các báo cáo thống kê liên quan đến công tác ĐBCLGD.

Trong học kì 2, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ tư vấn cho Giám đốc ĐHQGHN và tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị trong công tác ĐBCL, Hội đồng ĐBCLGD dự kiến tiến hành một số nhiệm vụ trọng tâm sau:Thực hiện KĐCL theo tiêu chuẩn của AUN cho chương trình đào tạo cử nhân ngành Khoa học Máy tính của Trường ĐHCN và chương trình đào tạo cử nhân thuộc NVCL ngành Quản trị Kinh doanh của Trường ĐH KT vào tháng 5/2014; Tổ chức chương trình đào tạo kiểm định viên KĐCLGD đại học và trung cấp chuyên nghiệp; Hoàn thiện Đề án tổng thể về ĐBCLGD theo mô hình ĐBCL của AUN.

Trong khuôn khổ của phiên họp, các đại biểu tham dự phiên họp thảo luận và thông qua việc thẩm định báo cáo đánh giá ngoài để KĐCL chu kì 2 đối với 3 trường ĐHKHTN, Trường ĐHCN và Trường ĐHGD; thông qua việc thẩm định báo cáo đánh giá ngoài để KĐCL chương trình đào tạo chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật Bản và Ngôn ngữ Đức của Trường ĐHNN; Đánh giá giữa chu kì KĐCL đối với chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng ngành Vật lí và chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Kinh tế quốc tế của Trường ĐHKT.

Kết luận tại phiên họp, Chủ tịch hội đồng Mai Trọng Nhuận đã nhấn mạnh, các đại biểu thống nhất cao về các kết quả đạt được theo kế hoạch nhiệm vụ học kì I, tuy nhiên trong Báo cáo sơ kết cần phải bổ sung các thông tin về các hoạt động ĐBCL tại các đơn vị trong ĐHQGHN, đồng thời bổ sung thêm các giải pháp phù hợp để triển khai công tác ĐBCL trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, Chủ tịch hội đồng nhấn mạnh trong thời gian tới cần có sự chuyển đổi về chức năng nhiệm vụ của Hội đồng theo hướng chú trọng nhiều hơn nữa đến nhiệm vụ và vai trò tư vấn cho Ban Giám đốc về các vấn đề để thực hiện ĐBCLGD, tập trung vào các giải pháp nâng cao và cải thiện chất lượng, quan tâm đến công tác hậu kiểm định và đưa văn hóa chất lượng đi vào cuộc sống một cách đầy đủ và cụ thể hơn.

""

""

""

""

""

Nguồn tin: http://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N15412/Phien-hop-thu-2-Hoi-dong-dam-bao-chat-luong-dHQGHN-.htm

"

"

Sáng 18/12/2013, Ban Thư ký AUN và ĐHQGHN đã tổ chức bế mạc hoạt động đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) cho chương trình đào tạo Cử nhân Ngôn ngữ học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và chương trình đào tạo Thạc sĩ Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN. 
Đây là các chương trình thứ 4 và thứ 5 của ĐHQGHN được đánh giá trong năm 2013 và là các chương trình thứ 8, thứ 9 của ĐHQGHN đã được AUN đánh giá kể từ 2009 đến nay. Chương trình đào tạo Thạc sĩ Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ là chương trình đầu tiên trong toàn AUN ở bậc sau đại học được các chuyên gia AUN đánh giá.
Tham dự chương trình có TS. Choltis Dhirathiti - Phó Tổng Giám đốc Điều hành của AUN, các chuyên gia đánh giá ngoài của hai chương trình: GS.TS Tan Kay Chuan (ĐH Quốc gia Singapore), GS.TS Wan Ah Mad Kamil Mahmood (ĐH Sains Malaysia), TS. Widyawati (Trường ĐH Indonesia), bà Cynthia T. Totanes (ĐHAteneo de Manila, Philipines) và ông Korn Ratanagosoom, đại diện ban Thư ký AUN. Tham dự phiên bế mạc có Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn; Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng ĐHQGHN Mai Trọng Nhuận; lãnh đạo các ban chức năng, các trường, khoa, đơn vị trực thuộc ĐHQGHN, cùng Ban Giám hiệu, các cán bộ, giảng viên và đại diện Lãnh đạo hai Khoa có chương trình được đánh giá của Trường ĐH KHXH&NV và Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN.
Tại phiên bế mạc, đại diện của Đoàn Đánh giá ngoài đã đề cập đến điểm mạnh, tiềm năng và những mặt tồn tại cần cải thiện của 2 chương trình theo bộ tiêu chuẩn của AUN-QA hiện nay gồm có 15 tiêu chuẩn với 68 tiêu chí. Các hoạt động đánh giá chủ yếu dựa trên thông tin được cung cấp trong các bản tự đánh giá (SAR), kết quả của 2 ngày làm việc thực tế tại các đơn vị, phỏng vấn các đối tượng có liên quan bao gồm cán bộ, giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên, các nhà tuyển dụng…
Đối với chương trình đào tạo Cử nhân Ngôn ngữ học của Trường ĐH KHXH&NV, đại diện Đoàn đánh giá cho biết, về cơ bản, chương trình đã đáp ứng mục tiêu của chuẩn đầu ra; nội dung phân bổ chương trình hợp lý; đội ngũ cán bộ, giảng viên nhiệt tình, năng lực tốt, tỉ lệ tiến sĩ rất cao; cán bộ, giảng viên được tạo điều kiện để học tập, trau dồi kỹ năng, nâng cao năng lực và chuyên môn cũng như phát huy tính sáng tạo của mình; chất lượng đầu vào của sinh viên được đảm bảo thông qua kỳ thi đại học mang tính quốc gia, chất lượng các sinh viên được phỏng vấn về cơ bản đồng đều; các chính sách, điều kiện hỗ trợ sinh viên tốt; tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp cao, nhiều người trong số đó giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu, các công ty trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, Chuyên gia đánh giá của AUN đề nghị: Trường cần chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với bối cảnh thực tiễn; kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy và nghiên cứu; cần mở thêm các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng để hỗ trợ cán bộ, giảng viên; tăng số lượng cán bộ chuyên môn cao cũng như khuyến khích hơn nữa các hoạt động nghiên cứu trong đội ngũ cán bộ; đầu tư hơn nữa các trang thiết bị phục vụ học tập, nghiên cứu; tăng cường vai trò của các cựu sinh viên, phục vụ cho sự phát triển của khoa, trường.
Đánh giá về chương trình đào tạo Thạc sĩ Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN - chương trình đào tạo thạc sĩ đầu tiên của ĐHQGHN được đánh giá theo chuẩn AUN, đại diện Đoàn đánh giá cao tinh thần của cán bộ, giảng viên khi phối hợp cùng xây dựng và nâng cao chất lượng chương trình giảng dạy. Nhìn chung, cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo đã phản ánh rõ tầm nhìn và sứ mệnh của trường (đó là trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu có uy tín trong khu vực về giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ, quốc tế học và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn có liên quan); có sự phân bổ hợp lý giữa các tín chỉ, các môn học; nội dung chương trình được cập nhật thường xuyên nhằm bắt kịp với sự phát triển hiện nay; đội ngũ giáo viên được đánh giá là có trình độ cao, nhiệt tình và tích cực trong hoạt động giảng dạy; cơ sở vật chất, giảng đường, thư viện đầy đủ, đáp ứng nhu cầu người học,… Để nâng cao chất lượng hơn nữa, Chuyên gia đánh giá ngoài AUN cho rằng quá trình xây dựng chương trình cần có sự tham gia, phản hồi của các bên liên quan để từ đó thiết kế chương trình giảng dạy phù hợp và hiệu quả nhất. Trường ĐHNN mà cụ thể là Khoa Sau đại học cần chú trọng hơn nữa các nhân tố bên ngoài như thiết lập quan hệ hợp tác với các công ty, các nhà tuyển dụng đồng thời phát triển mạnh hơn kĩ năng tư duy phê phán (critical thinking skills) cho học viên và tạo cơ hội cho học viên mở rộng hơn kiến thức văn hóa về các vùng miền, các quốc gia trên thế giới.
Phát biểu tại phiên bế mạc, TS. Choltis Dhirathiti – Phó Giám đốc điều hành AUN đã bày tỏ sự cảm ơn lãnh đạo ĐHQGHN, Trường ĐHKHXH&NV, Trường ĐHNN và cán bộ, giảng viên, sinh viên 2 Khoa có chương trình đào tạo được AUN đánh giá ngoài đã tạo điều kiện để các đánh giá viên của AUN hoàn thành nhiệm vụ. TS. Choltis Dhirathiti nhấn mạnh, giáo dục đại học ngày nay đã xuất hiện một hình thức văn hoá mới đó là văn hoá chất lượng. Các đại học đều coi việc đảm bảo và nâng cao chất lượng là một trọng trách quan trọng. Phó Giám đốc điều hành AUN tin rằng việc đánh giá sẽ mang lại lợi ích lớn trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu tại các trường đại học.
GS.TS Mai Trọng Nhuận tin rằng những kết quả đánh giá của Đoàn công tác sẽ giúp các đơn vị của ĐHQGHN nhận thấy rõ hơn những điểm mạnh của mình để tiếp tục phát huy, đồng thời phát hiện ra những điểm còn hạn chế cần cải thiện, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội tốt cho các nhà đánh giá chất lượng trong tương lai của ĐHQGHN có cơ hội quan sát, học tập quy trình đánh giá, quá trình cộng tác cùng tiến hành các hoạt động đánh giá của các thành viên trong đoàn.
Phát biểu bế mạc, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã gửi lời cảm ơn chân thành tới Đoàn đánh giá ngoài của AUN, tất cả các cán bộ, giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng đã tham gia nhiệt tình và hợp tác hết mình trong đợt đánh giá ngoài lần này. PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cũng đánh giá cao tinh thần làm việc nhiệt tình, nghiêm túc, có hệ thống của các chuyên gia đánh giá ngoài của AUN. Phó Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh, những nhận định, đánh giá về điểm mạnh và nội dung cần cải tiến của 2 chương trình là nhằm góp phần đưa chất lượng chương trình ngày càng tốt hơn. Thông qua các minh chứng cho thấy các chương trình đã phát triển đúng hướng và đạt được các mục tiêu đề ra. Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý các đơn vị cần tiếp tục phấn đấu để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ.

 

Nguồn tin: http://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N15387/Be-mac-danh-gia-ngoai-theo-tieu-chuan-AUN-QA-lan-thu-24.htm

"

Số lượt truy cập

Số lần xem các bài viết
440664